Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con khó dạy?


 “Mới 12 tháng tuổi mà thằng bé đã có biểu hiện... cứng đầu. Ba mẹ nói gì cũng không nghe, chỉ thích làm theo ý mình. Không hiểu sao trẻ ở độ tuổi này lại thích đập phá đến thế. Cuốn sách ba nó mới mua về chưa đọc được chữ nào, nó cầm xé tanh banh.

Mới sắm cái tivi màn hình phẳng để phòng khách, “anh ta” thích thú lấy ngay cái remote và thẳng tay… ném xuống đất. Những lần như thế tôi đều bực mình la lối và gõ nhẹ vô tay cậu con cưng mấy cái... Nhưng lần sau lại tái diễn!”.

(Trích thư của chị Hằng - Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Rất nhiều phụ huynh trẻ đang nuôi con ở độ tuổi từ 12-36 tháng tuổi có cùng tâm tư giống chị Hằng. Thậm chí một phụ huynh ở Q.1, TP.HCM còn bi quan: “Mới nhỏ xíu con bé đã cứng đầu như thế, mai mốt lớn làm sao dạy được?”.

Giải thích vấn đề này, Th.S Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trung tâm thông tin khoa học giáo dục, Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 3 - cho rằng: “Bắt đầu từ lúc một tuổi trở đi, trẻ đã tự nhận thức được bản thân và khám phá các mối quan hệ đối với những người xung quanh. Kỹ năng vận động cũng bắt đầu được hoàn thiện: trẻ đi được, chạy được, bập bẹ nói được... Các bé như phát hiện “một chân trời mới” nên rất muốn khám phá, muốn đụng vào, gõ vào, đôi khi còn gặm thử, liếm thử… Nói chung, trẻ dùng tất cả các giác quan để “thử”. Vì thế mới có chuyện thích đập, phá, xé… xem nó như thế nào, nó ra sao. Nhất là những hành động ấy tạo ra tiếng kêu - điều này khiến trẻ càng thích thú.

Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất phụ huynh nên từ tốn giải thích cho trẻ hiểu. Có thể đối với trẻ nhỏ, nghe bố mẹ nói 1-2 lần các bé không thể hiểu được nhưng 4-5 lần trẻ sẽ biết được ngay: cái remote phải để trên bàn, không được ném xuống đất. Nó bị vỡ sẽ không làm cho cái tivi “nói” được, không có hình người trong đó...”.

Th.S Thanh Thủy cũng lưu ý tình trạng “đói giao tiếp” xảy ra ở một số trẻ mầm non - nhất là các trường hợp phụ huynh quá bận rộn với công việc làm ăn. “Nếu người lớn đáp ứng được những nhu cầu tinh thần và tình cảm của trẻ, các bé sẽ cảm thấy thỏa mãn và yên ổn, vui vẻ chơi với đồ chơi của mình một cách ngoan ngoãn...” - Th.S Thủy cho biết.

Tuổi Trẻ