Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi trẻ nói dối


  Mỗi đứa trẻ đều có một lý do riêng để nói dối. Trong trường hợp ấy, bố mẹ có thể làm gì?

Những kiểu nói dối của trẻ

Sự dối trá bao hàm lừa được người khác và người nói dối biết rất rõ điều gì đúng, điều gì sai.

Tuy nhiên, một nhóc tì lên 4 tuổi chưa biết phân biệt sai đúng, nên "tầm vóc" của những câu nói dối không quá nghiêm trọng.

Trẻ có thể "sáng tác" bốn kiểu nói dối thường gặp sau:

. Nói dối để tìm hiểu phản ứng của người lớn: "Một thằng nhóc nọ đã lấy hết đồ chơi của con".
. Phóng đại khả năng "siêu phàm" của mình: "Con có thể nhảy qua hàng rào đấy!".

. Sáng tác những câu chuyện hoang đường: "Tốt qua, con thấy một con mèo to bằng... con khủng long".

. Nói dối để che đậy lỗi lầm: "Con đâu có ăn vụng bánh kem trong tủ lạnh!".

Trong đó, kiểu nói dối thứ tư được xem là "đáng đánh đòn" nhất. Khi con bạn từ chối lỗi lầm, đấy là vì bé muốn thoát khỏi những rắc rối (bị mắng, bị đánh vài roi...). Trên hết, bé không hề muốn trở thành một đứa trẻ hư hoặc khiến bố mẹ bực mình.

Hiểu điều này, bạn sẽ nhìn vấn đề ở khía cạnh sáng sủa hơn và có cách giải quyết phù hợp.

Làm gì khi trẻ thiếu trung thực?

1. Bình tĩnh và đơn giản hóa vấn đề: Phần lớn trẻ nhỏ đều che giấu sự thật về lỗi lầm của mình. Dần dần, chúng sẽ học về lòng dũng cảm nhận lỗi.

2. Phạt đúng thời điểm và hợp lý: Trẻ nhỏ thường không nhớ dai. Nếu bạn chờ đến ba ngày sau mới phạt, bé sẽ không "tâm phục". Hơn nữa, những hình phạt quá nặng càng khuyến khích trẻ nói dối.

3. Rạch ròi giữa ''phạt" và "hết thương'': Trẻ cho rằng bị phạt đồng nghĩa với việc bị hắt hủi. Bạn hãy cho bé hiểu: "Dù giận nhưng mẹ vẫn yêu con".

4. Giải thích hậu quả của việc nói dối: Kể cho bé nghe truyện Chú bé chăn cừu. Trẻ sẽ hạn chế nói dối nếu chúng thấy tác hại của việc đó.

5. Khuyến khích trẻ nói thật: Bảo đảm với trẻ rằng chúng sẽ không bị phạt nếu nhận lỗi.

6. Khen thưởng và làm gương tốt: Trẻ chưa phân biệt giữa nói dối tốt và nói dối xấu. Vì thế, bạn hãy luôn nói thật trước mặt bé.

Theo Tiếp thị & Gia đình