Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học cách nói


Eloisse Goldman biết rằng việc chị bỏ ra 250 USD để mua chiếc máy nghe nhạc iPod mini cho Ben, cậu con trai 9 tuổi là rất ngớ ngẩn.

Thực ra, số tiền không phải là vấn đề. Nhưng nếu chị tiếp tục nhượng bộ thì làm sao Ben có thể hiểu được rằng không phải lúc nào cậu bé cũng có thể đạt được mọi điều mình muốn. Eloise biết rằng "số phận" của chiếc iPod mới này cũng không khá gì hơn những món đồ chơi trước đây của Ben, nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên trong nhà kho. Lý lẽ của Ben là "ai cũng có một chiếc" và thế là vợ chồng Goldman xiêu lòng. Eloise quyết định gật đầu với Ben nhưng không quên dạy Ben "bài học về sự giới hạn": "Nếu cha mẹ mua cho con chiếc iPod, con phải hy sinh tiệc sinh nhật của con". Ben "OK" ngay nhưng lại tiếp tục "chào hàng": "Con nghĩ là đã đến lúc con nên có riêng chiếc máy tính Apple G4".

Ben thuộc thế hệ những đứa trẻ mà các nhà tâm lý và giáo dục Mỹ gọi là "Generation Excess" (Thế hệ vượt quá giới hơn). Thế hệ trẻ em này hình thành vào cuối những năm 1980, mà chỉ có máy tính và video game mới giữ được chân chúng ở nhà. Chúng nghĩ rằng máy nghe nhạc MP3 và tivi màn hình phẳng là những vật dụng thiết yếu và tìm mọi cách để sở hữu. Một cuộc điều tra mà đối tượng là những học sinh tiểu học cho thấy nếu "khát khao" một món đồ mới, các em thường van nài chín lần trước khi cha mẹ các em "đầu hàng". Thế hệ làm cha làm mẹ hiện nay từng được nuôi dưỡng trong môi trường đề cao giá trị của sự tiết kiệm cùng sự hy sinh, và từ "không" là từ thường gặp trong các gia đình. Thế nhưng, khi làm cha làm mẹ trong bối cảnh kinh tế thịnh vượng hơn, thị trường là có nhiều món hàng cám dỗ trẻ em hơn, họ đã không thể học được cách từ chối con cái của mình. Một phần do phải làm việc nhiều hơn nên vào những ngày cuối tuần mệt mỏi, họ chỉ muốn "mua" sự bình yên bằng cách nói "đồng ý" với những đòi hỏi của con. Một lý do nữa là những mối lo về tương lai của con cái trong một xã hội ngày càng cạnh tranh. Làm sao những người quan tâm đến con cái có thể từ chối những thiết bị thể thao hay những lớp học ngôn ngữ, nghệ thuật có thể giúp con cái của mình thành công hơn trong tương lai? Nhưng dường như họ không phân biệt được sự nuông chiều và tình thương. Các chuyên gia đều đồng ý rằng: thương nhiều, không làm hư hỏng một đứa trẻ, việc chiều chuộng mà không biết đâu là điểm dừng sẽ làm hư hỏng con cái.

Cha mẹ mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái nhưng nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ đang nhận thấy rằng họ đang nuôi dưỡng "những chiếc máy chỉ biết muốn mà không biết dừng". Nhiều nhà tâm lý và giáo dục đang kêu gọi các bậc phụ huynh hãy thôi "điên rồ" và bắt đầu dạy cho các em biết điều gì thật sự quan trọng - những giá trị về đạo đức như sự chăm chỉ, lòng biết ơn, tính trung thực, tình yêu thương các tổ chức xã hội và giáo dục ở Mỹ bắt đầu xây dựng những chương trình, hội thảo để giúp cha mẹ biết nói "không" với con cái. Các bậc phụ huynh sẽ cùng trao đổi về kỹ năng làm cha làm mẹ, kỷ luật và đạo đức mà trẻ phải học, hiểu được những ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông đối với trẻ. Nhưng thật không dễ dàng thay đổi, bởi trẻ em Mỹ đang phải hứng chịu một làn sóng marketing mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Susan Linh, giáo sư tâm lý của Đại học Harvard than thở: "Họ muốn có bọn trẻ ngay từ khi chúng chào đời". Các nhà giáo dục và những phụ huynh thật sự lo ngại vấn đề này đang tìm cách gióng hồi chuông báo động để mọi người cùng quan tâm tìm cách giải quyết.

Theo DNSGCT