Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường lần đầu


Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, ngày khai giảng năm học mới lại đến. Xen lẫn với sự nôn nao khôn tả là nỗi băn khoăn, lo lắng của mẹ cho đứa con yêu, bởi lần đầu đi học, chắc chắn con sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp bé yêu nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, mời các bạn cùng tham khảo cuộc trò chuyện với cô Thanh Bình - Tiến sĩ Khoa học giáo dục - giảng viên trường Đại học Sư phạm Tp. HCM về vấn đề chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường lần đầu

1. Ở giai đoạn đầu đến trường, sự thay đổi giữa môi trường gia đình và học đường có thể khiến các bé bị sốc tâm lý không?

Rất có thể! Về mặt cảm xúc, các bé tuổi mẫu giáo còn phụ thuộc vào người thân nhiều. Đối diện với khung cảnh xa lạ, nếp sinh họat mới, người chăm sóc mới cùng với việc xa cha mẹ thường để lại cho bé những dấu ấn không dễ chịu chút nào. Còn ở tuổi đi học lớp một, các em phải mặc đồng phục, phải tập trung chú ý trên giờ học lâu hơn, về nhà phải làm bài tập, bị áp lực điểm số… Rồi lớp học, sân chơi ở trường không phải khi nào cũng thoáng mát, nhà vệ sinh xa lớp học, nhiều trẻ nhịn tiêu tiểu sẽ gây cho các em những khó chịu nhất định.. Đó là chưa kể nhiều khi ở nhà, cha mẹ kỳ vọng cao ở con cái, mà không tính đến tâm trạng cũng như sức khỏe của con mình. Đó là những lý do làm bé có thể bị "sốc tâm lý" ở giai đoạn đầu đi học.

2. Những nguy cơ hay hiện tượng nào thường xảy ra với các bé trong trường hợp này nhất?

- Với trẻ mầm non, bé hay khóc, nôn ói, biếng ăn, ngủ không ngon giấc và sụt cân. Chứng sợ xa mẹ cũng khiến bé có những biểu hiện rối loạn giấc ngủ như ngủ mớ, nói sảng hay rối loạn tiểu tiện như đái dầm hay nín tiểu…

- Với trẻ lớp một, môi trường gia đìnhvà học đường có sự khác biệt rõ ràng hơn, thời gian vui chơi ít hơn, giờ giấc sinh hoạt nghiêm khắc và các áp lực bài vở, điểm số có thể khiến trẻ chán học, ảnh hưởng xấu khả năng tiếp thu kiến thức. Ấn tượng về những ngày đi học đầu tiên rất quan trọng, nó có thể làm cho bé thoải mái, thích trường lớp, bạn bè, nhưng cũng có thể làm cho bé buồn, ghét trường học. Điều này phụ thuộc trước hết vào sức khỏe, tính cách, khả năng thích ứng của bản thân và vào sự hỗ trợ của người thân

3. Ba mẹ nên làm gì để giúp bé vượt qua được khủng hoảng tâm lý và thích nghi với môi trường mới?

- Đối với trẻ mầm non, sự xa cha mẹ là khiến bé lo lắng nhất. Vậy, hãy cùng con làm quen với trường học, bạn bè, gây cho bé sự thích thú về môi trường mới như cùng con đến tham quan trường, kể cho con nghe những điều hấp dẫn như: có bạn cùng chơi trò bác sĩ, có cô giáo dạy con múa hát… Một mẹo nhỏ nữa là cùng con đếm ngược thời gian để tạo hứng thú với ngày đến trường. Ở 1, 2 tuần lễ đầu, hãy cùng vào lớp với con khoảng 30 phút. Nếu trẻ quá nhút nhát, nên gửi trẻ nửa buổi trong thời gian đầu để trẻ quen dần với việc vắng người thân.

- Đối với trẻ lớp 1, cha mẹ hãy cùng con đi mua sắm cặp, đồng phục mới, sách vở, cùng con bao tập sách, viết nhãn vở để làm cho bé hào hứng với việc học. Để con tự chọn và trang trí góc học tập. Cho con dán chữ cái, dán số lên bàn. Tất cả những việc tưởng như nhỏ ấy sẽ làm cho bé ý thức về việc đi học và chuẩn bị về mặt tâm lí hơn. - Một điều nữa, ba mẹ nên tập cho con ý thức tự lập từ khi còn nhỏ. Con chúng ta nếu không có thói quen tự phục vụ thường bị stress khi không có cha mẹ ở bên. Để tránh điều đó, bạn cần dạy con thói quen tự lập, như tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh, tập cho con ăn thức ăn đa dạng, sử dụng thìa, đũa.

- Bạn cũng đừng quên kiểm tra sức khỏe cho con mình trước thềm năm học mới để phối hợp với nhà trường có hướng chăm sóc bé thích hợp.

Tóm lại, việc thích nghi với môi trường học tập cả ở Mầm non và Tiểu học không phải là việc khó khăn nếu chúng ta biết cách hỗ trợ con. 

( Theo Làm cha mẹ )