Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sản phụ lớn tuổi dễ gặp trở ngại khi sinh con


Lập gia đình ở tuổi 36, bốn năm sau, chị Huỳnh Thị Lý nhà ở Tân Bình, TP HCM mới mang thai. Trong lần khám thai ở tháng thứ 6, niềm vui của vợ chồng lớn tuổi tắt lịm khi các bác sĩ chẩn đoán con của họ mắc hội chứng Down.

Ngoài trường hợp của chị Lý, mỗi năm có đến hàng trăm trường hợp sản phụ lớn tuổi đến khám và tư vấn tại Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, TP HCM, tuy nhiên theo các bác sĩ, khả năng "mẹ tròn con vuông" đối với những trường hợp này vẫn rất thấp.

Bác sĩ Nguyễn Hồng, Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho biết, nguy cơ mà các sản phụ phải đối mặt chính là hiện tượng khó 'đậu' thai, sảy thai và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt, trẻ sơ sinh nhóm này có nguy cơ mắc dị tật cao hơn những trẻ khác.

Theo bác sĩ Vân, trong số các biến chứng, tiền sản giật - bệnh nhiễm độc thai ngén là biến chứng nguy hiểm nhất, chiếm tỷ lệ 5-8% số phụ nữ mang thai và dễ gặp ở thai phụ lớn tuổi.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là cao huyết áp, phù mặt, tay và nước tiểu nhiều chất đạm. Dấu hiệu phù mặt, tay của tiền sản giật rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng phù nề do xuống máu.

Tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi. Mẹ có nguy cơ bị tổn thương thận, gan, không cầm máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh này cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong.

Ngoài ra, trong những tháng cuối thai kỳ, nếu thấy các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi, thở dốc, sản phụ "có tuổi" cần đi khám ngay vì đây là biểu hiện của bệnh tim. Bệnh này dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy mãn tính khiến thai nhi phát triển không tốt, hoặc sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

Cũng theo bác sĩ Vân, người lớn tuổi có tiền căn bệnh tiểu đường rất dễ bị những tai biến trong lúc mang thai. Bệnh này thể hiện qua triệu chứng tăng cân rất nhanh (khoảng 20 kg). Sản phụ lớn tuổi bị mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ sảy thai và sinh non càng cao, do đó cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để phát hiện những biến chứng có thể xảy ra.

Các trở ngại khác

Trên 90% phụ nữ dưới 30 sinh con bình thường nhưng từ 35 đến 39, khả năng thụ thai chỉ còn 70%, tuổi 40 đến 44 khoảng 35%. Còn phụ nữ từ 45 tuổi trở lên chỉ có 10% đạt kết quả.

Phụ nữ càng nhiều tuổi càng dễ bị sẩy thai do sự bất thường về nhiễm sắc thể. Thống kê về sảy thai tăng theo tuổi tác trên thế giới, tỷ lệ sảy thai ở độ tuổi 35-37 là 20% và sẽ cao hơn nữa ở những lứa tuổi lớn hơn.

Cũng theo bác sĩ Vân, tỷ lệ tai biến tỷ lệ thuận với tuổi người mẹ, nhất là với hội chứng Down. Ở người mẹ 25 tuổi, nguy cơ sinh con bị Down là 1/1.250; nhưng trên 35 tuổi, cứ 378 ca thì có 1 ca mắc, trên 40 tuổi: 1/106; 45 tuổi trở lên: 1/30.

Nguyên nhân do tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa.

( Theo VnExpress )