Chuyển đổi loại hình mầm non: Phải phù hợp với thực tế “Nếu không chuyển được sang công lập thì tốt nhất vẫn là bán công” - bà Nguyễn Thị Thoa - Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Kỳ nhắc đi, nhắc lại về nguyện vọng của cán bộ giáo viên trường mầm non nông thôn. Mâu thuẫn giữa thực tế với quy định pháp luật đang khiến cho nhà trường, chính quyền địa phương, Bộ GD-ĐT loay hoay hơn 2 năm nay vẫn chưa tìm ra bài giải.
Địa phương chờ Bộ Theo bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội, hầu hết các trường mầm non nông thôn ở ngoại thành Hà Nội đều đang ổn định về chất lượng giáo dục dưới mô hình bán công. “Người dân khu vực nông thôn đa số còn nhiều khó khăn, khả năng đóng góp ít, chỉ đủ chi trả một phần cho hoạt động trên lớp của con em mình nên mô hình bán công với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư là phù hợp nhất, trừ những nơi khó khăn như một số xã ở Sóc Sơn thì có thể chuyển sang công lập” - bà Nguyễn Lan Hương khẳng định. Tuy nhiên, để chính thức chuyển sang công lập đối với những trường thuộc diện khó khăn ở Sóc Sơn hay việc chuyển đổi những trường bán công hiện tại sang loại hình khác theo yêu cầu Luật Giáo dục thì vẫn cần phải chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. “Nhưng nếu chuyển sang dân lập, lại giao về cho phường, xã hay cộng đồng dân cư theo quy định của Luật thì các trường mầm non nông thôn chắc chắn sẽ lại trở lại quá khứ với tình trạng lớp không ra lớp, trường không ra trường vì nông thôn không thể có điều kiện đầu tư toàn bộ từ cơ sở vật chất đến lương bổng, chính sách cho giáo viên ở cấp mầm non” - bà Nguyễn Lan Hương cho biết. Đây cũng là ý kiến chung của các địa phương khác như Sở GD-ĐT Bắc Giang khi đại diện Sở này cho rằng các trường mầm non bán công ở nông thôn nếu chuyển sang dân lập sẽ chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng đóng học phí của người dân còn hạn chế, trong khi trình độ của cán bộ quản lý còn bất cập, nhất là việc thành lập Hội đồng quản trị…
Còn theo Sở GD-ĐT Quảng Ninh, thực tế ngay tại những cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước đầu tư hoàn toàn về cơ sở vật chất vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu, chứ chưa nói tới chất lượng các trường tư thục. Hơn nữa, do mức sống của dân thấp nên nhiều khi tỉnh này còn thất thu cả học phí, nếu thực hiện chuyển đổi theo xu hướng sang dân lập và tư thục thì đây quả là điều khó khăn. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, cả nước có 11.190 trường mầm non trong đó trường bán công chiếm tỷ lệ 43%. Như vậy, với 4.810 trường bán công cần chuyển đổi này, các địa phương đang hy vọng Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chuyển đổi loại hình trường mầm non, trong đó có cả vấn đề chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non công lập cũng như dân lập. Bộ chờ... thực tế Tháng 5-2007, tại Hội thảo về chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục Mầm non Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Vụ Giáo dục Mầm non phải phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ chỉnh sửa và có văn bản hướng dẫn trong đầu tháng 7-2007 về phương thức chuyển đổi. Tuy nhiên, ngày 15-10, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Ngô Thị Hợp cho biết, Vụ đang tiến hành khảo sát thực tế ở các địa phương để có phương án cụ thể cho việc chuyển đổi. “Đây là vấn đề khá phức tạp, chưa thể đưa ra kết luận ngay” - bà Ngô Thị Hợp trả lời thắc mắc của phóng viên. Được biết, từ đầu tháng 10, Bộ đã tiến hành khảo sát về các loại hình mầm non tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tây Ninh. Kết luận của cuộc khảo sát này ghi rõ: “Cho tới nay chưa có trường nào trong các tỉnh này có sự chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường dân lập. Hầu hết đang chuyển động và trông chờ hướng dẫn của Trung ương”. Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Chuyên viên vụ Giáo dục Mầm non, người trực tiếp khảo sát các tỉnh thì không chỉ ở những vùng đã khảo sát mà cả nước hiện vẫn chưa có trường nào chuyển đổi được từ bán công sang dân lập, trừ những trường thành lập mới. Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên - Luật Giáo dục quy định trường dân lập phải do một cộng đồng dân cư đứng ra thành lập nhưng cụ thể là ai thì trên thực tế không thể xác định được. “Ở Tây Ninh, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ nhận các trường bán công để đầu tư trở thành trường ngoài công lập. Đây là vấn đề vướng mắc chính trong việc chuyển sang dân lập khi không biết giao trường cho đoàn thể nào hay cho chính quyền phường, xã...” - ông Nguyễn Trung Kiên phân tích. Vấn đề còn đáng lo ngại hơn nếu chuyển sang tư thục vì mối lo khi một cá nhân giữ cổ phần chi phối thì việc lỗ lãi của trường mầm non đó sẽ khiến cá nhân này quyết định cho trường tồn tại hay không. “Nếu không tồn tại nữa thì mất cả trường, cả lớp, học trò không có chỗ học, thầy không có chỗ dạy” - ông Nguyễn Trung Kiên băn khoăn. “Bộ muốn có hướng dẫn thì cũng phải đi tìm mô hình nào phù hợp để đưa ra cách thức chuyển đổi những thực tế cho thấy việc chuyển đổi này chưa đi vào cuộc sống, chưa có bất cứ trường nào thực hiện được. Chúng tôi sẽ phải báo cáo toàn bộ thực trạng này lên Thủ tướng Chính phủ. Nếu chuyển đổi không phù hợp với thực tế thì có khi phải sửa lại Luật...” - Có lẽ đây là lối đi khả quan nhất cho việc chuyển đổi loại hình mầm non hiện nay. ( Theo ANTĐ ) |