Trường mầm non nông thôn: Loay hoay chọn mô hình Mô hình các trường mầm non theo chủ trương xã hội hóa và được quy định theo Luật Giáo dục sửa đổi từ năm 2006 chỉ còn 3 loại hình là công lập, dân lập và tư thục. Như vậy, loại hình bán công sẽ phải chuyển đổi theo hướng thiên về xã hội hóa tức là chuyển sang dân lập, tư thục.
Tuy nhiên, chủ trương chuyển đổi này hoàn toàn không ăn khớp với thực tế khi phần lớn những trường mầm non nông thôn hiện không thể xếp vào loại nào trong những loại hình mà Luật Giáo dục đã quy định. Buông lỏng hơn 30 năm Huyện Sóc Sơn hiện có 29 trường mầm non, trong số đó chỉ có 2 trường công lập, 2 trường của quân đội, một trường của doanh nghiệp, còn lại 24 trường vẫn đang hoạt động dưới cái tên trường mầm non nông thôn.
“Vậy trường mầm non nông thôn thì được xếp vào loại hình gì?” - “Không gọi là gì cả, chỉ là mầm non nông thôn thôi” - ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sóc Sơn trả lời phóng viên. Rà lại các văn bản trước đây, Quyết định 161/2002/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định Giáo dục mầm non có 4 loại hình trường là công lập, bán công, dân lập và tư thục. Còn theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 thì loại bỏ loại hình bán công chỉ còn công lập, dân lập và tư thục. Như vậy, trên văn bản chẳng hề có loại hình trường nào là mầm non nông thôn. Tìm hiểu về việc này, phóng viên Báo ANTĐ đã đến gặp Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Kỳ, Sóc Sơn. Hai cô giáo ở trường cho biết, muốn tìm cô Hiệu trưởng thì phải đến nhà riêng. Quả nhiên, bà Nguyễn Thị Thoa - Hiệu trưởng nhà trường đang ở nhà thật. Bà Thoa giải thích, vì trường không có phòng sinh hoạt chuyên môn, cũng chẳng có phòng làm việc dành cho Hiệu trưởng nên mọi việc giấy tờ sổ sách đều phải mang về nhà riêng để làm. “Mà đấy là địa điểm khang trang nhất của trường Mầm non Hồng Kỳ đấy, còn 9 địa điểm nữa bố trí theo từng thôn của Hồng Kỳ thì còn khó khăn hơn nhiều” - Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Kỳ cho biết. Khi hỏi về công tác chuyển đổi mô hình của trường, bà Nguyễn Thị Thoa cho biết, trường đã lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi từ bán công sang công lập: “Bán công cũng chỉ là do nhà trường tự nhận chứ làm Hiệu trưởng gần 30 năm nay, tôi đâu đã nhận được quyết định thành lập trường”? Xác nhận vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành cho biết, hầu hết các trường này đều chưa có con dấu, mỗi trường chỉ có vài suất biên chế cho Hiệu trưởng và một vài cán bộ nữa. “Thậm chí còn không có Hiệu phó vì không đủ biên chế trong khi mỗi trường mầm non nông thôn có tới 9, 10 địa điểm ở mỗi thôn trong xã” - Trưởng phòng GD-ĐT Sóc Sơn nói. 4.000 đồng đóng bữa ăn trưa còn không có 14h, trường Mầm non Minh Trí vắng hoe không một bóng học sinh. Mấy đứa trẻ độ tuổi mẫu giáo đi lại loanh quanh trên đường làng thay vì đến lớp. Hỏi thăm một ông lão đang quét vườn gần trường được ông cho biết ở xã này 14h30 các cháu mẫu giáo mới bắt đầu vào lớp. Biết phóng viên hỏi về học phí, ông lão liền kéo ngay vào nhà uống nước để nói chuyện trong khi chờ các cô giáo đến. “Sao năm nay học phí lại cao thế, mỗi cháu hơn 500.000 đồng? Mới đi học mẫu giáo đã thế rồi, đấy là còn chưa đóng bảo hiểm lại không có ăn trưa đấy nhé...” - câu chuyện được mọi thành viên trong nhà nhanh chóng hưởng ứng, mỗi người một chuyện, chung quy là làm sao để có tiền đóng học phí... Đến một lớp học của thôn Vụ Bản, cô giáo Đinh Thị Tuyến cho biết, nhà trường đã phổ biến về việc chuẩn bị chuyển đổi mô hình trường học. “Kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học ở đây tôi biết vì giáo viên có nhiệm vụ đến từng nhà để vận động các cháu đến trường, giờ nếu chuyển sang dân lập có nghĩa là phải tăng học phí thì chắc chắn chỉ khoảng 20% cháu 3-4 tuổi đến trường thôi”. Nguyên nhân cô giáo Đinh Thị Tuyến đưa ra là người dân xã Minh Trí, cụ thể là thôn Vụ Bản này không có nghề phụ, tất cả chủ yếu trông vào mấy sào ruộng. Từ tiền sinh hoạt gia đình, điện nước đến tiền học của mấy đứa con trong nhà trông vào việc bán lúa gạo, nuôi mấy con lợn, gà. “Nhà trường vận động phụ huynh cho con học bán trú ở trường, mỗi cháu phải đóng thêm 4.000 đồng/bữa trưa/ngày. Có vị phụ huynh nói rằng một bữa cả nhà họ ăn cũng chỉ hết từng ấy tiền, giờ nếu nộp 4.000 cho con ăn trưa thì cả nhà chỉ có nhịn” - cô Tuyến kể lại. Tăng thêm học phí, chắc chắn số học sinh sẽ tụt xuống - đó là điều mà bà Nguyễn Thị Thoa khẳng định. Hồng Kỳ hiện mới thu hút được hơn 50% trẻ đến trường. Nếu chuyển sang dân lập, số các cháu đủ điều kiện đi học sẽ còn giảm xuống nữa. Khi đó không chỉ có học sinh thiệt thòi mà các cô giáo cũng khó khăn không kém. Hiện tại, phần lớn giáo viên của các trường mầm non nông thôn là hợp đồng. Ngoài mức phụ cấp theo quy định của thành phố là 450.000 đồng/tháng, các cô chỉ còn khoản lương trích từ số tiền học phí của các cháu. Tổng thu trừ các khoản bảo hiểm, phí khác chỉ còn 400.000 - 600.000 đồng/cô/tháng. “Với từng đấy công sức bỏ ra để nhận lại mức lương bấy nhiêu mà nhiều khi còn phải trích ra cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên mầm non nông thôn quá vất vả” - bà Nguyễn Thị Thoa tâm sự. Không được phân biên chế, cũng không có quyết định thành lập, cơ sở vật chất chỉ do xã hỗ trợ, những trường mầm non nông thôn như Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn... đại diện cho biết bao trường mầm non nông thôn khác hiện chưa đủ điều kiện để xếp vào bất cứ loại hình nào chứ chưa nói đến chuyển đổi sang dân lập, tư thục. Nếu “miếng bánh” ngân sách cho giáo dục vẫn tiếp tục chia đều mà không tính đến khoảng cách giữa thành thị và những vùng khó khăn thì thiệt thòi sẽ lại rơi vào những đứa trẻ nông thôn trong lứa tuổi đến trường nhưng đành ở nhà chỉ vì không đủ tiền học phí. ( Theo ANTĐ ) |