Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rubella, bệnh hiếm gặp đã xuất hiện ở TPHCM


Chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 1 đến nay, trên 2 địa bàn Tân Phú và Củ Chi - TPHCM đã có gần 500 học sinh và công nhân bị rubella, một bệnh được xem là khá hiếm tại VN Theo Trung tâm Y tế (TTYT) quận Tân Phú, vào đầu tháng 1-2005, 23 học sinh Trường Cấp II – III Nhân Văn lần lượt bị nóng sốt, phát ban. TTYT đã báo ngay về TTYT Dự phòng TP và nơi đây đã cử người xuống phối hợp với địa phương xử trí, điều trị và cách ly những trường hợp bệnh. Qua xét nghiệm, TTYT Dự phòng TP xác định đây là bệnh rubella. Tuy nhiên, trước Tết Âm lịch vài ngày, bệnh lại xuất hiện tại một vài công ty trên địa bàn huyện Củ Chi, trong đó nặng nhất là Công ty Sam Yang với hơn 400 công nhân mắc bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc TTYT Củ Chi, đây là những trường hợp nhiễm nhẹ, chỉ cần điều trị ngoại trú. Bệnh nhẹ, có thể tự khỏi BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết rubella là một bệnh nhiễm virus cấp tính, thường xuất hiện vào mùa Xuân và lây lan qua đường hô hấp. Cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể bị rubella, với triệu chứng thường gặp là sốt và phát ban. Bệnh có thể biểu hiện như bệnh sởi nhẹ và có thể gây ra viêm khớp, nhất là ở người lớn. Bệnh hiếm khi dẫn đến viêm não, viêm phổi và không có tử vong. Theo BS Khanh, 50% trường hợp bị rubella ở trẻ em là không có triệu chứng, 50% còn lại có sốt nhẹ (hoặc không sốt), ho ít, chảy mũi, phát ban rải rác. Thông thường, bệnh chỉ kéo dài từ 1 - 2 ngày và tự khỏi. Trong khi đó, ở người lớn bệnh gây sốt và phát ban nhiều hơn, kèm đau khớp, mệt mỏi, biếng ăn và bệnh cũng diễn tiến lâu hơn so với trẻ em, từ 5 - 7 ngày. Nhưng ở phụ nữ có thai, rubella làm tổn thương bào thai! BS Nguyễn Trần Chính, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết rubella chỉ đáng sợ ở phụ nữ mang thai vì bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng bào thai, kết quả là trẻ sinh ra bị rubella bẩm sinh. Những biểu hiện thường gặp của trẻ rubella bẩm sinh là đục thủy tinh thể, điếc, bệnh tim và các bất thường tạm thời khác như nhẹ cân, vàng da, viêm phổi. Khi lớn lên, các trẻ này còn có thể bị chậm phát triển tâm thần, tiểu đường và rối loạn tính cách. Theo BS Chính, mẹ mang thai trong 3 tháng đầu bị rubella thì 50% khả năng sinh con bị bất thường, trong 3 tháng kế tiếp thì nguy cơ này là 30%. BS Khanh khuyên nên chích ngừa rubella cho trẻ từ 15 tháng tuổi, đến 6 tuổi thì chích nhắc lại. Người bị rubella thì đã có miễn dịch, nên khả năng bị lại rất thấp, nếu có cũng là rất nhẹ. Nhất Phương Người lao động