Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh cận thị: Truyện tranh, trò chơi điện tử cũng là thủ phạm!


Thanh Niên đã có nhiều bài phản ảnh tình trạng gia tăng các bệnh học đường, trong đó bệnh về mắt là rất đáng báo động mà ngoài nguyên nhân phòng học thiếu ánh sáng, còn có những thủ phạm nấp dưới vỏ bọc hấp dẫn đối với học sinh... Truyện tranh Cụ thể hơn, là đọc truyện tranh trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nguyên nhân thường là do sợ bố mẹ la rầy, nên các em lén lút đọc ở những nơi thiếu ánh sáng, như đọc trong... mùng, nhà vệ sinh, thậm chí có trẻ còn vào các xó xỉnh, thùng giấy để đọc... Hậu quả là rất có hại cho mắt. Chị Linh, một cán bộ thư viện, đã lo lắng khi phát hiện cả hai cô con gái đang học tiểu học đều mê đọc những cuốn truyện chữ nhỏ xíu như Vua trò chơi, Dũng sĩ Hec-man... Bác sĩ Phí Duy Tiến, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết: "Những bộ truyện này chữ viết nhỏ, xấu xí, mờ nhạt, hình ảnh không rõ ràng. Khi cố gắng đọc, vô hình trung các em đã bắt mắt điều tiết quá mức, dẫn đến tình trạng mắt mệt mỏi, co quắp điều tiết. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra thì rất nguy hiểm cho mắt". Qua tìm hiểu của chúng tôi thì chưa có một quy định chung nào về co chữ sử dụng in ấn sách truyện cho thiếu nhi. Thế nên, theo như ông Bùi Anh (Nhà xuất bản Kim Đồng) thì từng nơi đã có những nghiên cứu để đưa ra chuẩn riêng của mình về nội dung cũng như hình ảnh. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Kim Đồng quy định tối thiểu co chữ trong sách truyện thiếu nhi là 10, chữ rõ ràng in trên giấy Tân Mai với độ trắng đạt 80 - 90 đơn vị. Nhà xuất bản Giáo Dục thì quy định co chữ theo mục đích phục vụ độåc giả cho từng bậc học: Mầm non sử dụng co chữ 14-16, phông chữ chân phương, bậc tiểu học thì dùng co chữ 12-14, khoảng cách các dòng lớn hơn, dùng chữ chân phương, ít chữ, nhiều hình để trẻ dễ nhận biết mặt chữ... Tuy nhiên, theo phản ảnh của phụ huynh thì sách của Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn còn tình trạng co chữ nhỏ như cuốn Vua trò chơi. Trò chơi điện tử Một cán bộ về hưu, từng mở điểm trò chơi điện tử áy náy: "Mới nghỉ hưu, buồn quá, tôi bàn với bà xã mua mấy máy chơi điện tử về phục vụ trẻ con trong xóm cho vui. Không cài đặt những trò chơi mới thì không có khách, nhưng có trò mới thì các cháu mê quá, có cháu ngồi lì từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối mới buông máy ra về". Đây là những tâm sự rất thật của một người kinh doanh có lương tâm. Còn thì để cạnh tranh, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có những hình thức khuyến mãi trà đá, kẹo cao su rồi phục vụ thức ăn tại chỗ để khách chơi cả ngày. Theo một thống kê, hiện nay chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 10 ngàn điểm kinh doanh trò chơi điện tử; bất cứ trên con đường nào, tận hang cùng ngõ hẻm, nhất là các khu vực gần trường học... đều xuất hiện điểm chơi điện tử. Vào năm 2000, trên các phương tiện truyền thông phương Tây, các tổ chức y tế đã đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh Nintendo xảy ra với những người thường xuyên chơi điện tử, với những biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, nhức mắt, loét tay, thậm chí còn làm tổn thương hệ thần kinh... Bác sĩ Trần Quốc Hưng (Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM) khuyến cáo: "Phải thường xuyên nhắc nhở các em giữ gìn đôi mắt cho tốt, chỉ đọc những cuốn sách chữ rõ nét, sử dụng mắt làm việc trong vòng 30- 45 phút, hạn chế cho trẻ tiếp xúc quá lâu với màn hình vi tính, vì nó có độ phân giải ánh sáng cực lớn...". Bích Thanh Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, nguyên nhân khiến học sinh bị cận thị nhiều nhất là do điều kiện ánh sáng không đủ, buộc học sinh phải đọc gần (kê chữ gần với mắt), làm cho tiêu cự ảnh bị lệch (đẩy lùi ra sau), khiến mắt phải tăng điều tiết, nên dễ dẫn đến cận thị. Khoảng cách (từ mắt đến chữ) tốt để đọc theo các bác sĩ là từ 20 cm - 30 cm. Ngoài việc không để học sinh đọc quá gần, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không để các em xem ti vi, ngồi trên máy vi tính quá 2 giờ liền/ngày vì sẽ gây hại cho mắt. T.Tùng (ghi) Thanh Niên