Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 4 và bài 5 : Ngành GDMN TP.HCM - 30 năm xây dựng và phát triển


BÀI 4 VÀ BÀI 5
NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON TP. HỒ CHÍ MINH
30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

A.            PHẦN MỞ ĐẦU
               Thành phố Saigon ngày nay mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành từ rất lâu… hơn 300 năm, nhưng đông đúc và sầm uất là từ thế kỷ thứ 19.
               Bến Nghé năm xưa, Saigon và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay có một vị trí đặc biệt quan trọng. Hiện nay do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa dư thuận lợi, Saigon – thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm công nghiệp, một trung tâm văn hóa và khoa học kỹ thuật, một đầu mối giao thông quan trọng.
               Thời gian 30 năm không phải là dài so với lịch sử dân tộc hay lịch sử Saigon – thành phố Hồ Chí Minh, nhưng 30 năm qua là một khoảng thời gian mang nhiều ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của đất nước, của thành phố Hồ Chí Minh và sự nghiệp giáo dục đào tạo thành phố trong đó có quá trình xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục mầm non thành phố Hồ Chí Minh.

B.            NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON TP.HỒ CHÍ MINH – 30 NĂM HÌNH THÀNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

              I.      Giáo dục Mầm non ở Saigon trước năm 1975
1) Thời kỳ 1945 – 1954:
               Từ năm 1945 đến năm 1954 ở Saigon về giáo dục, rất ít người quan tâm đến nhu cầu, học tập của con em nhân dân ở độ tuổi ấu thơ (3 đến 6 tuổi) trước khi vào học cấp tiểu học.
               Từ năm 1954, trong khi ở nhiều nước Âu Mỹ, ngành mẫu giáo đã phát triển mạnh với nhiều phương pháp giáo dục mới, tiến bộ của các nhà sư phạm Montessori, Decroly, Freinet… thì ở Saigon mới có một số ít trường tư thục mở lớp mẫu giáo tiếng Pháp cho con em nhà giàu như trường Michelet, Calmette, Auroe, Mạnh Mẫu và một số trường công giáo khác như Caritas, Sainte Enfance…
               Trong chương trình giáo dục của chính quyền Saigon lúc bấy giờ không có chương trình mẫu giáo nên các trường công lập không mở lớp mẫu giáo, cũng không có tư thục về ngành này.
               Lúc đó ở Saigon có nhiều nhà giáo quan tâm đến việc dạy trẻ em nhỏ ở Việt Nam bằng tiếng Việt với một phương pháp phù hợp trẻ Việt Nam nên đã nghiên cứu và viết nhiều bài báo giới thiệu phương pháp giáo dục mới. Trong số này có nhà văn nhà giáo Thiên Giang giới thiệu phương pháp Decroly; từ năm 1950 anh Phan Văn Vệ đã cộng tác với báo “Dạy trẻ” ở Hà Nội là tờ báo hỗ trợ cho lớp mẫu giáo thí điểm ở Hà Nội.