Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng chống muỗi như thế nào?


Trước tình hình muỗi bùng phát nhiều nơi ở TP.HCM khiến người dân lo lắng, chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP, và bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP - chung quanh các biện pháp căn cơ để phòng chống muỗi. BS Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: - Theo khảo sát của Trung tâm Y tế và đội y tế dự phòng quận Bình Thạnh, bờ kênh từ đoạn cầu Đỏ đến cầu Băng Ky có mật độ lăng quăng rất cao, dòng kênh lại bị lục bình phủ kín, cộng với nước đen hôi và thủy triều hầu như ít lên xuống nên đã trở thành nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản. Đoạn từ cầu Bình Triệu, Bình Lợi thì do sự bồi lắng của dòng kênh, bèo lục bình phủ, cùng công trình ngăn đập chống triều cường cũng đã làm mật độ muỗi tăng cao. Về hiện tượng muỗi nhiều, theo nhận định ban đầu của chúng tôi không phải muỗi gây sốt xuất huyết (Aedes aegypti). Bởi vì muỗi gây sốt xuất huyết chỉ sống trong nhà và chung quanh nhà đồng thời có liên quan đến những vật chứa nước như lu, bình bông, chén nước chống kiến ở chân tủ chén hoặc các vật phế thải chứa nước sạch như gáo dừa, vỏ xe... Còn đối với muỗi hiện nay bà con phản ảnh xuất hiện nhiều đó là muỗi Culex, có trên 20 loài, môi trường cho chúng phát triển là những bụi cây, nước đục, ao tù... * Muỗi Culex quá nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng? - Theo khảo sát, chưa chứng minh được vai trò truyền bệnh của loài Culex có ở thành phố. Tuy nhiên ở nông thôn có những loài như Culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản B. BS Nguyễn Quốc Hưng, viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM: - Phương pháp ngăn ngừa có tính chất hiệu quả và lâu dài nhất vẫn là chặn đứng những yếu tố thuận lợi cho muỗi đẻ. Còn phun thuốc diệt muỗi bằng hóa chất ở diện rộng là biện pháp sử dụng hạn chế, không nên lạm dụng vì hóa chất có thể gây độc hại cho môi trường và con người. Vì thế người ta mới khuyến khích dùng các biện pháp dân gian, hoặc các biện khác trong gia đình như ngủ mùng, dùng nhang đuổi muỗi, bình xịt muỗi gia dụng. Tuy nhiên, những cách phòng chống này mang tính chất cá nhân, phòng chống trong nhà là chính và có tính chất xua muỗi chứ không thể làm giảm quần thể muỗi xuất hiện một cách ồ ạt được. * Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bình thuốc xịt côn trùng, nhang trừ muỗi, máy, vợt đuổi muỗi... Những loại này có hiệu quả phòng chống hay không và có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không, thưa BS? - Những hóa chất mà các công ty đưa vào sản xuất đều phải nằm trong danh mục qui định, theo liều lượng cho phép của Bộ Y tế, đã có loại trừ những loại hóa chất gây độc. Hiệu quả qua kiểm nghiệm là tốt, nhưng hiệu quả khi sử dụng còn tùy thuộc người dân sử dụng có đúng cách hay không. * Trước thực tế muỗi xuất hiện nhiều ở một số quận huyện, cơ quan chuyên môn phải có biện pháp gì thưa BS? - Tại các quận huyện đều có đội y tế dự phòng có cán bộ côn trùng. Những cán bộ này có trách nhiệm đi điều tra, khảo sát địa bàn và báo động theo hệ thống. Nếu khả năng họ không làm được thì sở y tế phải cử người xuống phối hợp điều tra với địa phương để tìm hiểu và xác định nguyên nhân phát sinh nhiều muỗi do đâu để có biện pháp giải quyết, ngăn chặn. Nếu trường hợp thấy xuất hiện mật độ muỗi lớn, gây nguy hại cho sức khỏe thì sẽ có biện pháp phòng chống một cách rộng rãi. Nếu còn mức độ thấp thì chỉ cần khuyến cáo người dân dùng các biện pháp như trên. Riêng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM cũng sẽ cử cán bộ đi điều tra đánh giá cụ thể. KIM SƠN - LÊ THANH HÀ thực hiện Gần đây, trên thị trường xuất hiện một số loại vợt điện diệt muỗi (chủ yếu là của Trung Quốc) với giá khá mềm. Tuy nhiên, không ít người sử dụng lo lắng rằng khi bất cẩn liệu vợt điện diệt muỗi có ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng hay không, đặc biệt là với trẻ em? Trao đổi với Tuổi Trẻ, kỹ sư Dương Minh Trí - trưởng phòng điện tử ứng dụng Phân viện Vật lý TP.HCM - cho biết thông thường các loại vợt điện diệt muỗi sử dụng nguồn điện là hai pin (loại 1,5V). Trong vợt điện diệt muỗi có thiết kế một mạch điện với mục đích kích điện áp nguồn từ 3V lên đến khoảng 1.000V hoặc hơn. Với nguồn điện áp này có thể làm muỗi chết hoặc cháy tan xác. Tuy nhiên, cường độ dòng điện (sau khi được kích dòng) chỉ dừng lại ở mức vài trăm miliampe và chỉ tác dụng trên một vùng nhỏ của cơ thể (trong trường hợp người dùng chạm tay vào mặt lưới của vợt) nên không nguy hiểm cho người sử dụng. Nhưng tốt nhất nên tránh xa tầm tay trẻ em. Q.THANH Tuổi trẻ