Với trẻ thơ, đôi lúc chúng có những lời nói, cử chỉ thiếu lễ phép nhưng với suy nghĩ “con nít biết gì" nên người lớn thường cười cho qua. Và chính những nụ cười “khuyến khích'' ấy lại phát sinh những rắc rối, phiền lòng sau này. Cười... dễ dãi Bé Hà mới 4 tuổi, rất nhanh nhẹn, thông minh so với bạn cùng tuổi. Hà vốn tính rất ngoan, nhưng cũng thường hay nổi quạu. Có hôm, cậu Út đi làm về, ngang qua chỗ Hà ngồi chơi búp bê, đưa tay véo má bé. Bị làm phiền, Hà bực mình, lườm một cái rõ dài rồi chơi tiếp, thấy điệu bộ bé tức cười, cậu Út lại véo thêm một cái nữa, bé lập tức thét lên “cái thằng này, mày lì như con trâu ấy, nói mãi mà không nghe". Cậu Út vừa ngỡ ngàng, vừa tức cười vì câu nói của bé, nhưng cũng kéo bé lại, đánh nhẹ vào mông, nghiêm mặt ''Hà hỗn nghe, lần sau không được nói vậy”. Nhưng Hà không hề sợ, vì đằng kia đã có bà ngoại. Bà vừa cười lớn tiếng, vừa vẫy bé lại "trời ơi, con nhỏ nói năng tức cười quá”. Rồi bà cúi xuống cười với Hà “ai biểu cậu Út lờn mặt, lì như con trâu mới bị con la chứ". Rồi bà quay sang cậu Út ''nó còn nhỏ, có hiểu gì đâu mà la nó, chẳng qua thấy người lớn nói sao thì bắt chước vậy mà''. Cười đồng tình Bà ngoại có thói quen gọi bố bé Bim bằng “thằng Hinh''. Nghe riết rồi quen, dần dà Bim cũng gọi bố là... thằng Hinh. Một lần bố Bim thức xem bóng đá trực tiếp trong phòng khách, rủ cả bác Hai, cậu Tư cùng xem, cùng bàn luận và hò hét cho xôm tụ. Bim nằm trong phòng ngủ với ngoại, nghe thấy tiếng ''dzô, dzô'', liền thì thào "Ngoại ơi, thằng Hinh, thằng Hai, thằng Tư đang hét lên đấy''. Câu nói bất ngờ của Bim làm bà ngoại phì cười. Bim giơ bàn tay bé xíu lên bịt miệng bà ''đừng cười lớn, cười lớn là thằng Hinh nó biết mình chưa ngủ, nó vô đánh đấy''. Sáng ra, bà đem chuyện này kể lại với mọi người trong nhà, nghe xong ai cũng phì cười. Bim ta lại càng khoái chí, không biết là mình sai. Bữa nọ, Bim hư, bố Hinh bắt quỳ gối xuống sàn nhà, Bim vừa khóc hu hu vừa gọi ''Ngoại ơi, cứu con với, thằng Hinh nó đánh con đây này”. Bố nghe thấy, nổi giận quất vào mông Bim thêm mấy cái. Bà từ nhà dưới chạy lên, vừa kịp xuýt xoa ôm lấy cháu. Như được “tiếp thêm sức mạnh'', Bim hét toáng lên “đuổi thằng Hinh ra khỏi nhà đi, nó dám đánh Bim đau''. Cái sai của bà ngoại là xuề xòa cho qua những câu nói vượt phép tắc, cấp bậc của cháu mình. Trẻ nhỏ thường ngây thơ, hay bắt chước lời nói, cử chỉ của người lớn, cho dù chúng không hiểu. Thế nên trách nhiệm của người lớn trong nhà là uốn nắn, chỉ dạy cho trẻ biết điều gì trẻ được phép và không được phép làm. Nụ cười đồng tình của bà và những người xung quanh trong trường hợp này không những làm bé không ý thức được là mình sai, mà còn tưởng lầm câu nói, hành động mà mình vừa làm là hay, là đúng. Và biết đâu, từ sự hiểu lầm ấy mà bé sẽ nảy sinh tính thích gì nói nấy, không sợ, không nể nang ai. (SGTT) |