Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quản lý mầm non tư thục - bài toán chưa có lời giải


Hà Nội hiện có 37% các trường mầm non là trường công lập, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân. Vì thế, cứvào mùa tuyển sinh, những trường này luôn ở trong tình trạng quá tải.

Nhiều phụ huynh có điều kiện đã chuyển hướng cho con em mình đến với các trường quốc tế, còn lại số khác phải trông vào các trường mầm non tư thục và bộ phận này đang ngày càng phát triển, trở thành một xu thế tất yếu. Nhưng vấn đề quản lý cho hiệu quả đối với khối tư thục cũng đang là bài toán cònbỏ ngỏ.

Giờ giấc chính là thế mạnh của MNTT
 
Những năm gần đây, mạng lưới MNTT của Hà Nội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn thành phố có 58 trường MNTT và 290 nhóm, lớp MNTT. Các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai là nơi tập trung nhiều cơ sở MNTT. Tại một số quận, huyện, số trẻ theo học trong các trường, lớp MNTT chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số trẻ đến trường như Đống Đa có gần 50% số trẻ đến nhà trẻ MNTT, Thanh Xuân cũng có 45%.

Lợi thế cơ bản của trường tư thục chính là giờ giấc. Ở các trường này phụ huynh có thể đón con vào bất cứ giờ nào theo yêu cầu mà không phải trả thêm tiền trông, hoặc có cũng rất ít. Để thu hút thêm học sinh, nhiều hiệu trưởng còn đến từng nhà vận động, thuyết phục cha mẹ học sinh bằng những lời quảng cáo cho chất lượng dạy và chăm sóc.

Một yếu tố khác hấp dẫn các bậc phục huynh là tiền gửi ở trường tư thục không quá cao so với mức phí 75.000 đồng (nhà trẻ) và 95.000 đồng (mẫu giáo) ở các trường công. Ngoài một số trường tư thục lớn, có mức phí thu trên 200.000 đồng/tháng như Liễu Giai, Minh Hải, phần lớn các trường có mức phí dao động khoảng 150.000 đồng đối với trường lớn và dưới 70 -80.000 đồng ở các trường nhỏ hoặc vùng nông thôn, ngoài ra không thu thêm tiền xây dựng trường hay tiền học phẩm khác. Đối với từng đối tượng nghèo, giàu, nhà trường cũng có những thoả thuận riêng về tiền ăn và tiền gửi, miễn sao thu hút được đông đảo học sinh, nhất là những trường đang phấn đấu đủ 3 lớp để thành lập trường.

Quản lý thế nào cho hiệu quả
 
Thực tế cho thấy, hầu hết các trường MNTT có giấy phép đều hoạt động tương đối ổn định, tạo được uy tín. Nhưng hiện chỉ có 58 trường, 85 nhóm, 29 lớp có giấy phép. Các nhóm trẻ gia đình dưới 5 cháu mở ra rất nhiều, nhưng không thể thống kê hết được. Mặc dù được giao quản lý, cấp giấy phép các lớp tư thục nhưng do không nắm được các quy định nên rất ít phường, xã làm được điều này. Phòng GD&ĐT quận, huyện tuy phát hiện có những bất cập, nhưng cũng không thể kiểm tra hay nhắc nhở vì chỉ quản lý về chuyên môn.

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Sở GD&ĐT đã trình thành phố đề án quản lý các trường MNTT, theo hướng quy việc quản lý về một mối, giao lại quyền quyết định thành lập lớp MNTT cho các phòng GD&ĐT quận, huyện. HĐND TP cũng vừa thông qua một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Các trường bán công khi chuyển sang tư thục sẽ được thuê đất dài hạn (miễn tiền thuê), đầu tư trên diện tích đất này được vay vốn ưu đãi, kêu gọi đầu tư công khai, minh bạch.

Trong thời điểm hiện tại, khi trẻ thiếu chỗ học vẫn cần có những giải pháp cụ thể để có thể đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân. Một số quận, huyện đã tự tìm cho mình giải pháp như quận Thanh Xuân khảo sát các cơ sở MNTT trên địa bàn, với những cơ sở đủ điều kiện sẽ cấp giấy phép cho thành lập với điều kiện gửi cán bộ quản lý tới học tại trường Quản lý GD Hà Nội, cô nuôi học nấu ăn tại Trung tâm GDTX... Phần lớn những người quản lý đều mong muốn tất cả các cơ sở MNTT ở mức độ trường để dễ dàng hơn trong quản lý. Tuy nhiên, trong khi thực tế sự đa dạng của nhiều loại hình trường, lớp là một xu hướng tất yếu, vì thế quản lý như thế nào cho thực sự hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi.

                                   ( Theo Kinh Tế & Đô Thị )