Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thận trọng thuốc dán lên da


Tuổi Trẻ (ngày 30-12-2004) đăng tin “Bị mờ mắt khi dùng thuốc dán say tàu xe”, nội dung tin cho biết vừa qua Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc dán chống say tàu xe đã bị liệt cơ mi mắt, giãn đồng tử, dẫn đến mờ mắt không nhìn gần được... Sau đó, nhiều bạn đọc đã đề nghị được thông tin thêm về các loại thuốc dán hiện có trên thị trường. Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của TS.DS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y dược TP.HCM. Dạng thuốc là miếng băng dán dùng để dán lên da hiện nay không chỉ cho tác dụng tại chỗ (như Salonpas chỉ cho tác dụng giảm đau ở vùng dán) mà còn có loại cho tác dụng toàn thân. Dạng thuốc dán thấm qua da cho tác dụng toàn thân còn được gọi là “hệ điều trị xuyên da” (transdermal therapentic system - viết tắt là TTS, ta thấy sau tên thuốc của dạng thuốc này có chữ TTS), bởi vì dù là miếng băng dán lên da nhưng dược chất sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân. Như vậy, mặc dù đường cho thuốc có khác nhưng dạng băng dán xuyên da (BDXD) cho tác dụng không khác thuốc uống hay thuốc tiêm mà lại có các ưu điểm: không làm thương tổn, không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thụ và bị chuyển hóa bởi gan như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất liên tục không phải dùng nhiều lần thuốc trong ngày; nếu cần ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc miếng băng dán ra khỏi da... Do có nhiều ưu điểm kể trên, nên BDXD hiện nay được dùng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: nitroderm TTS chứa trinitrin dùng trị đau thắt ngực, phòng ngừa nhồi máu cơ tim; scopoderm TTS chứa scopolamin dùng phòng chống say tàu xe; estraderm TTS chứa estrogen dùng trị rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ; fentanyl TTS chứa fentanyl dùng trị đau nhức nặng như đau ung thư giai đoạn cuối; nicoderm TTS chứa nicotin dùng cai nghiện thuốc lá... Do BDXD là dạng thuốc đặc biệt cho tác dụng toàn thân nên khi sử dụng phải thật lưu ý những điều sau: dán đúng vị trí theo sự hướng dẫn, như dán scopoderm TTS phòng say tàu xe vào vùng da khô sau tai bốn giờ trước khi lên xe, dán nitroderm TTS vào vùng da trước ngực... Ngoài ra, tuy chứa cùng dược chất, nhưng tùy vào nhà sản xuất có nhiều loại BDXD với cách sử dụng khác nhau. Vì vậy, cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, dán cách nào và cách thay băng dán mới, cách hủy băng dán sau khi dùng xong... Điều đặc biệt lưu ý là dạng thuốc BDXD có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Như fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp; hoặc scopoderm TTS chứa dược chất chống co thắt, chống nôn đồng thời có thể gây tác dụng phụ liệt đối giao cảm là làm khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ)... Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da. Nếu đang dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết. Cũng vì nguy cơ gây tác dụng phụ mà nhiều loại BDXD chống chỉ định (tức không được dùng) ở phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em (trẻ dưới 12 tuổi không dùng fentanyl TTS, trẻ dưới 8 tuổi không dùng scopoderm TTS...). Tóm lại, BDXD là dạng thuốc dù dán lên da nhưng phải dùng hết sức thận trọng. Người sử dụng thuốc cần đọc kỹ bản hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, hoặc hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ để sử dụng thuốc đúng cách không để tai biến xảy ra. Đối với các nhà chuyên môn - đặc biệt người hoạt động ở nhà thuốc, nên dành thời gian chỉ dẫn tận tình về những điều cần lưu ý đối với dạng thuốc đặc biệt này. TS.DS NGUYỄN HỮU ĐỨC Tuổi trẻ