Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có nên đẻ không đâu


 Lợi ích từ việc sử dụng phương pháp đẻ không đau rất rõ rệt nhưng ít ai biết rằng, chỉ cần sơ xuất một chút hay trình độ của bác sỹ chuyên môn còn non kém, việc ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người phụ nữ là điều khó tránh khỏi.

Bác sỹ gây tê phải giỏi chuyên môn
Là một trong số ít chuyên gia hàng đầu Việt Nam về kỹ thuật gây tê màng cứng, bác sỹ Bùi Văn Ấm (bệnh viện Phụ sản TƯ) đã từng trả lời trên báo chí: “Trong kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng khó nhất là đưa kim tiêm (kèm ống dẫn nhựa) vào đúng khoang ngoài màng cứng. Việc này phải được thực hiện đúng lúc. Nghĩa là khi đứa trẻ có dấu hiệu quẫy đạp đòi được chào đời”.

 Theo đó, đưa chưa chạm không có tác dụng; đưa quá khoang, chọc thủng màng cứng vào tủy sống không chỉ vô dụng mà còn làm nước tủy chảy ra khiến bệnh nhân bị bệnh đau đầu di chứng; hoặc chọc vào mạch máu gây tụ máu, nếu đám máu tụ chèn dây thần kinh (gây run tê chân) thì phải phẫu thuật để “bóc” đi; hoặc chạm đám rối sẽ gây những tổn thương không đáng có. Bởi vậy, việc gây tê chỉ an toàn khi bác sỹ gây tê là người giỏi chuyên môn và can đảm.

Tại Anh, gây tê ngoài màng cứng chiếm khoảng 20% các ca sinh nở. Trong năm 2005, người ta phát hiện có hơn 200 lỗi xảy ra trong quá trình gây tê ngoài màng cứng và đã có 3 ca tử vong do các lỗi này. Lỗi trầm trọng nhất là tiêm tĩnh mạch thay vì tiêm vào phần màng cứng (cách tiêm này có thể gây ra các cơn đau tim). Các lỗi khác có thể do nhân viên y tế tiêm thuốc quá liều, nhầm thuốc hoặc dùng sai dụng cụ tiêm...

Thậm chí, có tới 40% phụ nữ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng cần đến sự can thiệp trong suốt quá trình chuyển dạ như phải sử dụng foóc-xép. Nhiều chuyên gia cho rằng gây tê ngoài màng cứng cản trở sự tiết hoóc môn trong quá trình trở dạ và làm cho tình mẹ con khó được bắt đầu ngay sau khi sinh.

Đa số có thể chịu đựng được cơn đau đẻ

 Theo bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội: "Biết trước về cuộc đẻ giống như người đi vào rừng rậm nhưng đã biết đường trước sẽ không bị hoang mang lo lắng còn với cuộc đẻ, sản phụ sẽ cảm thấy những cơn đau là chịu được.

 Cũng như trong cuộc chuyển dạ đau đớn vật lộn có được sự động viên an ủi, có sự gần gũi chăm sóc từng ngụm nước, từng hơi thở, những lời khích lệ chia sẻ thì thào bên tai sản phụ của nhân viên y tế, của người thân thì sản phụ sẽ thấy nhẹ đi mười phần. Và có thể nói, hầu hết các sản phụ đều chịu đựng được. Điều đó cũng có nghĩa người đỡ đẻ không phải chỉ đỡ đẻ bằng đôi bàn tay mà phải bằng cả trái tim của mình"

 Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc đẻ bằng kỹ thuật gây tê. Trước hết là thời gian rặn đẻ nhanh hơn đẻ thông thường. Cảm giác đau đớn hầu như ít thấy xuất hiện hoặc không đáng kể trong lúc sinh. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được áp dụng ở các cơ sở sản khoa lớn để theo dõi được thường xuyên tim thai, cơn co qua máy monitor cũng như trình độ chuyên môn của các y, bác sỹ - Bác sỹ Ánh khẳng định.