|
Trẻ chậm phát triển đang được học tại trường Mầm non 9 (quận 11) |
Theo Bà Lê Minh Hà, phó vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT), sau một năm triển khai thí điểm dự án xây dựng mô hình can thiệp sớm (CTS) cho trẻ khuyết tật mầm non tại Hà Nội, Thái Nguyên, Đắc Lắc, TP.HCM, đã có 143 trẻ khuyết tật được CTS (trong đó TP.HCM có 44 trẻ). Dạng tật phổ biến nhất là chậm phát triển trí tuệ. Các cháu khuyết tật nhờ được phát hiện và CTS nên đã có những tiến bộ đáng kể về nhận thức, ngôn ngữ, thể lực, kỹ thuật giao tiếp, kỹ năng cá nhân và xã hội... giúp các cháu có thể học hòa nhập tại trường mầm non và tiểu học.
Riêng phụ huynh có trẻ khuyết tật mong muốn được trang bị kiến thức về giáo dục tật học để có thể phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục trẻ. Mô hình này cũng tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cộng đồng về khuyết tật nói chung và CTS nói riêng, đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác CTS tại các trường, trung tâm, trường chuyện biệt...
Được biết, tại TP.HCM, nhiều năm qua cũng đã có nhiều trường mầm non thực hiện công tác CTS và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trong đó hai trường Mầm non 8 (quận 3) và mầm non 9 (quận 11) được tham gia dự án.
Theo tuoitre.