Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của hệ thống GD quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Vậy nên trong những năm qua, nhà nước đã tập trung đầu tư rất lớn cho công tác GDMN, nhằm phát triển vững chắc bậc học nền móng này. Tuy nhiên đến nay, sau tròn 60 năm xây dựng và trưởng thành (1946-2006), ngành GDMN vẫn còn đứng trước những thử thách vô cùng cam go, khó khăn đủ bề!
82% trẻ 0-3 tuổi chưa được GDMN chăm sóc
Theo báo cáo của Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT), hiện nay, cả nước chỉ còn 63 nhà trẻ và có 45.596 nhóm trẻ (trong đó, có 7.489 nhóm trẻ công lập, 14.105 nhóm trẻ bán công, 2.040 nhóm trẻ dân lập, 3.127 nhóm trẻ tư thục, 18.835 nhóm trẻ gia đình và nhóm trẻ bán trú nông thôn vùng lũ). Đến nay, đã huy động được 619.614 cháu đến các loại hình nhà trẻ, nhóm trẻ để nuôi dạy; đạt tỉ lệ 18% số trẻ trong độ tuổi. Như vậy là trên cả nước vẫn còn 82% trẻ em trong độ tuổi chưa được thụ hưởng sự chăm sóc, nuôi dạy cũng như không tham gia bất cứ hình thức GD nào của hệ thống GDMN.
Tỉ lệ trẻ em từ 0 – 3 tuổi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và GD thấp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, phải kể đến việc giảm số lượng nhà trẻ trên toàn quốc, từ 735 nhà trẻ (năm học 2000-2001) còn 63 nhà trẻ (năm học 2005-2006), do sự tan rã của hệ thống hợp tác xã nông nghiệp. Mặt khác, do đầu tư cho GDMN còn hạn chế (chi phí công cho GDMN chưa tới 10% tổng chi phí cho GD), đặc biệt là về tài liệu học tập và thiết bị cơ bản, thiếu GV có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Rất nhiều trường mẫu giáo (thậm chí là trường mầm non, dành cho trẻ từ 3-5 tuổi), kể cả ở khu vực thành thị, không muốn nhận trẻ dưới 3 tuổi, nên nhiều cha mẹ phải nhờ người thân hoặc thuê người không được đào tạo để trông trẻ.
Ngoài ra, chi phí và khoảng cách từ nhà đến lớp xa cũng khiến nhiều trẻ không được đến trường. Nhiều gia đình không cho con đi nhà trẻ vì nhận thấy sự bất hợp lý khi phải trả học phí GDMN, trong khi GD tiểu học lại được miễn phí. Hoặc chi phí cho việc gửi trẻ quá cao cũng gây trở ngại cho khả năng tiếp cận với hệ thống GDMN của trẻ em nghèo.
Tại nhiều địa phương, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo thấp
Đối với hệ thống mẫu giáo, hiện nay, cả nước có 7.584 trường mầm non (trong đó, có: 2.808 trường công lập; 4.174 trường bán công; 174 trường dân lập; 428 trường tư thục); có 3.012 trường mẫu giáo, với 96.759 lớp mẫu giáo (trong đó, có 46.989 lớp mẫu giáo 5 tuổi; 11.949 lớp mẫu giáo 26 tuần, 36 buổi). Tổng số trẻ em đi học mầm non, mẫu giáo trên toàn quốc là 2.622.568 cháu; đạt tỉ lệ 67,5% số trẻ trong độ tuổi. Trong đó, có 1.245.573 trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đạt tỉ lệ 94% số trẻ trong độ tuổi. Việc trẻ được học ở nhà trẻ, mẫu giáo trước khi vào bậc tiểu học là rất quan trọng. Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai từng khẳng định: chương trình GD tiểu học mới rất tốt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, phát huy tư duy sáng tạo của trẻ, nhưng nếu các cháu chưa qua nhà trẻ, mẫu giáo ( nhất là lớp mẫu giáo 5 tuổi) thì sẽ theo học rất khó khăn, các cô giáo lớp 1 cũng rất vất vả để giúp các cháu theo kịp chương trình. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của Vụ GDMN, ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo khá cao (từ 96-100%), ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung lại có tỉ lệ rất thấp (40-80%). Đặc biệt, có những tỉnh có tỉ lệ rất thấp, như: Kiên Giang 25,4%; Cà Mau 42,4%; Tiền Giang 46,7%; An Giang 46,4%; Ninh Thuận 42,6%; Đăk Lăk 41,5%; Đăk Nông 47,3%; Phú Yên 52,5%; Lai Châu 57,5%; Điện Biên 57,4%; Sơn La 66,7%... Trong đó, có những tỉnh có tỉ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo rất thấp, như: Sóc Trăng 58,7%; An Giang 67,7%; Bình Dương 66,9%; Ninh Thuận 76,5%; Điện Biên 67,85%...
Đội ngũ: vấn đề cực kỳ khó khăn
Tuy nhiên, khó khăn nhất của công tác GDMN trong nhiều năm nay chính là chế độ chính sách cho đội ngũ GV. Cả nước hiện có 159.134 GV nhà trẻ và MN, trong đó chỉ có 61.319 GV trong biên chế (chiếm tỉ lệ 42%). Như vậy là cả nước vẫn còn đến 58% GVMN ngoài biên chế, đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào đóng góp học phí của phụ huynh, hoặc ngân sách ít ỏi của địa phương. Nơi nào kinh tế khá giả thì thu nhập của GV đủ sống, nơi nào khó khăn, cuộc sống người dân eo hẹp thì GVMN cũng phải đồng cam cộng khổ theo. Năm học 2005-2006, các tỉnh thành trên cả nước đã tuyển dụng vào biên chế được thêm 4.574 GVMN ở những vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thu nhập ngoài mức lương tối thiểu, trích ngân sách đóng BHXH, BHYT cho GV ngoài công lập.v.v. Đời sống của đội ngũ GVMN phần nào đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống của các cô giáo MN hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhất là những GVMN ngoài công lập, hoặc GVMN ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Điều bất hợp lý là ở các tỉnh làm tốt công tác GDMN (có 100% trẻ 5 tuổi học mẫu giáo) lại là những nơi có số GV ngoài biên chế nhiều nhất. Chẳng hạn, Bắc Ninh chỉ có 101/1.988 GV trong biên chế; tỉ lệ này ở Hưng Yên là 127/2.595 GV; Hà Nam là 142/2.623; Ninh Bình 360/3.437 GV; Nam Định là 435/6.018 GV; Thái Bình là 559/5.327 GV… Như vậy là chỉ có khoảng 5-10% GVMN ở những địa phương này được hưởng biên chế trong ngành sư phạm, còn lại hơn 90% cô giáo MN ngoài biên chế. Trong khi đó, ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ GVMN trong biên chế nhà nước đều ở mức từ 90-100%, nhưng GDMN lại phát triển rất chậm (!?).
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, ngành GDMN cũng đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng kể. Đến nay, cả nước đã có trên 700 trường MN đạt chuẩn, chiếm khoảng 9% tổng số trường toàn quốc, với kinh phí đầu tư trên 1.200 tỉ đồng, đem đến cho GDMN những diện mạo mới, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, góp phần quan trọng cho việc thực hiện Chương trình GDMN mới. So với năm học 2004-2005, tỉ lệ thu nhận trẻ nhà trẻ, mẫu giáo đến trường trên toàn quốc, năm học 2005-2006 đã tăng: Trẻ nhà trẻ 1%; trẻ mẫu giáo 3,1%; trẻ 5 tuổi 2%. Số trường và số trẻ ăn bán trú đều tăng. Tiêu biểu là các tỉnh thành: Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Trị, Nam Định, Ninh Bình... có tỉ lệ trẻ nhà trẻ, mẫu giáo bán trú đạt từ 80%-100% (tỉ lệ phổ biến của toàn quốc là nhà trẻ đạt 80%, mẫu giáo đạt 45-50% số trẻ đến trường lớp được tổ chức ăn bán trú). Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hợp lý từ 12% (năm học 2004-2005), đến nay chỉ còn 10-11% (trẻ nhà trẻ 10%; trẻ mẫu giáo 11%) ở kênh B; mỗi năm giảm từ 1-2% trẻ suy dinh dưỡng. Đến thời điểm này (tháng 8-2006), không có tỉnh thành nào trên cả nước còn xã trắng về GDMN.
Theo Giáo dục thời đại.