Trẻ sơ sinh
   Cần xử trí thế nào khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt?
 

Nấc là hiện tượng sinh lý bình thường gặp ở trẻ nhỏ, trong đó hay gặp nhất là ba tháng đầu ở trẻ sơ sinh. Mặc dù nấc không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, nhưng điều này khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo lắng.

Nấc cụt là phản xạ của trẻ nhỏ

Nấc cụt hay còn gọi là nấc, xảy ra do sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành và cơ liên sườn, tiếp đến là sự đóng đột ngột của thanh môn, do đó tạo ra âm thanh đặc trưng là tiếng nấc. Nấc cụt thường xảy ra với tần số từ 4 đến 60 lần trong một phút ở trẻ dưới 4 tháng tuổi.

Nhiều người cho rằng nấc cụt cũng làm cho trẻ khó chịu y như người lớn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị nấc cụt thường không gây ảnh hưởng nhiều. Thực tế, nhiều trẻ sơ sinh bị nấc cụt vẫn có thể ngủ mà không bị quấy rầy, nấc cụt hiếm khi gây cản trở hoặc có ảnh hưởng đến hơi thở của trẻ.

Vì nấc cụt là phản xạ của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 4 tháng tuổi khi dạ dày bị căng. Nếu làm cho trẻ hít vào lâu hơn hoặc giữ hơi thở lại, sẽ giúp trẻ hết nấc cụt (cho bú, chọc cho trẻ cười). Phản xạ này sẽ hết khi trẻ lớn hơn.

Như vậy, có thể nói nấc cụt ở trẻ sơ sinh do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân sau:

Do trào ngược dạ dày

Đây là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, bởi lúc này cơ quan tiêu hóa của trẻ còn kém và chưa hoàn thiện. Axit trong dạ dày khi bị trào ngược sẽ đi lên thực quản, dẫn đến hiện tượng nấc.

Do khi bú trẻ nuốt phải nhiều không khí

Trong khi bú, nếu không biết cách sẽ làm cho trẻ bị nuốt vào một lượng không khí đáng kể. Mức khí này nếu vượt quá mức chịu đựng của dạ dày thì cơ hoành sẽ co thắt lại và tạo ra tiếng nấc. Hoặc do trẻ bú mẹ quá nhanh, cho trẻ bú khi trẻ vừa khóc xong cũng có thể gây nấc.

Ngoài ra, thay đổi không khí, thay đổi nhiệt độ đột ngột... cũng là nguyên do khiến trẻ bị nấc cụt, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh.

Do dị ứng

Có thể do dị ứng với Protein trong sữa công thức, thậm chí là sữa mẹ, sẽ gây ảnh hưởng đến thực quản cũng có thể gây nấc cho trẻ. Ngoài ra, trẻ bú sữa mẹ có thể bị dị ứng với các thực phẩm do mẹ ăn.

Thông thường trẻ sẽ bị nấc vài phút, cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ bị nấc thường xuyên, diễn ra trong một thời gian dài và không có dấu hiệu giảm, rất có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm. Lúc này, cha mẹ không nên chần chừ, hãy đưa trẻ đến những cơ sở y tế để thăm khám.

Nấc cụt là hiện tượng sinh lý bình thường gặp ở trẻ nhỏ.


Cách xử trí khi trẻ bị nấc cụt?

Nếu trẻ đang bú bị nấc cụt có thể cho trẻ tạm ngừng bú, sau đó mẹ vỗ nhẹ lên lưng cho trẻ ợ hơi. Thực hiện nhẹ nhàng trẻ sẽ tự động hết nấc.

Thông thường trẻ sơ sinh bị nấc sẽ tự ngừng cơn nấc. Nếu như nấc cụt không làm phiền trẻ, mẹ nên để cơ thể trẻ tự điều chỉnh.

Nếu mẹ cảm nhận dường như trẻ cảm thấy không thoải mái do nấc cụt, có biểu hiện quấy khóc, cảm giác bứt rứt, có thể thử cho trẻ bú thêm.

Điều quan trọng cần lưu ý, các bác sĩ khuyên mẹ không nên áp dụng các phương pháp chữa nấc cho trẻ sơ sinh không phải là khuôn mẫu. Chẳng hạn, đừng làm trẻ giật mình hay kéo lưỡi trẻ. Những cách chữa nấc này tuyệt đối không nên áp dụng, vì chúng có thể gây hại cho trẻ.

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?

Nấc được coi là bình thường đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Thậm chí nấc cụt cũng có thể xảy ra khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bị nấc cụt liên tục, kéo dài hơn 48 giờ, đặc biệt nếu trẻ có cảm giác khó chịu hoặc kích động khi bị nấc cụt, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Đây có thể là một dấu hiệu của các bệnh lý khác. Ngoài ra, nên nói chuyện với bác sĩ nếu cơn nấc đang làm phiền giấc ngủ của trẻ hoặc các cơn nấc xảy ra thường xuyên hơn sau ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ.

Nếu trẻ đang bú bị nấc cụt có thể cho trẻ tạm ngừng bú, sau đó mẹ vỗ nhẹ lên lưng cho trẻ ợ hơi.

Lời khuyên thầy thuốc

Ngoài việc xử trí nấc cho trẻ sơ sinh, có một số cách để giúp ngăn ngừa việc trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Tuy nhiên, rất khó để ngăn ngừa nấc cụt hoàn toàn, vì nguyên nhân bị nấc không phải luôn luôn rõ ràng. Mẹ nên thử các phương pháp này để giúp ngăn ngừa nấc cụt ở trẻ:

Đảm bảo trẻ luôn bình tĩnh trước khi cho trẻ ăn. Không đợi cho đến khi trẻ đói đến mức buồn và khóc trước khi bắt đầu ăn. Khi trẻ khóc nhiều sẽ nuốt hơi nhiều gây nấc.

Hãy thử cho trẻ bú số lượng ít hơn, nhưng bú nhiều bữa hơn.

Nếu mẹ cho trẻ bú bình, nên cho trẻ ợ hơi sau bú mỗi hai hoặc ba phút trong suốt quá trình bú, nên dùng bình sữa có van chống sặc và chống đầy hơi.

Nếu mẹ cho con bú sữa mẹ, nên cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần chuyển sang vú kia và cho trẻ ngậm quầng vú, không phải ngậm đầu ti.

Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong khoảng từ 20 đến 30 phút sau mỗi cữ bú.

Sau khi cho bú, không đùa giỡn với trẻ, vì khi trẻ bú no việc chơi đùa với trẻ không những làm trẻ nấc cụt mà còn khiến trẻ bị ọc sữa.

Tóm lại: Nấc là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Đặc biệt, cha mẹ không nên cho con uống nước lạnh khi trẻ bị nấc, không nên bế rung trẻ. Việc bế rung, lắc trẻ không thể làm con quên nấc, mà ngược lại sẽ khiến trẻ hoảng sợ và tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

BS Trần Thị Kim (suckhoedoisong.vn)

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bí quyết '5 và 8' kỳ diệu giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon (10/10)
 Lý giải từng tiếng khóc của trẻ để biết con đang gặp vấn đề gì (4/10)
 Cha mẹ cần làm gì khi con không may bị ngã khỏi giường hoặc cũi (30/9)
 7 cách mẹ nên làm giúp con hạn chế bị sặc khi bú bình (21/9)
 Nuôi sống bé sinh non nhiễm khuẩn nặng (21/9)
 Cấp cứu thành công song thai dây rốn thắt nút 2 đầu hiếm gặp (16/9)
 6 đặc điểm của trẻ sơ sinh giúp cha mẹ phỏng đoán được con cao hay thấp (14/9)
 4 mẹo giúp trẻ ngủ ngon xuyên đêm (14/9)
 Danh sách đồ cần mua cho em bé sơ sinh và 4 nguyên tắc để tránh lãng phí (12/9)
 Hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ (6/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i