Sáng nay 23/12, tại Hà Nội đã diễn Hội thảo "Kết quả triển khai thang đánh giá phát triển trẻ thơ cho trẻ từ 3 - 5 tuổi". Sự kiện do Bộ GD&ĐT và Unicef đồng tổ chức.
Hội thảo do Bộ GD&ĐT và Unicef đồng tổ chức
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GD mầm non, Bộ GD&ĐT: Báo cáo “Đánh giá trẻ 3 – 5 tuổi theo thang đánh giá phát triển trẻ thơ khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (EAP – ECDS)” được thực hiện theo kế hoạch hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Từ tháng 10 đến tháng 11/2019, Vụ GDMN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện KHGD Việt Nam, một số trường Cao đẳng, Đại học và chuyên gia GDMN đã tổ chức khảo sát sự phát triển trẻ mầm non 3 – 5 tuổi tại 4 tỉnh Hòa Bình, Kon Tum, Hải Phòng và Đồng Tháp đại diện cho mẫu trẻ em theo dân tộc, vùng miền (núi biên giới phía Bắc, vùng cao Tây Nguyên, vùng Đồng Bằng và thành phố lớn) và nơi sống (nông thôn/ thành thị).
Những kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ 3 – 5 tuổi theo thang EAP – ECDS, đã cung cấp bằng chứng về sự phát triển của trẻ em ở các nhóm đối tượng khác nhau. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các Bộ, ban ngành liên quan có thể dựa trên các kết quả nghiên cứu để xem xét, điều chỉnh hoặc hoạch định chính sách cho trẻ mầm non đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ ở các nhóm đối tượng và mong đợi của xã hội trong thời kì mới.
Báo cáo cũng cho thấy sự phát triển không đồng đều giữa các nhóm trẻ ở các vùng/tỉnh, nơi sống (thành thị/ nông thôn) giới tính, dân tộc về sự phát triển chung, sự phát triển các lĩnh vực, các hành vi, thói quen cũng như nhận sự chăm sóc y tế, sức khoẻ, giáo dục từ người cha mẹ/ chăm sóc - cho thấy cần phải xem xét những chính sách, tác động chăm sóc, giáo dục của chính phủ, ngành, trường để phù hợp hơn đối với các nhóm trẻ yếu thế hơn như trẻ ở vùng núi, vùng có điều kiện khó khăn, trẻ nông thôn, trẻ em trai, trẻ DTTS.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CD có đào tạo bậc học mầm non đã thống nhất cao về những kết quả khảo sát đánh giá được thực hiện hết sức bài bản, chi tiết, phản ánh đúng thực tế hiện nay.
Từ thực tế khảo sát, đánh giá báo cáo cho rằng, cần xem xét tác động chăm sóc, giáo dục phù hợp với nhóm trẻ 5 tuổi để trẻ có đủ năng lực sẵn sàng vào lớp 1.
Xem xét lại các chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ vùng khó khăn (như ở Kon Tum, trẻ DTTS, trẻ nông thôn).
Xem xét lại một số nội dung giáo dục trong chương trình chăm sóc GD trẻ mầm non như các nội dung GD liên quan đến Toán, tiêu chí đánh giá khả năng diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ, khả năng tiền đọc; các tiêu chí đánh giá khả năng nhận biết cảm xúc (tức giận), khả năng giải quyết tình huống có vấn đề; các tiêu chí đánh giá sự tham gia và hiểu biết về văn hoá cần phải được xem xét kĩ hơn trong chương trình GD mầm non.
Xem xét các chương trình và việc thực hiện chương trình chăm sóc y tế đối với trẻ: tiêm chủng; khám sàng lọc và phát hiện sớm đối với khả năng nghe, nhìn, nói.
Xem xét các chương trình, nội dung giáo dục kĩ năng làm cha mẹ cho các bậc cha mẹ/ người chăm sóc, đăc biệt cha mẹ vùng khó khăn, cha mẹ người DTTS.
Tiếp tục sử dụng bộ thang EAP – ECDS để đánh giá trẻ đinh kì hoặc theo giai đoạn 3 năm/ lần trên phạm vi rộng cả nước để thu thập minh chứng về sự phát triển của trẻ và tác động của các chính sách chăm sóc giáo dục, phát triển toàn diện trẻ thơ qua các giai đoạn.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn