Xã hội
   Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng - Bài 1: Mỗi ngày đến trường là một ngày lo
 

LTS: Hơn một năm trước, ngành giáo dục từng “dậy sóng” với đề xuất bỏ biên chế giáo viên. Nhưng sức hấp dẫn, ý nghĩa của hai chữ “biên chế” lớn đến mức nào có lẽ những ai đã và đang làm giáo viên hợp đồng mới thấm thía hết. Bao nhiêu cố gắng bám trụ, nỗ lực với nghề, vượt qua những tháng ngày phập phồng lo sợ chỉ một sơ sẩy cũng “mất việc như chơi”. Áp lực nghề nghiệp với người thầy trong xã hội hiện đại được nhìn nhận là rất nặng nề thì với những người thầy gắn mác “hợp đồng”, khó khăn nhiều hơn

Niềm vui được đứng trên bục giảng đối với những giáo viên hợp đồng có lẽ chẳng át nổi nỗi lo không biết mất việc lúc nào, lo lắng về cuộc sống cơm áo gạo tiền khi đồng lương bèo bọt chẳng đủ nuôi thân... Lo nhất là hè về, không biết vào năm học có được ký tiếp hợp đồng hay không!

Nhiều giáo viên hợp đồng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố… vẫn nơm nớp lo mất việc! Ảnh minh họa.

Phập phồng nghề giáo

Trong số rất nhiều ngành nghề hiện nay, những thí sinh quyết định chọn học sư phạm ngoài lý do được miễn học phí trong quá trình học còn là sức hấp dẫn của bảng đen, phấn trắng, được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Nhưng không giống với những công việc khác, nghề giáo có những đặc thù riêng. Không phải địa phương nào cũng có trường tư thục để nộp hồ sơ vào. Còn các trường công lập, cần chờ đến kỳ thi tuyển biên chế mới có thể nộp hồ sơ thi. Nhưng với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, có những địa phương 5 năm cũng không tổ chức thi tuyển. Hoặc có tổ chức thi, thí sinh đông gấp trăm lần chỉ tiêu tuyển dụng thì bài toán mòn mỏi chờ việc là thực tế thường thấy.

Vậy là chỉ còn cách rẽ ngang làm nghề khác, chờ cơ hội sử dụng tấm bằng sư phạm đã học hoặc chạy vạy để xin được một suất giáo viên hợp đồng. Tốn kém là thế, nhưng sau khi vào được trường, giáo viên nào cũng rưng rưng khi cầm đồng lương... chỉ đủ đổ xăng. 

Cụ thể, lương giáo viên hợp đồng thường được hưởng theo số tiết thực dạy, ngoài ra không được thêm một chế độ gì, kể cả đóng bảo hiểm. Có nơi ký hợp đồng ba tháng một lần cho đến hết năm.  Có nơi, ký hợp đồng năm một. Chẳng thế mùa hè đến, không đi dạy, giáo viên lại xoay xở đủ nghề để làm thêm... chờ năm học mới tới với niềm phấp phỏng không biết có được ký tiếp hay không...

Cũng có nơi trả lương theo mức lương cơ bản với hệ số khởi đầu là 2,34 nhưng chỉ được hưởng 75%. Nhìn chung, mức lương với giáo viên hợp đồng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Một số ít giáo viên xin được suất đóng bảo hiểm ở trường để nếu may mắn được vào biên chế sau này thì sẽ có hệ số nâng lương cao hơn cũng đồng nghĩa với việc phần lương thực nhận mỗi tháng lại hụt đi!

Cô giáo Dương Thị Phương Thảo (Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cô đi dạy từ năm 2004 nhưng đến cuối 2009 mới được vào biên chế. Đồng lương thấp đến không thể thấp hơn khiến cô rất chật vật trong đời sống hàng ngày. Thậm chí, đến giờ, sau 14 năm công tác, lương tháng của cô là 4.754.000 đồng - một mức lương thật khó để sống được ở Hà Nội. 

Thực tế, trong câu chuyện 434 giáo viên ở Thanh Oai, Hà Nội có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng vừa qua được báo chí nhắc tới, có những người đã được ký 22 năm và người ít nhất là hơn 4 năm. Họ được UBND huyện ký hợp đồng theo hình thức hợp đồng dài hạn, hưởng hệ số lương là 1,0. Với mức lương ấy, có lẽ nhiều người nghe xong cũng ngậm ngùi bỏ thì thương, vương thì tội!

Áp lực chồng chất

So với giáo viên đã vào biên chế, những áp lực mà giáo viên hợp đồng phải chịu không kém dù chỉ một chút nếu không muốn nói là nhiều hơn vài lần!

Trước hết, áp lực đến từ hàng chục kỳ thi lớn nhỏ mỗi năm, từ lĩnh vực chuyên môn đến cuộc thi không chuyên như: thi tìm hiểu pháp luật, giao thông, công đoàn... Vừa trực tiếp tham gia, giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh làm bài thi. Với hy vọng có những điểm cộng để được tiếp tục ký hợp đồng, để được ưu tiên trong tuyển dụng sau này, giáo viên hợp đồng không chỉ làm cho đủ chỉ tiêu mà phải nỗ lực gấp đôi người khác để khẳng định năng lực của bản thân!

Áp lực thứ hai đến từ việc thi cử của học sinh. Trách nhiệm nặng nề là làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi ấy với tỷ lệ học sinh khá giỏi bao nhiêu phần trăm. Nhất là với những kỳ tuyển sinh cuối cấp, giáo viên phải nghiên cứu để tư vấn sao cho học sinh lớp mình đều đỗ nguyện vọng một. Bản thân các cô nếu không đạt chỉ tiêu được giao, sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp. Thế là căng mình mỗi giờ trên lớp, phụ đạo sau mỗi buổi với những học sinh yếu... 

Áp lực thứ ba, như đã nói ở trên là vấn đề lương giáo viên vẫn mãi là câu chuyện dài của cả ngành giáo dục. Nhiều người nói rằng giáo viên có thể kiếm thêm bằng cách đi dạy nhưng trên thực tế, việc dạy thêm này không được dư luận xã hội và các nhà trường khuyến khích nên giáo viên nói chung và giáo viên hợp đồng nói riêng rất... rón rén sợ vi phạm sẽ bị chấm dứt hợp đồng. 

Như trải lòng của một giáo viên hợp đồng đã có hơn 10 năm vào nghề, có lẽ lo nhất là khi trường đã đủ giáo viên bộ môn đó nhưng vì lý do này kia, lãnh đạo nhà trường vẫn nhận thêm người. Nếu có một cuộc tinh giản biên chế, ai ở lại, ai ra đi sẽ là bài toán đau đầu. Nhất là với những giáo viên đã có tuổi, gia đình đã ổn định thì biết làm gì nếu bị chấm dứt hợp đồng? Không hẳn không làm được việc chân tay hay buôn bán kiếm thêm thu nhập, nhưng đã mơ ước về nghề, vất vả học hành và ngần ấy năm đứng lớp phấn đấu, nay chỉ một chữ bỏ nghề đâu dễ!

Nguồn http://daidoanket.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Lạc" vào ngôi trường mầm non bậc nhất ở Nghi Xuân (17/11)
 Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Cần bồi dưỡng giáo viên có trọng điểm (15/11)
 Sáp nhập trường học cần phù hợp với đặc thù từng địa phương (14/11)
 Chính sách học phí cho SV sư phạm nhìn từ kinh nghiệm quốc tế (12/11)
 Ngày 20/11 bây giờ, mọi người cũng nên nghĩ khác đi (12/11)
 500 thầy cô bị "đẩy ra đường" tay trắng, chủ tịch huyện chỉ bị khiển trách (9/11)
 Quảng Bình: Hiểu nhầm trường “lạm thu” - phụ huynh học sinh mầm non cho con nghỉ học (8/11)
 Tình trạng thừa, thiếu giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào? (8/11)
 Cân nhắc miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS (8/11)
 Ưu tiên đào tạo sư phạm: Quan trọng là giữ chân người tài (7/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i