Xã hội
   Cần “diệt tận gốc” lối giáo dục “ăn miếng trả miếng”
 

Những sự cố đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục thời gian qua nếu chỉ giải quyết phần ngọn, theo kiểu “ăn xổi ở thì” rồi “đâu lại vào đấy”. Do đó cần có biện pháp giải quyết dứt điểm từng phần.

Cần phải áp dụng nhiều biện pháp đổi mới để “diệt tận gốc” những hành vi làm xấu đi môi trường giáo dục (ảnh minh họa, nguồn: npesf.org)

Lấp đầy “khoảng trống” trong đào tạo giáo viên

Đào tạo giáo dục đại học sư phạm rơi vào bế tắc, tuyển sinh ồ ạt để đủ chỉ tiêu. Dư luận đặt câu hỏi với đầu vào lẹt đẹt như vậy làm sao hy vọng đầu ra khấm khá. Người thầy có đủ “chất” để “trồng” người và liệu đến bao giờ mới hết cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” – là vấn đề được nhiều người trăn trở.

Để khắc phục việc này, về phía đào tạo sư phạm, bên cạnh dạy nghề, phải dạy người. “Thay áo” cho giáo dục, phải bắt đầu bằng đổi mới tuyển sinh, không vơ vét đại trà đủ chỉ tiêu.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ người thầy phải được đưa ra cân nhắc và xem xét lại. Với đồng lương không đủ sống, không có cảm giác được xem trọng đúng mực thì người thầy khó “toàn tâm toàn ý” là điều có thể thông cảm.

Thầy cô cần chú trọng “dạy người” mà không chỉ “dạy chữ”. Liên quan đến vấn đề trên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên (GV) dạy những môn học này. Ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.

Vì thế, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy “người” thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.

Và có một thực trạng “dở khóc dở cười” rằng phụ huynh “la làng” khi thầy cô sử dụng bạo lực nhưng chính phụ huynh giáo dục con em bằng đòn roi. Trong xã hội hiện đại cách dạy con bằng đòn roi không còn phù hợp. Kỷ luật bằng đòn roi như con dao hai lưỡi. Lối tư duy giáo dục “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và hệ quả xấu đang diễn ra. Khi không còn biện pháp nào để giáo dục con, đánh con là thể hiện sự bất lực của bố mẹ.

Cần phải nhìn vào thực tế, những đứa trẻ được giáo dục bằng bạo lực sẽ lớn lên, sử dụng bạo lực để “nói chuyện” và giải quyết những vấn đề bất lực. Trưởng thành, chúng cũng sẽ dạy con trẻ theo như cách mà chúng đã trải qua.

Và hơn hết, nhìn rộng ra cần xem trọng hơn nữa vị thế của giáo dục, đặt giáo dục đúng chỗ của nó bởi trăm sự đều do giáo dục mà ra. Từ đó tháo nút thắt trong mặt trái của giáo dục.

Tăng cường mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội

PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng: Có thể thấy rõ mối quan hệ giữa GV và phụ huynh chưa được gắn kết như trước đây. Thực tế, mỗi năm, nhà trường chỉ tổ chức gặp mặt phụ huynh 1 - 2 lần ở đầu năm và giữa học kỳ. Câu chuyện đề cập chủ yếu về đóng góp, tài chính, nội quy chứ chưa thể hiện được về mối quan hệ tình cảm. Thậm chí, chủ đề được đề cập nhiều nhất thường là (học sinh) HS có khuyết điểm gì. Điều này gây bức xúc và sự xa cách cho phụ huynh bởi họ thường hay sĩ diện trước mặt người khác. Vì thế, chính các trường cần chủ động tạo điều kiện cho nhà trường và phụ huynh có những buổi trao đổi với nhau để hiểu rõ nhau hơn. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò kết nối của ban đại diện cha mẹ HS và các tổ chức đoàn thể xã hội trong và ngoài nhà trường.

Mặt khác, việc nhà trường xử lý vi phạm của HS cũng cần đúng mực rõ ràng, chứ không phải là hành vi bộc phát như GV phạt HS quỳ, đánh HS... Trước khi kỷ luật HS, GV cần phải cân nhắc vì lứa tuổi HS đang phát triển tâm, sinh lý nên sẽ không có nhìn nhận như người lớn.

Khi xảy ra hiện tượng GV kỷ luật HS sai, nhà trường và các tổ chức cần can thiệp để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa HS - GV - phụ huynh. Đồng thời, cần phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường, khi GV phạt HS cần phải thông báo cho phụ huynh để họ hiểu nguyên nhân lý do con họ bị phạt. Mối quan hệ giữa nhà trường, GV, phụ huynh phải được thực hiện dựa trên tinh thần thương yêu HS. Khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng, các tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải tham gia hòa giải để tránh những sự việc không đáng có xảy ra. Qua các sự việc này, có thể thấy, Nhà trường, Ban đại diện cha mẹ HS và các tổ chức đoàn thể xã hội cần phải trách nhiệm hơn nữa, gần gũi để giải quyết nhu cầu cũng như bức xúc của các bên.

Bày tỏ mong muốn cần phải thay đổi để thông tin hay truyền thông vai trò của nhà trường, thầy cô cũng như xây dựng mối tình cảm, tình yêu của các thầy cô đối với HS, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1, Tân Triều - cho rằng: “Những sự cố liên tục xảy ra nhưng không thể đổ lỗi nguyên nhân từ bên nào bởi đó là hệ quả của tổng hòa nhiều thành phần. Thực ra trong các chương trình giáo dục sư phạm vẫn dạy đạo đức GV, cách hành xử chuẩn mực, các tình huống sư phạm, nhưng quả thực, nội dung này chưa được xem trọng đúng mực trong chương trình giáo dục hiện thời. Tuy nhiên hành xử thế nào cũng đòi hỏi ở tư chất mỗi con người chứ không chỉ là sinh viên sư phạm. Chúng ta cần duy trì và bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo trước biến động của kinh tế thị trường. Khi truyền thống tôn sư trọng đạo được duy trì thì bản thân những người đứng ở cương vị là GV sẽ tự phải soi xét để sống sao cho đúng đạo. Khi mà tất cả xã hội đều kính thầy thì bản thân GV sẽ không thể làm xấu được. Còn nếu bị phụ huynh, HS coi thường và hành hung thì ắt sẽ tạo cho GV tâm lý không được bảo vệ, không được tôn trọng”.

Bà Liên Na cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong công tác quản lý: “Thầy cô hiệu trưởng cần là tấm gương sáng cho GV, cần có định hướng cụ thể, đứng ra bảo vệ GV và kịp thời xử lý thỏa đáng. Nếu như mỗi nhà trường đưa những quy tắc ứng xử làm quy chế, quy định thì đương nhiên GV sẽ không bao giờ vi phạm. HS cũng nhìn đó để làm gương”.

 

Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học mới 2018 - 2019

Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông dự kiến được ban hành trước năm học mới 2018 - 2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Nhạ cũng yêu cầu, cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của HS, GV, phụ huynh... Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “phong trào”.

“Đừng quy định chung chung kiểu như HS phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như HS gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay GV gặp HS phải niềm nở, vui vẻ... có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát và đánh giá mới được” - Bộ trưởng yêu cầu.

 

Nguồn https://laodong.vn

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TPHCM thí điểm lắp camera tại trường mầm non (14/4)
 Hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm: Phải đi kèm chính sách tuyển dụng (9/4)
 Không có tâm thì có mười năng lực siêu hạng cũng bỏ (9/4)
 Quản lý giáo dục các cấp tại địa phương phải công khai đường dây nóng (7/4)
 Hội thi Mỹ thuật “ước mơ của bé” lần thứ 5 (6/4)
 Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát ngăn chặn bạo hành trẻ trong trường mầm non (3/4)
 Nghệ An: 3 vấn đề nóng của giáo dục cần tháo gỡ (3/4)
 Một ngày trong “quân ngũ” của những chiến sỹ tý hon (31/3)
 Chật vật vì thiếu cán bộ quản lý trường học (30/3)
 70 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc (30/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i