Tâm lý
   Dạy trẻ biết chia sẻ, không khó!
 

Chia sẻ là một trong những kỹ năng sống cần thiết cha mẹ cần trang bị cho trẻ từ sớm. Trẻ biết chia sẻ sẽ học được về quy tắc thỏa hiệp, chia lượt, đàm phán, cách thể hiện cảm xúc và dễ cảm nhận được niềm vui.


Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được học cách chia sẻ để kết bạn và duy trì mối quan hệ với mọi người. Khi chia sẻ điều gì đó với ai nghĩa là trẻ đã biết cách nghĩ về nhu cầu của người khác. Về lâu dài, việc này sẽ giúp trẻ đồng cảm, thấu hiểu, nhân ái, rộng lượng trong ứng xử, được yêu mến cũng như cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ cái gì với ai đó.


Các chuyên gia về gia đình khuyến cáo: Cha mẹ nên dành nhiều thời gian và tạo cơ hội để trẻ học, làm quen với việc chia sẻ. Cha mẹ nên khen ngợi để khuyến khích khi thấy trẻ chia sẻ những điều tốt hoặc tự mình làm gương vì trẻ học rất nhanh bằng cách bắt chước cha mẹ.


Xây dựng khái niệm "chia sẻ" khi con còn bé

Trẻ được dạy dỗ từ sớm sẽ dễ tiếp nhận và hình thành được thói quen chia sẻ. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những lời động viên, khích lệ hoặc gợi ý điều trẻ đã/nên làm như: "Con rất ngoan khi rủ bạn chơi búp bê cùng" khi con đã chơi búp bê được một thời gian và thấy một người bạn nhỏ khác cũng đang muốn được chơi món đồ chơi ấy. Nếu con vẫn muốn chơi búp bê vào thời điểm đó thì không sao cả, đừng bắt ép con phải cho các bạn khác chơi cùng mà việc cha mẹ cần làm là để cho con thấy: Con sẽ được khen thưởng nếu chia sẻ.


Đồng thời, phụ huynh hãy giúp con xây dựng khái niệm "chia sẻ" bằng cách dùng từ này để mô tả các hành động đó và tạo cơ hội để trẻ có thể thực hành. Ví dụ, mẹ có thể hỏi con: "Con có muốn mẹ chia cho con bánh quy của mẹ không? Mẹ rất thích chia sẻ những chiếc bánh này với con" hoặc "Sao con không chia sẻ đồ chơi của mình với em?"...


Trong những trò chơi mang tính hợp tác, đồng đội cùng trẻ như chơi xếp hình, xây tháp, đá bóng, cầu lông, chơi cờ... cha mẹ có thể sử dụng những từ có ý "chia sẻ" như "mẹ một lượt, con một lượt", "đến lượt mẹ, đến lượt con"... để hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện hành động chia sẻ. Đôi khi, trẻ không muốn chia sẻ vì không hiểu được phạm vi, ý nghĩa của từ đó và sợ rằng sẽ mất đồ chơi hoặc vật yêu thích của mình.


Cha mẹ đừng quên khen ngợi sự nỗ lực của con khi con tỏ ra đang cố gắng chia sẻ những gì mình có. Đơn giản chỉ cần nói rằng: "Mẹ thích cách con nhường Vũ để bạn ấy chơi cùng" sẽ khiến trẻ trở nên háo hức hơn.


Dần dần con sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi lặp lại những hành động đó. Không bao lâu nữa, con sẽ bắt đầu chia sẻ một cách tự nhiên mà không cần cha mẹ gợi ý.


Phạt vì con không chịu chia sẻ là cách dạy con sai lầm


Không phạt vì trẻ không chịu chia sẻ

Có thể cha mẹ sẽ bị lúng túng khi con giật lấy đồ chơi của bạn hoặc ném đồ chơi lung tung vì cáu giận, không muốn cho bạn chơi cùng hay không hiểu được tại sao phải chờ đến lượt mới được chơi. Khi gặp phải tình huống này, nhiều cha mẹ thường mắng con, điều đó có thể khiến con tổn thương vì chưa nhận thức được vì sao mình cần chia sẻ với bạn. Có những ông bố, bà mẹ nóng tính đã mắng con là "ích kỷ", "tham lam" hoặc ép buộc con phải nộp lại đồ chơi. Vô tình, những hành động này sẽ tạo nên một thông điệp tiêu cực về "chia sẻ" và có thể khiến trẻ không muốn làm theo vì thấy không công bằng.


Trẻ vẫn còn quá nhỏ để suy nghĩ cẩn thận mà không tỏ ra ương ngạnh do không muốn chia sẻ đồ vật nào đó với người khác. Nếu trẻ không chịu tiếp nhận lời giải thích đơn giản rằng chia sẻ đồ chơi cho bạn là hành động bình thường để cùng chơi, cùng vui với bạn thì cha mẹ cần đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ để giúp trẻ bình tĩnh hơn, thoát khỏi "vùng xung đột".


Tới khi con đã bình tĩnh trở lại, phụ huynh hãy lựa lời bộc lộ cảm xúc với trẻ, cho chúng biết bạn đã thất vọng, buồn bã thế nào khi chúng không cho bạn chơi đồ chơi cùng, nhấn mạnh rằng chắc người bạn đó cũng thấy buồn bã như vậy. Tuy nhiên, bạn đừng biến cuộc trò chuyện này thành một sự xung đột giữa cha mẹ - con cái vì thấy con bướng bỉnh, không chịu nghe lời nên yêu cầu hoặc ra lệnh cho con phải làm thế này, thế kia. Khi lớn lên, trẻ sẽ học được rằng chơi một mình thì rất nhàm chán, buồn bã nên cần giao thiệp, cùng chơi với bạn bè. Muốn thế quá trình chia sẻ, cho - nhận cần diễn ra ở 2 chiều.


Cho phép trẻ có đồ chơi riêng, đừng ép chúng phải chia sẻ tất cả

Bạn có muốn chia sẻ chiếc laptop hay cái áo khoác yêu thích của mình chỉ vì ai đó nói rằng bạn cần làm vậy? Chắc chắn là không. Các con cũng vậy, mỗi đứa đều có món đồ chơi yêu thích và không muốn chia sẻ. Vì vậy, cha mẹ cũng không thể bắt con hoàn toàn theo ý mình. Cha mẹ không thể dùng uy quyền để bắt trẻ phải mang những món đồ chúng coi như tài sản quý giá ra để chia sẻ cho bạn bè, anh chị em ruột, thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ. Hãy trao cho con quyền kiểm soát bằng cách để con chọn ra một vài món đồ yêu thích nhất và cất đi. Đồng thời thỏa thuận về những món đồ con có thể thoải mái để bạn chơi cùng như bàn cá ngựa, quả bóng, bảng vẽ... Nếu bạn định tổ chức một ngày vui chơi cho con tại nhà thì cũng nên gợi ý các bạn của cong mang đồ chơi đến góp cùng. Như thế con bạn không phải người duy nhất chia sẻ món đồ chơi của mình, chúng sẽ thấy công bằng hơn.


"Chia sẻ" cảm xúc

Cha mẹ đừng giới hạn việc "chia sẻ" ở mỗi đồ ăn, đồ chơi... ở những thứ đồ vật có thể cầm nắm được. Cảm xúc cũng là điều trẻ cần học cách "chia sẻ", nghĩa là cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình với mọi người. Ví dụ khi trẻ không thích điều gì, cha mẹ cần khuyến khích trẻ nói ra thay vì bộc lộ qua những hành động giận dỗi, cáu gắt.


Trẻ mẫu giáo khó tránh khỏi việc cãi cọ, giành đồ chơi với nhau. Để tránh cuộc tranh cãi có thể biến thành một vụ ẩu đả, làm mất "hòa khí" của bọn nhỏ, cha mẹ có thể thử nói với con về cảm giác của bạn kia khi không được chia sẻ món đồ chơi đó. Ví dụ: "Hoàng rất thích chiếc xe tải đồ chơi và bạn ấy mới vừa chơi thôi. Con có thể nhường bạn một lát và tìm một món đồ chơi khác thay thế không? Chiếc xe tải màu đỏ này thì sao nhỉ?" Hoặc bạn đứng ra làm trọng tài, quy định thời gian chơi để bọn nhỏ đổi lượt cho nhau, chơi trong "hòa bình".


Để trẻ vượt qua nỗi buồn khi không muốn rời xa đồ chơi yêu thích của mình dù chỉ trong giây lát, cha mẹ hãy trấn an và thể hiện cho trẻ biết bạn hiểu cảm giác của chúng. Ví dụ: "Nghe con nói thì có vẻ con đang buồn" hoặc "Nhìn con có một chút thất vọng". Đồng thời, cha mẹ hãy nhắn nhủ trẻ rằng chia sẻ không giống như cho đi và nếu chúng chia sẻ với bạn bè, chúng cũng có thể được bạn bè chia sẻ lại.


Khi con lớn lên một chút, hãy dạy con cách suy xét mọi việc từ góc độ của người khác, đó cũng là cách giúp con kiềm chế, kiểm soát và thể hiện tình cảm đúng mực hơn. Cha mẹ có thể nói: "Con nghĩ em sẽ thấy thế nào nếu không được con cho chơi cùng?" hoặc "Nếu bạn không cho con mượn ôtô điều khiển từ xa để chơi một lúc thì con nghĩ sao?".


Làm gương cho trẻ

Cách tốt nhất để con học được sự bao dung, nhân ái là bắt chước những hành động chia sẻ của cha mẹ mỗi ngày. Chỉ những động tác nhỏ thường ngày như chia cho con que kem, cái bánh, chia cho con đôi găng tay khi trời lạnh (dù trước đó bạn ép thế nào con cũng không chịu mang theo đồ của mình)... sẽ giúp trẻ nhận ra được giá trị và ý nghĩa của việc chia sẻ.


Không can thiệp vào việc chia sẻ của trẻ

Như đã nói ở trên, có rất nhiều cách giúp cha mẹ tập cho con thói quen chia sẻ ngay từ khi còn bé: chia lượt chơi, dạy con nhìn sự việc từ góc độ của người khác để có sự thấu hiểu, đồng cảm... Tuy nhiên, thực hiện những điều này cũng cần có thời gian. Tùy vào độ tuổi trẻ sẽ tiếp nhận và có thể hiểu khái niệm "góc nhìn của người khác", "chia sẻ" và "kiên nhẫn".


Cha mẹ chỉ nên đưa sự giúp đỡ, định hướng cho con khi cần thiết, còn bình thường, hãy dành cho trẻ không gian tự do để trẻ tự chia sẻ khi muốn và thấy đã sẵn sàng. Ví dụ, giữa con và người bạn có sự bất hòa về việc tranh dành đồ chơi, cha mẹ cũng không nên can thiệp sâu. Tốt nhất, cha mẹ chỉ gợi ý các cách giải quyết hợp lý nhất để trẻ có thể chọn lựa. Đồng thời, cha mẹ có thể nói chuyện, tâm sự với con về cảm giác của người bạn kia trong tình huống này để trẻ nhận thức rõ hơn rồi quyết định cách giải quyết. Cha mẹ đừng lo, trẻ có thể giải quyết khúc mắc giữa chúng và bạn bè một cách ổn thỏa.


Theo songmoi.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 3 việc bố mẹ không nên làm hộ con (24/3)
 7 chiêu tạo hứng khởi giúp trẻ thích đến trường (23/3)
 Hãy chuyện trò với trẻ nhiều hơn, nếu bạn thực sự muốn bảo vệ con! (22/3)
 10 kỹ năng sống cho trẻ tiểu học mẹ cần dạy gấp để bé thành đạt trong tương lai (21/3)
 Muốn con lớn lên giàu có, trước khi bé 10 tuổi PHẢI biết làm những việc này (20/3)
 Hãy dừng ngay việc nhục mạ con trẻ (17/3)
 Trẻ thích 'cầm nhầm': Không uốn nắn kịp thời sẽ thành 'bệnh' ăn cắp (16/3)
 Kỹ năng xã hội giúp trẻ hoàn thiện hơn (15/3)
 Sai lầm tệ hại khi phạt con mà cha mẹ khôn ngoan không bao giờ áp dụng (14/3)
 5 bí quyết dạy con khôn ngoan nhất, từng tạo nên những Tổng thống và nhà phát minh (13/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i