Rất nhiều bố mẹ chỉ suốt ngày than vãn con hư, con không chịu nghe lời mà không nhận ra mình đã đối xử với con sai lầm.
Trẻ em không bao giờ thích bị sai bảo làm điều này hay điều kia. Cách nói ra lệnh trên thực tế sẽ khiến chúng cảm thấy bị hạ thấp lòng tự trọng. Vì vậy, tác giả của cuốn "Những lỗi giao tiếp với con trẻ cha mẹ thường mắc phải và cách khắc phục" Jenifer Lehr đã đưa ra một lời khuyên cô đọng: hãy thử TÔN TRỌNG con trẻ hơn một chút.
Dưới đây là một số lỗi phổ biến của cha mẹ khi đối xử với con và cách khắc phục theo lời khuyên của Jenifer Lehr:
Ra lệnh thay vì hỏi ý kiến
Giả sử bây giờ bạn đang đứng trước cửa phòng con và nói: "Con đi dọn phòng ngay cho bố!". Bạn nghĩ sao? Đây hoàn toàn không phải một cách hay. Chúng sẽ khiến con trẻ trở nên thụ động, thực hiện công việc một cách bị ép buộc với tâm lý uể oải.
Vậy cách khắc phục là gì? Hãy gợi ý hoặc hỏi ý kiến con: "Bố nghĩ là chúng ta có thể làm gì đó để phòng trông gọn gàng hơn đấy". Như vậy, con bạn sẽ hiểu rằng, chúng được tham gia một phần vào việc quyết định, chúng được tôn trọng. Bạn thấy đấy, mặc dù dọn phòng là việc đằng nào cũng sẽ phải làm, nhưng bây giờ chúng có động lực và cảm hứng để làm theo hơn.
Khen ngợi thái quá
Có một vấn đề mà gần như phần lớn cha mẹ đang hiểu sai đó là: cách khen ngợi. Cha mẹ có ý tốt, cha mẹ khen ngợi con, nhưng đôi khi lại quá lời: "Giỏi lắm", "Con siêu quá", "Siêu chưa kìa"... Và chính điều này dần dần lại thành ra phản tác dụng. Thay vì tạo niềm vui, nó lại tạo cho con bạn thứ áp lực vô hình: "Mình làm thế này có đúng yêu cầu không, bố mẹ có khen mình không?". Dần dần, trẻ chỉ chăm chăm làm những thứ đáp ứng tiêu chuẩn của bố mẹ, và sau này là làm hài lòng hoặc phục tùng người khác. Thật sự điều này không mang lại cho trẻ một lối sống lành mạnh trong tương lai.
Vậy cách khắc phục là gì? Nếu khen trẻ, hãy cho chúng biết chúng đã làm tốt ở đâu. Ví dụ: "Bức tranh này con dùng nhiều màu sắc nhỉ, bố thấy chúng rất hài hòa". Hãy khuyến khích trẻ bằng lời khen có chất lượng.
Thiếu tôn trọng cơ thể và sự riêng tư của trẻ
Chắc chắn sẽ có những lúc con bạn không muốn ôm hôn anh chị em hoặc thậm chí là ông bà của chúng. Điều này là rất bình thường. Tác giả Lehr nhấn mạnh với chúng ta rằng: "Việc ép trẻ thể hiện cảm xúc với người khác để lại rất nhiều hậu quả. Nó khiến trẻ hiểu rằng: cảm xúc của người khác quan trọng hơn cảm xúc của chính mình. Cứ như thế đứa trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, không có chính kiến và sống phụ thuộc vào cảm xúc của người khác".
Vậy cách giải quyết là gì? Hãy giúp trẻ vẫn biết cách thể hiện thái độ thân thiện với người khác trong khi không cần phải động chạm cơ thể. Thay vì ôm hôn, bé có thể bắt tay hoặc đập tay với người đó. Và những lần sau đó, trẻ sẽ tự biết cách làm chủ thái độ và cảm xúc của mình.
Đối xử với trẻ như một sinh vật chưa biết gì
Tác giả Lehr khuyên rằng: hãy trò chuyện và đối xử với những đứa bé như một người bình thường ngay khi mới lọt lòng. Dù chưa biết nói nhưng những đứa trẻ mới sinh ra cũng đã sở hữu suy nghĩ, cảm xúc, và cả sở thích riêng (dù đó là cảm xúc vui vẻ, khó chịu hay thích ti mẹ). Thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều cha mẹ chỉ coi những đứa trẻ là "chưa biết gì" và đối xử với chúng với thái độ tương ứng.
Vậy cách thay đổi là gì? Sự thật là ngay khi chỉ vài tuần tuổi, em bé đã bắt đầu biết nhận thức và học từ thế giới xung quanh. Chẳng hạn khi bạn chuẩn bị bế con, hãy nói: "Nào, mẹ chuẩn bị bế em lên đấy nhé" và dừng lại một vài giây. Chúng sẽ ghi nhớ thông tin này và những lần sau đó, khi bạn nói câu này, chúng sẽ vươn tay về phía bạn.
Thiếu tôn trọng cảm xúc của trẻ
Khi con bạn vấp ngã trong công viên, khoan hãy nói những điều này: "Lại vấp rồi, con tự đứng lên phủi quần áo đi". Hãy giúp chúng hiểu rằng chúng không mắc lỗi, hãy trấn an chúng, hỏi chúng cảm thấy thế nào, có đau ở đâu không.
Nếu đứa trẻ đang cảm thấy khó chịu hoặc bất an mà người lớn cứ cố gắng dập tắt những cảm xúc đó, dần dần điều này sẽ gây ra khoảng cách giữa con trẻ và cha mẹ.
Bỏ mặc trẻ
Một số cha mẹ phạt trẻ bằng cách im lặng, lờ trẻ đi hay bỏ mặc trẻ. Và họ tự coi đó là một "hình phạt nhẹ nhàng không nước mắt". Đó hoàn toàn là sai lầm! Sau mỗi lần bị bỏ rơi vì phạm lỗi, lòng tự trọng của con bạn bị đánh tụt một cách thê thảm. Khi bị bỏ mặc, trẻ sẽ hiểu rằng, tới khi nào chúng trở nên hoàn hảo, bạn mới ở bên và ngó ngàng tới chúng. Trẻ vì thế mà kém tự tin và có lòng tự trọng thấp.
Vậy cách giải quyết thế nào? Hãy giúp con suy nghĩ và nhận thức đúng đắn về hành động của chúng: "Tại sao lúc đấy con lại làm như vậy? Có gì khiến con khó chịu à? Nếu vậy thì nó là gì? Nó khiến con cảm thấy thế nào?".
Nhìn ở góc độ khách quan mà nói, việc phạt trẻ bằng cách im lặng hay bỏ rơi chúng chỉ thể hiện rằng bạn đang đùn đẩy trách nhiệm của mình, trách nhiệm giúp con cảm nhận và đánh giá lại cảm xúc.
Theo Trí Thức Trẻ