Muốn nuôi dưỡng sự tự lập ở trẻ, ngoài việc tập cho con tự đưa ra quyết định, rèn luyện tinh thần trách nhiệm... các bậc phụ huynh còn phải tránh làm những việc sau đây.
Không chỉ riêng Trung Quốc mà ở phần lớn các nước phương Đông, bố mẹ luôn dành toàn bộ sự quan tâm, chăm sóc cho con cái, lúc nào cũng sợ con bị thương, bị ốm... Cũng vì thế nên họ càng phải "giữ" con chặt hơn, không bao giờ yên tâm để chúng chạy ra khỏi vòng tay của mình. Cứ thế, dần dần hình thành trong những đứa trẻ tính ỷ lại.
Những đứa trẻ khi bước chân vào đời sẽ thường xuyên phải đối mặt với sự lựa chọn. Chúng sẽ phải tự đưa ra quyết định về ngành nghề của mình, về việc chọn người thầy, chọn ông chủ, chọn tự khởi nghiệp hay đi làm thuê... Chính vì vậy, trẻ em cần phải được rèn luyện tính độc lập, tinh thần trách nhiệm, khả năng phán đoán và tự đưa ra quyết định.
Nếu như một đứa trẻ cho đến lúc trưởng thành vẫn chỉ biết học thuộc lý thuyết, nghe theo người khác rồi đợi ai đó giúp mình đưa ra lựa chọn thì khi bước vào đời, kể cả không bị người khác bắt nạt nó cũng không được coi trọng.
"Việc của mình, mình tự quyết định, mình tự chịu trách nhiệm".
Trong một lần phỏng vấn hai người đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page, khi được hỏi về ngôi trường đã giúp họ có được thành công như ngày hôm nay, họ đã không nhắc đến trường Đại học danh tiếng Stanford mà lại kể về trường Tiểu học Montessori. Nơi ấy đã dạy cho họ một điều: "Việc của mình, mình tự quyết định, mình tự chịu trách nhiệm".
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng khả năng tự lập của trẻ? Ngoài việc tập cho con tự đưa ra quyết định, rèn luyện tinh thần trách nhiệm, kích thích sự hiếu kỳ, tin tưởng ở con, các bậc phụ huynh còn phải tránh làm những việc sau đây:
1. Hạn chế sự to do của con bằng quá nhiều quy tắc, để con làm những việc con thích
Nếu trong trường hợp bạn vẫn còn đang đắn đo, lo ngại thì nên rút ra một quyết định thỏa đáng nhất cho cả 2 bên và thuyết phục con làm theo. Ví dụ, con thích chơi máy tính, bố mẹ không nên nói: "Không được" mà phải thương lượng với con: Nếu như con làm xong bài tập thì được phép chơi nhưng 1 tuần chỉ được chơi 2 tiếng thôi. Như vậy, thay vì "từ chối" bố mẹ đã tạo cho con một "cơ hội", giao lại quyền tự làm chủ bản thân cho con.
2. Trách phạt khi con thất bại
Khi con lười biếng, ỷ lại, thiếu trách nhiệm và làm những hành vi xấu khác, bố mẹ có thể phạt con nhưng tuyệt đối không phạt vì con thất bại. Thất bại chính là một cách để con học tập, bị phạt khi thất bại có thể khiến con bị nản chí, mất động lực phấn đấu. Nếu như bố mẹ phạt chỉ vì muốn con tránh khỏi thất bại, sẽ gây nên những hậu quả sau đây:
Thứ nhất, vì con sợ thất bại nên sẽ chủ động chọn những mục tiêu đơn giản, không dám thử thách bản thân mà chỉ cố gắng và dừng lại ở mức thấp nhất.
Thứ hai, con sẽ có cảm giác, thất bại là một hình phạt, là việc đáng xấu hổ nên không thừa nhận mình thua, mình sai hoặc cố trốn tránh khỏi nó. Như vậy, trẻ không thể rút ra bài học gì từ những lần thất bại, đó là điều rất đáng tiếc.
3. Giảng đạo lý, "lên lớp" con
Nếu nghe theo những lời thuyết giáo của bạn, có lẽ con sẽ đánh mất khả năng tự phán đoán của mình. Nhưng nếu như không nghe theo, con có thể sẽ có xu hướng muốn chống đối hoặc là không tin tưởng bố mẹ. Vì vậy, tốt nhất bố mẹ không nên dùng lời lẽ giáo điều để dạy con.
4. Ôm đồm mọi việc cho con
Trong cuộc sống, thay vì cố gắng làm nhiều việc hộ con, kể cả những việc vô cùng đơn giản thì bố mẹ nên "khoanh tay đứng nhìn", để con tự mình làm, tự mình đưa ra quyết định. Như vậy mới là tốt cho con.
5. Can thiệp quá nhiều vào việc của con
Tham gia quá nhiều vào việc riêng của con cái chính là bố mẹ đang tước đoạt quyền được lựa chọn của con. Bố mẹ không nên lúc nào cũng cho rằng con đường mà mình vẽ ra cho con mới là con đường đúng đắn mà bắt các con phải đi theo. Những đứa trẻ có khả năng phán đoán và có quyền tự quyết định chuyện của mình.
Không có sai và đúng nhất định trong việc giáo dục trẻ em vì mỗi đứa trẻ có tố chất khác nhau, cần những cách dạy dỗ khác nhau. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có tính cách riêng của mình vì vậy không thể có một cách dạy con nào được cho là đúng tuyệt đối. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, dùng cách nói "Cấm", "Không được", "Sẽ bị phạt" với một đứa trẻ chỉ làm cho chúng nghĩ rằng: "Mình không nên làm việc này vì mình sợ bị phạt".
Theo tôi cách tốt nhất là khích lệ các con, truyền cảm hứng để chúng tự tin làm những việc chúng muốn vì bản thân mỗi người đều có những lý tưởng riêng.
Theo Trí Thức Trẻ