Hầu hết các bé mới sinh đều chảy rất nhiều dãi. Nhưng nếu mẹ thấy bé nhà mình chảy dãi nhiều thì có thể do một số nguyên nhân như sau.
Mọc răng
Chảy dãi nhiều được xem như là một dấu hiệu mọc răng. Nhiều bé chảy dãi, tiết nước bọt liên tục khi mầm răng đang nhú lên. Bé còn liên tục cắn, gặm thứ gì đó và điều này càng kích thích tuyến nước dãi chảy nhiều hơn.
Nhiễm trùng
Bé có thể mắc bệnh răng miệng hoặc nhiễm trùng tuyến nước bọt khiến nước dãi chảy nhiều hơn.
Quá trình phát triển
Mẹ có thể nhận ra rằng bé chảy nhiều dãi khi bé đạt tới mốc phát triển 3 tháng tuổi. Dấu hiệu này được xem như một phần của sự phát triển bình thường ở bé. Mặc dù thường thì 6 tháng bé mới bắt đầu mọc răng nhưng các mầm răng đã phát triển dưới lợi từ trước đó. Đây là nguyên nhân kích hoạt các tuyến nước bọt tiết nhiều hơn.
Tiêu hóa
Nước bọt được sản xuất trong miệng để giúp bé dung hòa môi trường axit có trong dạ dày. Điều này giúp bé giảm thiểu chứng đau bụng và giúp hệ tiêu hóa còn non nớt của bé ổn định. Bởi vậy, chảy dãi cũng có lợi ích riêng của nó.
Chứng trào ngược
Ở các bé, van thực quản còn chưa hoàn thiện, có thể đóng - mở bất cứ lúc nào. Đó là lý do các bé dễ bị trào ngược axit, gây nôn trớ. Chảy dãi nhiều sẽ giúp làm dịu thực quản bị kích thích ở bé và có thể giúp bé làm giảm cảm giác nóng rát cổ họng.
Lưu ý: Nếu mẹ thấy bé chảy dãi nhiều thì có thể do nhiều nguyên nhân nhưng thường là các nguyên nhân không nghiêm trọng. Trên thực tế, chảy dãi là một trong những dấu hiệu khỏe mạnh ở các bé. Tuy nhiên, nếu mẹ lo ngại bé chảy dãi quá nhiều thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Phương Thảo(Mevabe.net)