Nhiều người lâu năm trong nghề nhận định giáo viên mầm non hiện nay dễ dàng tiếp cận cái mới nhưng còn thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, tính chịu đựng và tình cảm yêu thương trẻ.
Nhiều năm trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng giáo viên mầm non, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Giáo dục Q.8 (TP.HCM), nhìn nhận: "Giáo sinh hiện nay rất nhanh nhạy, nắm bắt được kiến thức, những ứng dụng công nghệ thông tin... nhưng sự yêu thích, tình cảm với trẻ mầm non - yếu tố đầu tiên để quyết định theo nghề này thì chưa thể hiện rõ trong suy nghĩ và nhận thức". Vì vậy, theo bà Tuyết, khi va chạm thực tế như trẻ bệnh, trẻ khóc cùng các sinh hoạt hằng ngày thì các giáo viên cảm thấy mình quá vất vả. Từ chỗ chưa bồi đắp tình cảm với trẻ nên khi gặp khó khăn, nhiều giáo viên không vượt qua được.
Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), nhận xét: "Cái được của giáo sinh hiện giờ là trình độ, sự nhạy bén nhưng thiếu tính chịu đựng, kiềm chế. Trong khi đó, nghề này có những đặc trưng riêng nên nếu chỉ nghĩ đây là một nghề nghiệp như bình thường thì rất khó chiều chuộng người khác". Một giáo viên lớn tuổi tại Q.8 cho hay: "Thời tôi vào nghề cách đây gần 20 năm, dù trình độ chỉ dừng lại ở sơ cấp, trung cấp nhưng thấy gắn bó với trẻ vô cùng".
Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường mầm non, chương trình đào tạo như hiện nay làm cho giáo viên không nhận thức được vai trò của nghề nghiệp. Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình nói: "Về đào tạo, cần phải rèn luyện thường xuyên cho giáo sinh bài học về lương tâm chức nghiệp. Thời gian kiến tập, thực hành nhiều để sinh viên có cơ hội trải nghiệm tình huống, biết cách xử lý dần dần tạo thành kỹ năng". Đồng tình với việc cần phải có thêm thời gian thực tập cho sinh viên, bà Chung Bích Phượng cho biết: "Sinh viên học nhiều kiến thức giảng dạy của các lứa tuổi nhưng chỉ thực hành ở mức độ cơ bản, làm quen. Chẳng hạn, các em có 4 tuần kiến tập mà phải trải qua đủ các nhóm tuổi".
Hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.1 (TP.HCM) cho rằng các trường đào tạo cần tăng thời lượng thực hành nhưng phải đi vào thực chất. Ngoài ra, cũng phải giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, cách cư xử với trẻ như thế nào là phù hợp. Nên chọn những giáo viên có kinh nghiệm từ thực tế để giảng dạy nội dung này.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, khuyên: "Nếu yêu trẻ thì hãy chọn nghề này, còn nếu coi nó là một nghề đơn giản để kiếm tiền mà không hiểu gì về nó thì không thể chịu cực được". Bà Kim Dung cũng cho biết gần đây, trong buổi họp với các trường có đào tạo giáo viên mầm non, lãnh đạo các trường đã nghĩ đến phương án cho sinh viên đi thực tế ngay năm đầu tiên để nếu các em thấy hợp, thấy có thể gắn bó với trẻ thì học tiếp, còn không thì sớm có hướng đi khác phù hợp.
Theo Thanh Niên