Thường trực Thành ủy TP.HCM vừa chỉ đạo Sở GD-ĐT TP phối hợp với UBND các quận, huyện nhanh chóng đề xuất giải pháp thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, từ 12 đến 18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập (MNCL).
Giờ hoạt động của các bé ở Trường MN Sơn Ca 3, Q.11
Với tình trạng thiếu trường, thiếu giáo viên (GV) như hiện nay, liệu các trường MNCL có thể tiếp nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi?
Nhận trẻ nhỏ, trẻ lớn đi đâu?
Đây là một câu hỏi mà nhiều hiệu trưởng trường MNCL đặt ra. Bởi hiện nay các trường đang nỗ lực để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi. Theo đó, các trường phải ưu tiên chỗ học cho trẻ 5 tuổi. Thậm chí ở một số quận, huyện còn phải mượn nhà văn hóa để trẻ 5 tuổi có chỗ học, hạn chế tiếp nhận trẻ 2-3 tuổi...
Cô Nguyễn Thị Tám - Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 3, Q.11 cho biết: "Mùa tuyển sinh năm 2013, nhà trường định bỏ lớp 24-36 tháng để tiếp nhận trẻ lớn. Tuy nhiên, khi nhà trường xin ý kiến của Phòng GD-ĐT thì phòng không đồng ý. Hiện nay nhà trường có 10 lớp, trong đó Lá - 4 lớp, Chồi - 3 lớp, Mầm - 2 lớp và 1 lớp Nhà trẻ. Lớp nào cũng đông, 40-45 trẻ. So với trước đây, số lớp của trường đã tăng gấp đôi, 4 năm trước trường chỉ có 5 lớp".
Không chỉ Trường MN Sơn Ca 3, Q.11 "ngại" nhận trẻ nhỏ mà đó là xu hướng chung của các trường MNCL. Bà Chung Thị Bích Phượng - Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú thừa nhận: "Ngày càng có nhiều trường co dần các lớp nhà trẻ lại. Hiện nay, trên địa bàn Q.Tân Phú có rất ít trường nhận trẻ nhóm nhà trẻ (dưới 3 tuổi)".
Cô Vũ Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường MN Bến Thành, Q.1 cũng cho biết: "Trường hiện có 1 lớp Nai Bi (gồm 24 trẻ từ 19 đến 24 tháng tuổi), 3 lớp Gấu Bông (mỗi lớp giữ 35 trẻ từ 25 đến dưới 36 tháng tuổi), còn lại là 4 lớp Mầm (trẻ 3 tuổi), 5 lớp Chồi (trẻ 4 tuổi) và 5 lớp Lá (trẻ 5 tuổi). Số trường MNCL trên địa bàn quận nhận trẻ 19 đến 24 tháng tuổi rất ít. Bởi vì các trường còn phải dành chỗ để nhận học sinh lớp lớn. Nếu cấp trên chỉ đạo nhận trẻ 6 tháng tuổi thì chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên phải xây thêm trường, tăng số lớp, nếu không thì trẻ lớn sẽ học ở đâu"...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 450 trường MNCL. Song, không có trường nào nhận trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, số trường nhận trẻ từ trên 12 đến 18 tháng tuổi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và những trường này chỉ nhận 1 lớp/trường với sĩ số 10-15 trẻ/lớp. Do đó, chỉ những phụ huynh đặc biệt mới có cơ hội gửi con ở những lớp này.
Cần một cơ chế riêng
Theo điều lệ trường MN thì trẻ càng nhỏ, GV càng nhiều. Điều 13, điều lệ trường MN nêu rõ: Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mỗi nhóm không quá 15 trẻ, từ 13 đến 24 tháng tuổi - 20 trẻ, từ 25 đến 36 tháng tuổi - 25 trẻ. Còn ở mẫu giáo, từ 3-4 tuổi - 25 trẻ, 4-5 tuổi - 30 trẻ, 5-6 tuổi - 35 trẻ. Mỗi lớp dù là nhóm nhà trẻ hay mẫu giáo đều phải có 2 GV.
Trong khi đó, học phí giữa nhà trẻ và mẫu giáo tại TP.HCM năm học 2013-2014 chỉ chênh lệch nhau 30 ngàn đồng. Cụ thể, nhà trẻ ở nội thành thu 150 ngàn đồng/tháng, ngoại thành thu 90 ngàn đồng/tháng; còn mẫu giáo là 120 ngàn đồng (nội thành) và 60 ngàn đồng (ngoại thành). Với sự chênh lệch cực kỳ khiêm tốn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của GV.
Bà Phượng làm một bài toán đơn giản: "Đối với mẫu giáo, mỗi lớp nhận được 40 cháu. Còn ở nhóm 6-12 tháng, mỗi nhóm chỉ nhận được 8 cháu. Với mức học phí hiện hành, lớp mẫu giáo thu được 4,8 triệu (120 ngàn đồng x 40 trẻ), còn nhóm nhà trẻ chỉ thu được 1,2 triệu đồng (150 ngàn đồng x 8 trẻ). Đó là chưa kể chăm trẻ càng nhỏ thì GV càng vất vả. Ở lứa tuổi này trẻ rất dễ xảy ra tai nạn, chẳng hạn trong lúc trẻ ăn, GV chỉ cần sơ suất một chút là trẻ có thể sặc... Vì vậy, các trường không mặn mà với việc nhận nhóm nhỏ".
"Với trẻ 6 tháng tuổi, các trang thiết bị đi kèm rất tốn kém như bình ủ sữa, máy xay sinh tố, bình nóng lạnh, nôi... Một GV thì chỉ có thể chăm sóc được 3 cháu. Và đừng nghĩ ở nhóm này thì GV không cần chuyên môn mà ngược lại yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm càng nhiều hơn. Tuy các cô không đi sâu vào nhận thức của trẻ như trẻ 3-5 tuổi mà tập trung vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Cũng giống như một bà mẹ có kiến thức thì chăm sóc con sẽ khác với một bà mẹ lao động. Vì vậy nếu cứ cào bằng học phí như hiện nay thì các trường MNCL sẽ không muốn mở lớp nhỏ", cô Hà cũng cho biết.
Ngoài sự đột phá về học phí giữa nhóm nhỏ và nhóm lớn, để các trường MNCL nhận trẻ 6 tháng tuổi thì TP cần phải xây dựng thêm khoảng 450 trường MN (bằng với số trường MNCL hiện có). Kèm theo đó thì số GV đúng chuẩn cũng phải tăng gấp 7-8 lần, bởi một GV chỉ có thể nuôi dạy được 3 trẻ 6 tháng tuổi nhưng với trẻ từ 3-5 tuổi thì lên tới 20-25 trẻ.
Khó thì đúng là khó thật nhưng nếu các cấp, các ngành cùng vào cuộc thì không phải là không thực hiện được. Bởi, nói cho cùng thì ngành GD-ĐT cũng chỉ có thể đảm bảo về mặt chuyên môn mà thôi...
Bà Chung Thị Bích Phượng - Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho rằng: "Mỗi quận, huyện phải tùy vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà đưa ra các giải pháp căn cơ với các lộ trình rõ ràng, cụ thể. Có như vậy chủ trương nhận trẻ 6 tháng tuổi mới khả thi. Và đây là trách nhiệm của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng ngành GD-ĐT. Theo quan điểm của tôi thì việc nhận trẻ 6 tháng tuổi phải có sự chọn lọc, phải ưu tiên cho những trường hợp cả cha lẫn mẹ đều là cán bộ, công nhân, viên chức...".
Theo Báo Giáo Dục