Trẻ con hiếu động nên thường bị té ngã, thỉnh thoảng bị muỗi cắn, hay bị mụn nhọt, thủy đậu... sẽ để lại sẹo nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc.
|
Chăm sóc vết thương đúng cách sẽ hạn chế sẹo xấu cho trẻ.
|
Khi da đã hình thành sẹo sẽ rất khó xóa bỏ hoàn toàn, vì vậy, chăm sóc vết thương đúng cho trẻ ngay khi phát hiện là điều rất quan trọng giúp hạn chế những sẹo xấu.
Chăm sóc đúng cách
Tuỳ từng loại tổn thương mà có cách chăm sóc khác nhau.
*Sẹo lồi: Sẹo lồi thường xảy ra với những người có cơ địa gây sẹo lồi, dù vết thương nông, sâu đều rất dễ tạo sẹo này. Những tế bào sợi mô liên kết được thay thế sinh trưởng quá mức làm cho vết sẹo nổi cao, gây sẹo lồi. Quá trình làm da non thường gây ngứa cho trẻ. Lúc này, mọi kích ứng dễ gây viêm nhiễm, làm cho vết sẹo to và nổi cao hơn, vì vậy nên tránh để trẻ gãi, chà xát vết sẹo.
*Sẹo lõm: Những vết thương sâu dễ để lại sẹo lõm. Trong quá trình làm lành, các tế bào sợi mô không bù đắp đủ lượng mất đi trước đó, khiến cho vết thương hình thành sẹo lõm. Tổn thương dễ gây sẹo lõm là mụn bọc, nhọt, thuỷ đậu…
Để hạn chế tối đa việc hình thành sẹo xấu cho con, bạn không nên tự ý chọc hút, nặn mụn nhọt. Chúng có thể gây nhiễm trùng nặng, vết thương lan rộng hơn và nguy cơ để lại sẹo cao lên. Với trẻ bị thủy đậu, nên tránh cho bé gãi vào vết thương. Khi trẻ bị thương, nên băng bó thông thoáng, không quá kín và chật sẽ làm vết thương dễ bị nhiễm khuẩn sẽ lâu lành.
*Sẹo tăng sắc tố: Là loại sẹo để lại khi tổn thương da ở thể nông, vùng da bị tổn thương sau khi lành có màu thâm đen. Thông thường, sẹo sắc tố sẽ dần mất đi sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng thì vết thâm đen sẽ đeo bám trẻ sau này. Khi trẻ gặp phải những vết thương nông, không cho trẻ gãi vào vết thương dễ làm cho tình trạng nặng hơn.
*Sẹo co rút: Hình thành khi vết thương ở diện rộng và sâu như bị bỏng. Khi lành, vết thương sẽ co rút rúm ró mất thẩm mỹ, ảnh hưởng nhiều tới sự co giãn của da và sự vận động của cơ thể, đặc biệt là tại các chi. Vì vậy, Khi trẻ bị bỏng cần sơ cứu đúng bằng cách chườm nước mát và đưa tới bệnh viện. Trong quá trình điều trị, không chọc hút vết thương khi thấy bọng nước. Cho trẻ mặc quần áo rộng, tránh sự cọ xát với vết thương.
Những lưu ý với phụ huynh
Đa phần những kem điều trị sẹo, làm lành vết sẹo, xoá sẹo… bán trên thị trường cấm chỉ định đối với trẻ, do đó, cha mẹ không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc trị sẹo nào mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, nên tránh những điều sau:
- Khi vết thương đóng vảy không được bóc lớp vảy mà phải để tự chúng bong ra.
- Tránh để vết thương của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Không nên bôi nghệ tươi vào vết thương chưa lên da non, nếu bôi nghệ sớm sẽ làm vết sẹo sau này bị thâm đen.
Bố mẹ nên biết:
Bổ sung cho trẻ một số thực phẩm như: xoài, cam quýt, thơm, nho, cà chua, bí ngô, khoai lang, cải xanh, súp lơ, thịt heo, thịt bò, cá, thịt gà, các loại thực phẩm họ đậu, nước ép rau má... nhằm giúp cơ thể giải độc làm giảm tạo sẹo xấu trong quá trình lành vết thương.
Theo Giadinh.net.vn
|