Công văn - Chỉ thị
   Giới thiệu tóm tắt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015"
 

GIỚI THIỆU TÓM TẮT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN
GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2006 – 2015

Sau hơn hai mươi năm đổi mới và năm năm thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010”, giáo dục mầm non nước ta đã có bước phát triển đáng kể về quy mô, loại hình trường, lớp học vượt định mức chỉ tiêu chiến lược đã đề ra; tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức và tư vấn nuôi dạy trẻ cho gia đình. Đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản và từng bước nâng cao về chất lượng, trình độ đào tạo. Tỷ lệ trẻ em được chăm sóc, giáo dục trong hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo ngày càng tăng. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục ngày càng tốt hơn; góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục.

Tuy nhiên, mức độ phát triển nói trên của giáo dục mầm non vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi dạy trẻ và những đòi hỏi mới của sự nghiệp phát triển đất nước, thành tựu đạt được chưa vững chắc, chưa mang tình hệ thống. Những yếu kém, bất cập về quy mô, mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ chế quản lý, chính sách xã hội, phương thức, nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ, điều kiện cơ sở vật chất và một số vấn đề khác cần được quan tâm, chăm lo phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới, giáo dục mầm non nước ta cần phải được quan tâm phát triển nhanh và bền vững, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập. Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 năm 2005, Chính phủ đã quyết định về Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015 với những nội dung cơ bản như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1 – Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

2 – Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho giáo dục mầm non; hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới.

3 – Xây dựng gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, cha mẹ của trẻ nhằm phối hợp, đa dạng hoá nhiều phương thức chăm sóc, giáo dục trẻ em.

4 - Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1 và có tác dụng tích cực cho việc nâng cao chất lượng nền giáo dục Việt Nam.

II. MỤC TIÊU
a) Mục tiêu chung:

Phát triển giáo dục mầm non, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng công tác chăm sóc giáo dục trẻ; củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt chú trọng đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; đa dạng hoá các phương thức chăm sóc, giáo dục; bảo đảm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định. Phấn đấu đến năm 2010 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

b) Mục tiêu cụ thể:

1 - Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 15% năm 2005 lên 20% năm 2010 và đạt 30% năm 2015; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 58% năm 2005 lên 67% năm 2010 và đạt 75% năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 92% năm 2005 lên 95% năm 2010 và 99% năm 2015.

Nâng tỷ lệ cac cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 9% năm 2005 lên 20% vào năm 2010 và 50% vào năm 2015.

Tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nâng tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 43% năm 2005 lên 55% năm 2010 và đạt 62% năm 2015. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt chỉ tiêu chung của toàn quốc.

2 – Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 80% năm 2010 và 95% năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 12% năm 2010 và dưới 10% năm 2015.

3 - Củng cố, hoàn thiện các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Từ năm 2006 đến 2010 nhà nước tập trung đầu tư xây dựng khoảng 2500 cơ sở giáo dục mầm non với định mức khoảng 500 triệu đồng/1 cơ sở để đạt chuẩn về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ nhà giáo; thực hiện việc đào tạo và bồi dưỡng khoảng 3.000 giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ.

4 – Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phấn đấu để có 80% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo năm 2010 và 100% năm 2015, trong đó có 8% đạt trên chuẩn năm 2010 và 15% năm 2015.

5 – Nâng tỷ lệ cha, mẹ được cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ lên 70% năm 2010 và 90% năm 2015.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1.Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non

Chỉ đạo, triển khai có chất lượng, bảo đảm các mục tiêu, nội dung đối với giáo dục mầm non nêu tại Quyết định 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 1 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; củng cố, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Hoàn thiện, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên mầm non trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước và hội nhập quốc tế.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo đạt chuẩn, nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non đáp ứng với yêu cầu của từng vùng, từng địa phương.

Bảo đảm các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non trong các cơ sở công lập và ngoài công lập theo quy định của Nhà nước về đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác, tạo sự bình đẳng về quyền lợi cho giáo viên công tác ở các loại cơ sở giáo dục mầm non khác nhau.

2.Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục mầm non

Xây dựng và triển khai chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là hoạt động vui chơi phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Cải tiến cách theo dõi, đánh giá chất lượng phát triển của trẻ.

Tăng cường cung cấp thiết bị, đồ chơi phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Cung cấp chương trình trò chơi và bộ đồ chơi làm quen với tin hoạc và ngoại ngữ: đến năm 2010 có khoảng 1/3 số cơ sở giáo dục mầm non được tiếp cận với tin học và ngoại ngữ.
Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó chú trọng việc dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

3. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường đầu tư phát triển giáo dục mầm non

Chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục mầm non và điều kiện của từng địa phương.

Cơ sở giáo dục mầm non được thành lập theo 3 loại hình: công lập, dân lập, tư thục. Loại hình công lập chủ yếu được thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện chuyển các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm mỗi xã có ít nhất một cơ sở giáo dục mầm non để mọi trẻ em được học chương trình mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1.

Đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi để triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

4. Bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá phát triển giáo dục mầm non

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non theo hướng:

- Nhà nước hỗ trợ để giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập được hưởng tiền lương ít nhất không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, được tham gia bảo hiểm và các chế độ quy định khác tương đương với giáo viên có cùng trình độ đào tạo và cùng nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

- Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bảo đảm lương, chế độ bảo hiểm và cac chế độ chính sách khác đối với giáo viên không thấp hoen các cơ sở giáo dục mầm non công lập hoặc dân lập.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích việc sản xuất đồ chơi, thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục mầm non.

- Thực hiện triệt để công tác xã hội hoá theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để cac tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

- Cải tiến việc phân bổ ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục mầm non theo hướng tính định mức theo số trẻ em trong độ tuổi mầm non trên địa bàn.

5. Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền giáo dục mầm non

Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn nhân lực con người.

Tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin và truyền thông về giáo dục mầm non.

Xây dựng kế hoạch thông tin và truyền thông, biên soạn và cung cấp tài liệu để phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non.

6. Tăng cường quản lý giáo dục mầm non; đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thực hiện triệt để phân cấp quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị định số 166/2004/NĐ-CP về phân cấp quản lý giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non; xây dựng cơ chế chính sách và quy chế quản lý chất lượng giáo dục mầm non; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, thông tin và truyền thông giữa các Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương về chăm sóc, giáo dục mầm non; các địa phương chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc xây dựng và phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác, thu hút tài trợ của các tổ chức quốc tế UNICEF, UNESCO, WB, ADB và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư cho giáo dục mầm non.

IV. LỘ TRÌNH VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Việc thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015 được thực hiện theo từng kế hoạch 5 năm.

- Giai đoạn 2006 – 2010: trọng tâm là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục mầm non; thực hiện NQ 05/CP và Luật Giáo dục 2005; xây dựng cơ chế phối hợp và bổ sung các chính sách phát triển giáo dục mầm non; triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng mạng lưới trường, lớp và trang thiết bị mẫu giáo cho các xã vùng khó khăn, tập trung phát triển mẫu giáo 5 tuổi; triển khai phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục mầm non đến các gia đình.

- Giai đoạn 2010 – 2015: trọng tâm là đẩy mạnh phát triển về quy mô và chất lượng giáo dục mầm non; triển khai đại trà chương trình giáo dục mầm non, tập trung phát triển mẫu giáo 3 – 4 tuổi; tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng mạng lưới trường, lớp tại các vùng khó khăn; tăng tỷ trọng trường chuẩn, trường điểm; củng cố hệ thống trường sư phạm; hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Nguồn vốn thực hiện đề án gồm:
- Vốn từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách.

- Các nguồn hợp pháp khác.
1.Từ 2005 – 2010 thực hiện đề án phát triển GDMN cần khoảng 2.428 tỷ đồng, trong đó bao gồm chi phí các chương trình, dự án và công việc để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ này (có phụ lục tính toán kèm theo).

2.Từ 2011 – 2015 cần khoảng 2.564 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ này) có phụ lục tính toán kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, xây dựng các đề án cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện nghị quyết phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015.
- Phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư cho giáo dục mầm non trong Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2006 – 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong từng giai đoạn và định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em
- Chủ trì, phối hợp với bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát tình hình thực hiện những nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình truyền thông, vận động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan nhằm gắn gia đình với giáo dục mầm non.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, tổng hợp chương trình đầu tư cho giáo dục mầm non trong chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2006 – 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Căn cứ trên các mục tiêu phát triển giáo dục mầm non của Nghị quyết này để xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm cho các địa phương trong giai đoạn 2006 – 2015.
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến công tác phân bố ngân sách hàng năm cho giáo dục mầm non.

4. Bộ Tài chính
- Bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho giáo dục mầm non, bảo đảm tiến độ thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan cải tiến công tác phân bổ ngân sách, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non.

5. Bộ Nội vụ
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức biên chế và các chế độ chính sách đối với giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các loại hình.

6. Bộ Y tế
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.

7. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ mầm non.

8. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
a. Xây dựng các đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn theo các mục tiêu Nghị quyết này.

b. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non trên các địa bàn; kế hoạch đào tạo giáo viên, huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

c. Chủ động thực hiện xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trên các địa bàn; đầu tư trang thiết bị, đồ chơi phục vụ việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy đinh.

d. Có chính sách ưu đãi nhằm phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.

e. Bảo đảm bố trí ngân sách chi cho giáo dục mầm non theo đúng quy định hiện hành.

f. tổ chức huy động mọi nguồn lực trên địa bàn phục vụ thực hiện các mục tiêu giáo dục mầm non.

9. Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tích cực tham gia vào công tác phát triển giáo dục mầm non, vận động trẻ em đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo; hỗ trợ đẩy mạnh việc phổ biến, cung cấp kiến thức về giáo dục mầm non đến các gia đình.

VI. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN NĂM 2006 – 2010

1. Để thực hiện mục tiêu phát triển vững chắc về quy mô và chất lượng giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đề án đề xuất giải pháp bảo đảm mỗi xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo mà chưa có trường mầm non (ước tính khoảng 80% tổng số xã thuộc diện này) được đầu tư ít nhất một trường mầm non đạt yêu cầu chuẩn về cơ sở vật chất và có đủ lớp tới thôn bản cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Tổng số tiền đầu tư xây dựng là 1.885,7 tỷ đồng bao gồm:

- Dự kiến đầu tư ở 2272/2840 xã, mỗi xã thêm 1 trường với 3 phòng học có giá bình quân là 500 triệu đồng, số tiền đầu tư xây dựng là 1.136 tỷ đồng. (2272x500 triệu = 1.136 tỷ)

- Dự kiến xây thêm phòng học tại các thôn bản cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở 2272 xã, bình quân 3 phòng 1 xã, tổng số phòng học cần xây mới là 6.818 phòng, giá bình quân 110 triệu đồng 1 phòng, số tiền đầu tư xây dựng là 749,7 tỷ đồng.

2.Để góp phần từng bước hiện đại hoá giáo dục mầm non, đề án đề xuất triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, dự kiến kinh phí là 290,3 tỷ.

Cung cấp cho khoảng 2455/9821 trường (1/4 số trường công lập và bán công) bộ đồ chơi phục vụ làm quen với tin học và ngoại ngữ, dự kiến số kinh phí cần phải có là 54 tỷ đồng.
(2455 trường x 22 triệu/bộ = 54,00 tỷ)

3.Để thực hiện quan điểm giáo dục mầm non gắn bó chặt chẽ với giáo dục gia đình, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục mầm non và phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ. Dự kiến hàng năm cần xây dựng 4 bộ phim truyền thông và xuất bản 2 triệu bản tài liệu phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ:
5 năm x 4 phim x 100 triệu đồng = 2 tỷ đồng
2.000.000 bản x 10 ngàn đồng = 20 tỷ đồng

Tổng kinh phí cần tập trung đầu tư cho 3 nội dung đề xuất trên đây của đề án là 2.252 tỷ đồng. Bình quân: 450,4 tỷ đồng/ năm.

4.Trong nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, cần ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non được xây dựng thêm tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đào tạo 3.000 giáo viên cho vùng dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ này cần được ưu tiên giải quyết trong việc triển khai đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010, theo Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Chính phủ.

5.Để khắc phục bất hợp lý về chế độ lương của giáo viên ngoài công lập được quy định trong quyết định số 161/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT – BGD&ĐT-BNV-BTC, đề án đề xuất bảo đảm cho giáo viên mầm non công tác tại trường dân lập được hưởng chế độ chính sách hợp lý về đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các quyền lợi vật chất và tinh thần khác tương đương với giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo và cùng nhiệm vụ, không phân biệt giáo viên công lập hay ngoài công lập, trong biên chế hay ngoài biên chế; khuyến khích các trường mầm non tư thục đảm bảo tối đa các chế độ chính sách cho giáo viên. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi và không gây xáo trộn lớn về giáo viên trong quá trình chuyển trường mầm non bán công sang dân lập.

6.Thực hiện quy định của Luật giáo dục 2005, trong đó không còn trường bán công, đề án đề xuất lộ trình như sau:

Từ 2006 – 2008: chuyển toàn bộ các trường bán công ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sang loại hình công lập hoạt động theo cơ chế tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phú hoạt động thường xuyên.

Từ 2006 – 2010: cơ bản chuyển xong các trường bán công không thuộc diện trên sang loại hình dân lập, tư thục.

File Download   dean.doc
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015". (17/7)
 NĐ về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân VN và người nước ngoài (Số 184-CP ngày 30-11-1994) (17/5)
 Nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em (Số 374-HĐBT ngày 11-11-1991) (17/5)
 Tham khảo, lấy ý kiến Quy chế công nhận trường Mầm Non đạt chuẩn quốc gia GĐ 2006-2010 (13/4)
 Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg (Về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia Vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010) (12/4)
 NGHỊ ĐỊNH: Về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (30/3)
 Quyết định số 1447/GD-ĐT ngày 02/06/1994 ( Vv Ban hành qui chế trường, lớp mầm non tư thục) (21/2)
 Văn bản số 930/GDMN (V/v hướng dẫn thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng GD dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”) (6/2)
 Quyết định số 31 / 2005/ QĐ – BGD&ĐT ngày 20-10-2005 ( Vv Ban hành Quy định điều kiện tối thiểu cho các lớp MN, lớp MG và nhóm trẻ độc lập...) (17/1)
 Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ( Về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu ) (3/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i