Tâm lý
   Người “quan trọng”
 

Cha mẹ luôn yêu thương, chiều chuộng và dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Có phụ huynh thể hiện những điều đó âm thầm, nhưng cũng không ít người biểu hiện một cách lộ liễu trên cả mức cần thiết. Từ đó, vô tình đã khiến trẻ ảo tưởng về giá trị của mình khi xem bản thân là nhân vật trung tâm, quan trọng nhất.

Đưa con "lên mây"
Là cháu đích tôn, từ nhỏ đến giờ bé Dũng, chín tuổi, ở Q.5, TP.HCM, được mọi người trong gia đình cưng như trứng mỏng. Mỗi khi Dũng ngủ, cả nhà được lệnh của ông nội phải "đi nhẹ, nói khẽ" để Dũng ngon giấc. Khi có món gì ngon, đều bắt buộc "để dành cho cu Dũng".

Với "hoàn cảnh" như thế, nên từ bé Dũng luôn nghĩ mình là số 1, chẳng những không ai được đụng đến mà còn đòi gì được nấy. Thậm chí, bộ lego xếp hình siêu nhân của cậu em họ mới mua, chưa chơi lần nào, nhưng Dũng vừa thấy đã đòi, mặc mẹ hứa sáng hôm sau sẽ mua. Đòi không được cu cậu khóc ầm ĩ, nằm lăn ra sàn ăn vạ. Vậy là sau gần 15 phút làm mình, làm mẩy, Dũng đã được sở hữu bộ lego, sau khi ông nội vừa dọa, vừa năn nỉ cậu cháu tội nghiệp kia: "Thôi, nhường anh đi con!". Ngay cả chơi những trò chơi oẳn tù xì, chơi cờ... cả nhà cũng được lệnh phải nhường Dũng, vì thua là mặt Dũng lầm lì hoặc cau có, quăng ném đồ đạc.

Chính sự cưng chiều, "bảo kê" của ông nội nên tính tình Dũng ngày càng trái khoáy, luôn nghĩ mình là người giỏi nhất và chẳng bao giờ biết nhường ai.

Ảnh: Gettyimages.com

Vợ chồng chị Hà (Q.3 - TP.HCM) mãi đến năm 42 tuổi mới sinh được cu Bin nên bao nhiêu tình thương, sự kỳ vọng anh chị đều dành hết cho con. Và sự kỳ vọng, tự hào càng nhân lên khi cu Bin là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Mỗi lần gặp người quen, vợ chồng chị Hà liền khoe: "Vợ chồng lớn tuổi, sợ sinh con ra chậm chạp, kém thông minh như khoa học cảnh báo, nhưng thật may, cu Bin còn thông minh hơn những đứa trẻ cùng lứa, cái gì cũng giỏi. Học bơi, học đàn cũng nhanh. Còn ở trường luôn đứng nhất nhì lớp, dù vợ chồng tôi chẳng bắt cháu học hành nhiều". Từ những lời tán tụng của ba mẹ, Bin luôn nghĩ mình giỏi hơn mọi người nên tỏ ra coi thường các bạn khác.

Còn bé Na - mới năm tuổi, con của đôi vợ chồng là giám đốc một công ty địa ốc, đi đâu cũng được mọi người khen đẹp như thiên thần. Với ba mẹ Na thì câu cửa miệng là "con gái của ba mẹ đẹp nhất trên đời" nên điều đó được mặc định trong đầu bé. Khi bị ai trêu xấu là Na khóc, giậm chân đùng đùng hoặc cãi lại "không, Na xinh nhất" và cô bé chẳng bao giờ chịu có ai xinh hơn mình.

Giúp con... trở lại mặt đất
Là bố mẹ, ai chẳng muốn con mình giỏi giang, hơn người, được ngợi khen và thành công trong cuộc sống. Đây là tâm lý bình thường ở phụ huynh. Khi trẻ biết lẫy, ba mẹ, ông bà hân hoan ra mặt. Khi trẻ chập chững những bước đi đầu tiên, cả nhà vỗ tay reo mừng. Rồi trẻ bi bô những lời đầu tiên "ba, mẹ, nội, ngoại"... thì bé nhận được không ít lời tán thưởng. Cha mẹ, người thân luôn thể hiện tình thương hết mình và dành lời khen "có cánh" cho con. Khoe con là niềm vui bất tận của các ông bố, bà mẹ. Tuy nhiên, những lời ca tụng, tán thưởng, khen ngợi quá nhiều dễ hình thành tư tưởng tự mãn ở trẻ. Trẻ sẽ luôn nghĩ mình cao hơn khả năng thực tế nên khó chấp nhận những thiếu sót, thua kém, thất bại... Mặt khác, thói quen luôn được đón nhận những lời khen khiến trẻ dễ bị "dị ứng", bị kích động khi nghe những lời nhận xét tiêu cực, bị chê bai, điều này sẽ gây ở trẻ một cái nhìn phiến diện, không nhìn thấy được những thiếu sót, hạn chế của bản thân cũng như những ưu điểm, những mặt tốt đẹp của người xung quanh.

Khi trẻ xem mình là quan trọng nhất với thái độ xem thường người khác thì không chỉ cha mẹ đau đầu, bạn bè xa lánh, mà chính trẻ sẽ là người chịu hậu quả nặng nề nhất. Bởi điều này dễ làm trẻ nhận thức và hành vi lệch chuẩn: ích kỷ, tự cao, chỉ biết sống cho mình... Theo các chuyên viên tư vấn, thấy con có dấu hiệu đi... trên mây, tự cho mình là người giỏi nhất, cách tốt nhất là phụ huynh phải cho trẻ... trở lại mặt đất. Cha mẹ không nên tỏ ra quá vui mừng, tán tụng con quá mức trước ưu điểm hay thành tích con đạt được. Cũng không nên chê bai, so sánh trẻ với người khác, mà phân tích cho trẻ thấy, thông minh, nỗ lực trong học tập, tinh thần phấn đấu, vươn lên của trẻ là điểm mạnh, cần thiết. Nhưng trong cuộc sống, mình giỏi thì có người khác còn giỏi hơn. Bất kỳ ai cũng có những điểm tốt và những hạn chế. Bên cạnh đó, nên bồi dưỡng, phát huy những tính cách tốt đẹp ở trẻ như: khiêm tốn, biết quan tâm đến người khác... để loại bỏ dần tính ích kỷ, ghen tị, để trẻ không cảm thấy khó chịu, căng thẳng và bị kích động khi bị góp ý.

Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trẻ cũng cần xả... stress (14/1)
 Tưởng tượng giúp trẻ giao tiếp tốt hơn (14/1)
 Dạy bé tính hào phóng (13/1)
 Tác hại của việc giữ gìn con quá mức (13/1)
 Dạy con phê bình tế nhị (13/1)
 Đau đầu vì con quá mê...tiền (13/1)
 Rèn kỹ năng đàm phán cho con (12/1)
 Cách dạy con của dâu Tây (12/1)
 Giúp trẻ tập trung tốt ở nhà (12/1)
 Trí tò mò nuôi dưỡng niềm đam mê (12/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i