Giáo dục mầm non
   Trường mầm non “đau đầu” vì… thiếu cấp dưỡng
 

Để các cháu có một bữa ăn đảm bảo cả chất lẫn lượng rất cần đội ngũ cấp dưỡng
Khác với các trường phổ thông, ở mầm non không chỉ dạy mà còn phải nuôi trẻ. Theo đó, trách nhiệm của đội ngũ cấp dưỡng cũng nặng nề như đội ngũ giáo viên. Thế nhưng không chỉ phụ huynh không quan tâm đến họ mà ngay cả Nhà nước cũng bỏ lơ. Hậu quả là cấp dưỡng lần lượt rời xa nhà bếp của các trường mầm non...

Sáng làm cấp dưỡng, chiều làm hiệu trưởng
"A lô, chị Mai à. Bữa nay chị Bé cấp dưỡng xin nghỉ, chị tới ngay nhé"... Nghe cô Huân (đang thử việc trong nhà bếp) gọi, chị Huỳnh Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non 6, Q.3 lật đật chạy tới trường. Lúc này là 6 giờ sáng.

Vừa tới trường là chị xắn tay áo, lao vào bếp băm thịt, rửa rau và nấu đồ để kịp cho các bé ăn sáng vào lúc 7 giờ 30.

Mọi việc không chỉ dừng lại ở đây, trong lúc giáo viên cho cháu ăn sáng thì chị Mai, chị Trần Thị Phụng (Hiệu phó bán trú) và cô Huân phải chuẩn bị cho bữa ăn trưa, ăn xế. Mà nấu đồ ăn cho các cháu đâu có đơn giản như nấu ở nhà. Phải tính toán, cân đo sao cho đủ số lượng calo đối với từng khối lớp. Và trong mỗi bữa ăn phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Thậm chí, trong bữa ăn màu và mùi của thức ăn cũng phải khác nhau để kích thích sự thèm ăn của trẻ.

"Từ đầu năm học đến giờ mới có hơn 3 tháng mà nhà trường đã tuyển tới 3 cấp dưỡng. Hiện chỉ còn cô Huân mới vào được hơn 1 tháng. Mấy hôm trước chị nói với cô ấy là ký hợp đồng, cô ấy trả lời để em về hỏi ý kiến chồng. Bây giờ chị đang lo, nếu cô Huân nghỉ thì không biết kiếm đâu ra người. Mấy tháng nay, chị cứ phải vào bếp suốt. Chị thường nói với mọi người là sáng tôi làm cấp dưỡng, chiều làm hiệu trưởng...", chị Mai tâm tư.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trung bình 70 cháu phải có 1 cấp dưỡng. Với trên 200 cháu nhưng hiện tại Trường Mầm non 6 chỉ có 1 cấp dưỡng chính và 1 cấp dưỡng tập sự. Hôm nào cấp dưỡng chính nghỉ thì Hiệu trưởng hoặc Hiệu phó bán trú lại phải vào bếp làm cấp dưỡng chính. "Lúc nào trong bếp cũng phải đủ 3 người thì mới đảm bảo giờ giấc và chất lượng bữa ăn của cháu. Nhiều hôm Hiệu trưởng thì nấu, Hiệu phó lo làm rau, kế toán thì bưng bê, giáo viên vừa cho cháu ăn vừa rửa chén. Thiếu cấp dưỡng, nhà trường cứ rối loạn cả lên", chị Mai kể lại.

Tình trạng thiếu cấp dưỡng không chỉ diễn ra ở Trường Mầm non 6, Q.3 mà là thực trạng chung của cả thành phố. Bà Trịnh Thị Hoàng - Phó phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh cho biết: "UBND quận đã bỏ ra hàng chục triệu để đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cấp dưỡng. Sau 6 tháng học tập, nhiều người trong số đó đã không trở lại trường làm việc mà bỏ ra ngoài làm nhà hàng, khách sạn...".

Bà Minh Nguyệt (chuyên viên Phòng GD Mầm non, Sở GD-ĐT TP) cũng cho biết: "Tuy chưa có con số thống kê số cấp dưỡng bỏ việc hàng năm là bao nhiêu nhưng mỗi khi Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng là thấy toàn người mới...".

Cần thay đổi khung lương
Giải thích về tình trạng "sáng làm cấp dưỡng, chiều làm hiệu trưởng", chị Mai nói: "Trước đó Trường Mầm non 6 cũng có 3 cấp dưỡng, nhưng đầu năm học này 2 trong số 3 cấp dưỡng xin nghỉ. Người cũ đi rồi thì mình phải kiếm người mới nhưng khổ nỗi vừa ký hợp đồng cho người mới được một tháng là họ lại xin nghỉ. Lý do cũng chỉ vì: "Lương thấp quá cô hiệu trưởng ơi. Lương như vậy chỉ đủ để ăn sáng thôi"...".

Chị Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non 4, Q.4 kể lại: "Cách đây 2 năm, có 2 cấp dưỡng trình độ cao đẳng xin vào trường làm việc. Làm được đúng một tuần thì họ nghỉ. Họ nói, tụi con làm ở Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn lương 3-3,5 triệu đồng/tháng, còn làm ở đây chỉ có mấy trăm ngàn làm sao mà sống".

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD-ĐT TP thì bức xúc: "Công việc của một cấp dưỡng ở trường mầm non rất cực, nhưng thù lao hoàn toàn không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Cũng là cấp dưỡng, trong khi các quán ăn, nhà hàng trả 4-5 triệu/tháng thì ở trường chỉ trả hơn 1 triệu. Vậy thì trường làm sao giữ người được"...

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đội ngũ cấp dưỡng chỉ được hưởng hệ số lương dành cho nhân viên phục vụ là 1,00 (tương đương 650 ngàn đồng/tháng). Thậm chí ở một số quận, huyện, cấp dưỡng có trình độ sơ cấp, trung cấp cũng chỉ được hưởng hệ số lương 1,00. Do đó, những người có trình độ cứ lần lượt rời xa các trường mầm non.

"Ở trường mầm non, việc ăn uống của các bé rất quan trọng. Trường Mầm non 4 có trên 400 cháu, theo quy định thì phải có 6 cấp dưỡng nhưng hiện tại trường chỉ có 4 người. Kiếm được một cấp dưỡng bây giờ khó lắm, giữ chân họ lại càng khó hơn. Nhà trường cũng đã tìm mọi nguồn để nâng cao thu nhập cho cấp dưỡng nhưng cũng chẳng đáng là bao. Vấn đề bây giờ là phải thay đổi khung lương của đội ngũ cấp dưỡng", chị Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non 4 nói.

Và đây cũng là ý kiến của hiệu trưởng các trường mầm non và các trường phổ thông có bếp ăn tập thể. Bởi, chỉ khi nào đời sống của đội ngũ cấp dưỡng được quan tâm đúng mức thì lúc đó chất lượng và số lượng bữa ăn của cháu ở trường học mới đảm bảo.

Theo Báo Giáo Dục

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Hãy đối xử bình đẳng với cấp dưỡng
Ngày gửi: 8/25/2010 6:53:58 PM

Tôi mới vào nghề cấp dưỡng gần một tháng hay,cảm giác của tôi thật thất vọng ngàn lần so với những tưởng tượng đơn giản của tôi trước đây.Tôi cứ nghĩ mình biết vi tính,học qua lớp dinh dưỡng mầm non,tham khảo các tài liệu, nắm vững các khẩu phần ăn cho bé...thì vào làm đơn giản thôi.
Nào ngờ bây giờ một ngày làm gần 10 tiếng đồng hồ không phút nghỉ ngơi, cả luôn ca cafe ghiền đem vào lúc 5h sáng mà tới trưa vẫn chưa rảnh rỗi để uống. Phải đi chợ, làm thức ăn cho hơn 50 trẻ mà chỉ có một mình (3 buổi chính,3 buổi phụ), ghét nhất là sự coi thường của các "nàng" làm ở văn phòng, cứ nói chuyện giọng trịnh thượng, kể cả của một bà chủ nói với con sen trong nhà như ở thời "quá khứ". Và tệ bạc hơn cả là đồng lương bậc một tương đương với mấy trăm ngàn không đủ để xài nữa tháng. Nếu không có sự khinh miệt đó, tôi sẵn sàng đem cái thân trâu ngựa này làm từ thiện cho nhà nước, tôi đã làm rất nhiều việc từ thiện cho xã hội như: mua và chặt cây thuốc nam cho chùa hốt thuốc từ thiện, cho gạo-tiền-quần áo...với những ai tôi bắt gặp đang khó khăn, sửa sang đình_miễu, giúp đỡ người nghèo khổ, già cả...còn biết bao việc mà tôi không nhớ nỗi, nhưng trong lòng tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm những chuyện đó. Còn ở môi trường mầm non, chả lẽ tôi làm từ thiện cho nhà nước, bởi lẽ lương thì không có bao nhiêu mà gia đình thì gần như tan nát vì bổn phận làm vợ, làm mẹ mà bỏ bê nhà cửa, chồng con như đang làm giám đốc vậy. Mọi người hãy đối xử bình đẳng, quan tâm tới chúng tôi nhiều hơn.



guest
GVMN
Ngày gửi: 3/7/2016 4:15:45 PM


Bản thân cũng là một cấp dưỡng trẻ tuổi có bằng 12 ma làm công việc này cảm thấy rất xấu hổ và nhục nhã khi có ai hỏi: Lương m bao nhiêu một tháng?
đồng lương thì ít ỏi ngược lại còn bị cắt tiền này tiền nọ, giống như làm dâu trăm họ.




guest

Hãy bình tỉnh khi đánh giá vấn đề!
Ngày gửi: 5/23/2016 2:44:15 PM

Trong cuộc sống này, chỉ khi nào làm chuyện xằng bậy, vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm thì người ta mới cảm thấy xấu hổ và nhục nhã trước gia đình, bạn bè và xã hội. Tôi không nghĩ là bạn GVMN và những người bạn của bạn không cảm nhận được điều đó để cho rằng công việc làm cấp dưỡng ở trường mầm non của bạn "là rất xấu hổ và nhục nhã". Theo tôi, đó cũng là một nghề cao quý.
Con gái tôi năm nay vào lớp 6. Từ lúc 3 tuổi cháu đã ăn cơm ở trường cho tới hết lớp 3 - tức là ăn cơm của cô cấp dưỡng hết 6 năm mà tôi thấy có sao đâu, các cô bảo mẫu, cấp dưỡng vẫn chăm sóc, lo lắng cho các cháu rất chu đáo, tăng cân hợp lý!
Thu nhập của người cấp dưỡng, theo tôi không phải là chuyện khó giải quyết, cũng không phải do nhà nước chi trả mà do Ban Giám hiệu trường quan tâm, giải quyết hợp tình hợp lý - kể cả trong thời gian các cháu nghỉ hè.
Ban Giám hiệu trường cần xem xét, tính toán, cân đối các nguồn thu, nguồn chi, trên cơ sở đó lấy ý kiến thống nhất trong phụ huynh học sinh
mức phụ thu cần có để hỗ trợ cho các cô cấp dưỡng, bảo mẫu đảm bảo công khai, minh bạch. Tôi tin rằng 100% phụ huynh học sinh sẽ đồng ý.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trẻ có cơ hội phát triển toàn diện (9/12)
 Tại các trường mầm non: Thiếu đồ chơi, bé xem phim cho... đỡ buồn! (8/12)
 Phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi: Bài toán khó (8/12)
 Chuyện lạ ở Ngàn Ván (3/12)
 Dạy học toán qua chuyện kể (26/11)
 Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc (24/11)
 Tôi đi làm cô nuôi dạy trẻ (23/11)
 Giáo viên khốn khổ vì bị giữ bằng gốc (20/11)
 Bức tranh đời sống giáo viên mầm non (18/11)
 Mẫu giáo lớn của Mỹ cũng dạy học trước ( phần 2 ) (17/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i