Giáo dục mầm non
   Chuyện lạ ở Ngàn Ván
 

Cô và trò cùng vui múa hát.
Trên đỉnh một quả đồi thấp, nhiều cây xanh, thoáng mát ở thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) có một lớp mẫu giáo với 20 cháu từ 16-36 tháng tuổi do cô giáo Nguyễn Thị Ngân phụ trách. Từ khi lớp học được xây dựng (năm 1999) đến nay, các cháu nhỏ ở đây được cô Ngân chăm sóc, nuôi dưỡng như mẹ hiền.

Cũng từ ngày ấy, cô dành hết phần lương và phụ cấp của mình để hỗ trợ các cháu ăn học. Và điều đáng nói hơn cả là khu đồi này, hai mái nhà xây cho các cháu đến học, vui chơi cũng là của cô Ngân hiến tặng.

Xe mới đến chân dốc, tôi đã nhìn thấy một người phụ nữ dáng cao gầy, tay vịn vào cánh cổng của khoảnh sân nhỏ trước cửa lớp học. Cánh cổng được làm bởi những thanh gỗ mỏng ghép lại trông khá xinh xắn. Chung quanh người phụ nữ là bọn trẻ, chừng 5-6 đứa... "Ðó là cô giáo Ngân", cô giáo Thảo ở Trường Mầm non An Dương - người dẫn đường cho tôi giới thiệu.
- Các con chào chú đi! Cô Ngân vừa nói, vừa mở cổng đón khách.
- Con chào chú ạ! Tất cả bọn trẻ ngoan ngoãn khoanh tay trước ngực đồng thanh đáp.

Khu lớp học có hai dãy nhà cấp bốn, một dành cho các cháu học tập, một để các cháu ăn, ngủ qua trưa. Bao quanh lớp học là bức tường cao chừng một mét. Bên ngoài, những hàng cây bạch đàn đang rì rào, đung đưa trong gió...

Trước khi về Ngàn Ván, tôi được các cô giáo trong Ban giám hiệu Trường Mầm non An Dương nói về cô giáo Ngân, trong tôi trào dâng niềm xúc động, cảm phục. Bây giờ, mắt thấy, tai nghe, tôi lại càng hiểu rõ hơn về cô, về lớp học tình thương ở một vùng quê nghèo này. Cô Ngân kể: Từ nhỏ, tôi đã thích làm việc hiếu nghĩa. Năm 1988, thấy nhiều trẻ trong thôn chưa được đến lớp, tôi nảy ý định mở lớp mẫu giáo tại thôn để giúp những gia đình khó khăn. Thế nhưng, tôi mới học hết lớp 5 làm sao có thể dạy dỗ các cháu. Suy đi tính lại, tôi quyết định xin đi học bổ túc văn hóa rồi trung cấp mẫu giáo tại chức.

Học xong trung cấp mẫu giáo năm 1998, cô Ngân xin về Trường Mầm non An Dương với nguyện vọng được dạy học tại thôn mình. Lúc ấy, ở Ngàn Ván chưa có lớp học mẫu giáo. Các trẻ trong thôn muốn đi học phải ra khu trung tâm của Trường Mầm non An Dương, cách đó chừng ba cây số. Bởi vậy, nhiều trẻ ở Ngàn Ván không đến lớp được. Trước tình cảnh đó, cô Ngân thấy áy náy trong lòng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô xin phép mẹ và thông báo cho các anh, chị em trong gia đình hiến tặng một phần đồi cây của mình để làm lớp học. Ðồi cây này là "vốn riêng" của cô. Kể từ ấy, lớp học tình thương ở Ngàn Ván do cô Ngân dựng lên trở thành "khu lẻ" của Trường Mầm non An Dương.

Tôi hỏi:
- Mấy dãy nhà dùng làm lớp học đều là của cô?
- Ðúng vậy. Lúc đầu chỉ có một căn nhà cấp bốn nhỏ. Vài năm sau, các cháu đến học đông, tôi vận động những nhà hảo tâm trong xóm, ngoài xã góp công, góp của để mình làm thêm một nhà nữa. Tôi không có chồng con, nên không bấn bíu chuyện gia đình. Sau khi hiến tặng nhà, tôi về ở với mẹ. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hai mẹ con sống với nhau cũng vui.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và cô Ngân thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng trẻ nô đùa ngoài sân. Có trẻ còn ùa vào lòng cô mà hờn dỗi. "Cuộc sống người dân nơi đây khó khăn lắm. Nếu phải đóng góp cao, họ không thể cho con đi học được", cô Ngân vừa cúi xuống bế đứa trẻ với chiếc áo ngắn cũn cỡn, vừa nói.

Tôi băn khoăn:
- Vì thế, từ ngày có lớp học này, cô không nhận lương và các khoản phụ cấp khác?
- Tôi vẫn nhận nhưng trừ hết vào tiền mua đồ dùng học tập, tiền học phí và thức ăn cho các cháu. Mỗi cháu chỉ phải đóng 80 nghìn đồng/tháng.

Ðang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp vài kiểu ảnh về các cháu, tôi đột nhiên thấy một người đàn ông gầy có nước da ngăm đen phóng xe máy đến cổng lớp học. Qua câu chuyện, hóa ra đó là anh Chung, em trai cô giáo Ngân. Anh Chung đã làm Trưởng thôn Ngàn Ván hơn 10 năm nay. Thôn có 116 hộ, 50% là gia đình người công giáo, trong đó có gia đình anh. Như thể khẳng định suy nghĩ, việc làm từ thiện của chị gái mình, anh Chung bảo: Bố mẹ cô Ngân sinh được bảy người con. Cô là thứ tư trong gia đình. Các anh, chị em đều trưởng thành và ra ở riêng.

Sực nhớ ra cô Ngân đang bị bệnh hiểm nghèo mà Hiệu trưởng Trường Mầm non An Dương Nguyễn Thị Tâm nói với tôi trước đó, tôi liền hỏi:
- Dạo này, sức khỏe cô thế nào?

Cô Ngân cười hiền:
- Sức khỏe tôi khá hơn rồi. Dịp này năm ngoái, tưởng mình không đến lớp được nữa. Căn bệnh tim, thận hành hạ tôi dữ quá. Chẳng hiểu sao mình qua khỏi, lại ra đứng lớp. Không đến lớp, tôi nhớ bọn trẻ lắm.

Quan sát lớp học, tôi thấy có đầy đủ đồ dùng học tập cần thiết, chỗ thì bố trí vài chậu cây cảnh, chỗ lại xếp mấy con búp bê xinh xắn, nơi thì để rổ đồ chơi cho các cháu... Nếu so với những lớp học ở trường mầm non tư thục hay lớp học của khu trung tâm Trường Mầm non An Dương thì đồ chơi ở đây không đa dạng, phong phú bằng. Tuy nhiên, nếu so với công sức của cô Ngân bỏ ra từ việc dành dụm những đồng lương ít ỏi, rồi đi vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để mua sắm từng món đồ chơi cho các cháu thì giá trị của chúng lại lớn hơn nhiều. Có lẽ do hết lòng vì các cháu thân yêu, cô giáo Ngân đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của ngành giáo dục. Ðặc biệt, năm 2007, cô được Bộ Giáo dục và Ðào tạo trao cúp lưu niệm "Vì tương lai con em chúng ta". Ông Trịnh Minh Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Yên nhận xét: "Cô giáo Ngân là một tấm gương tốt, xứng đáng được biểu dương".

Có sự độc đáo ở đây là, để lớp học cô Ngân không phải "đóng cửa", mọi người thân trong gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cô. Em gái tự nguyện ra làm "đầu bếp" không công; cháu gái con anh trai đang học cao đẳng mầm non cũng thỉnh thoảng tới giúp cô. Thậm chí mấy năm trước, mẹ cô đôi khi thấy các cháu quấy khóc cũng khóa cửa, chống gậy lên dỗ, ru cho các cháu ngủ... "Chúng tôi rất tin tưởng gửi con đến lớp học này. Nhờ có cô Ngân mà bọn trẻ ở Ngàn Ván được chăm sóc cẩn thận hơn", chị Nguyễn Thị Tuất, một phụ huynh của lớp học nói.

Hiến đất, hiến nhà làm lớp học, dành hết phần lương và phụ cấp của mình cho các cháu, rồi cả em gái, cháu gái và mẹ già tự nguyện đến chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ ở lớp tình thương này suốt 10 năm qua. Ðến cả em trai hiện đang làm trưởng thôn, bận nhiều việc làng, việc xã cũng thường xuyên qua lại động viên cô. Những việc làm trên thật đáng trân trọng. "Tôi chỉ mong có sức khỏe để dành hết tâm sức chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Nếu tới đây, cấp trên có chủ trương đầu tư xây dựng khu lớp học này khang trang hơn, tôi sẵn sàng hiến thêm đất để mở rộng trường lớp", cô Ngân bày tỏ tâm nguyện của mình khi tiễn tôi đến tận chân con dốc...

Theo Báo Nhân Dân

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dạy học toán qua chuyện kể (26/11)
 Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc (24/11)
 Tôi đi làm cô nuôi dạy trẻ (23/11)
 Giáo viên khốn khổ vì bị giữ bằng gốc (20/11)
 Bức tranh đời sống giáo viên mầm non (18/11)
 Mẫu giáo lớn của Mỹ cũng dạy học trước ( phần 2 ) (17/11)
 Quan sát người Mỹ dạy 'mẫu giáo lớn' ( phần 1 ) (16/11)
 Hải Phòng: Nhiều trường mầm non “nợ chuẩn” (14/11)
 Giáo viên bậc mầm non quá tải giờ làm (12/11)
 Trường mầm non đang bị “xà xẻo” (11/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i