Khi được hỏi: "Lớn lên con muốn làm gì?", câu trả lời của trẻ thường nhắm vào những nghề thuộc giới trình diễn, dễ nổi tiếng: ca sĩ, người mẫu, vận động viên đỉnh cao... Cha mẹ nên có thái độ thế nào?
Tại sao ngày càng nhiều trẻ muốn trở thành ngôi sao?
Trẻ luôn có nhu cầu mơ mộng, để trí tưởng tượng bay cao, mơ ước làm những nghề phi thường như: nhà thám hiểm, nghệ sĩ, cầu thủ tiếng tăm... Điểm mới ở đây: trẻ muốn thành đạt nhanh và được mọi người ngưỡng mộ. Ước muốn ấy sinh ra và được củng cố bởi các phương tiện truyền thông.
Trẻ luôn có nhu cầu mơ mộng, để trí tưởng tượng bay cao, mơ ước làm những nghề phi thường
Trẻ không nhất thiết muốn kiếm được nhiều tiền, có quyền lực hay để thỏa mãn nỗi đam mê, mà muốn trở thành trung tâm, thu hút mọi cái nhìn, được ái mộ. Trẻ không ý thức con đường mà các ngôi sao phải qua để đến được đỉnh cao. Tóm lại, trẻ chỉ thấy đích, không nhìn ra phương tiện.
Yếu tố nào thúc đẩy trẻ có ý nghĩ như vậy?
Nhiều hoàn cảnh đưa đẩy trẻ có cách nghĩ và lập luận như trên. Một trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khó, trắc trở, bị thu hút bởi thế giới chói chang, xem đó là lối thoát lý tưởng. Một trẻ thiếu tự tin, bị người xung quanh xem thường, mơ đến một cảnh sống mà giá trị của trẻ được nâng cao, được xem trọng.
Một lý do khác: cha hay mẹ buộc trẻ theo một hướng đi mà họ không với tới. Trong trường hợp này, trẻ bị tước mất cuộc sống riêng, làm theo ý muốn của cha mẹ. Hệ quả thường nặng nề, đầy bi kịch, nhất là khi trẻ bị thất bại.
Cũng có những trẻ miệt mài đeo đuổi một ngành mà trẻ say mê, đạt được một vị thế cao qua bao năm dài làm việc với nghị lực, ý chí bền bỉ. Những trẻ này theo đuổi một mục tiêu cá nhân thật sự.
Có cần hãm nhiệt tình của trẻ?
Thật hay khi trẻ đầu tư vào những hoạt động ngoài việc học. Điều ấy giúp trẻ khám phá những thế giới khác và tìm ra môi trường phù hợp. Nguy hiểm duy nhất: trẻ hoàn toàn bị hút hồn bởi ước mơ, đâm thờ ơ với kết quả học tập và nhanh chóng bỏ bê việc học, dành mọi nỗ lực cho sự thành công theo ý muốn. Trong trường hợp trên, người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu, trẻ cần một học lực nền tảng để có thể vươn lên trong cuộc sống, và xét nghị lực mà trẻ tỏ rõ trong lĩnh vực mơ ước, trẻ có thể dành một phần nhỏ cho tri thức, học vấn.
Hơn nữa, cha mẹ nên giữ một thái độ tích cực trong việc xem TV của trẻ. Họ phải có ý kiến về những gì diễn ra trong một chương trình, như trận đấu thuộc Cúp bóng đá thế giới hay một giải thưởng, rằng những nhân vật ấy có tài năng, may mắn và họ làm việc nhiều để đạt thành công. Tóm lại, không để các khán giả nhỏ tuổi trong nhà bị lôi cuốn bởi những hình ảnh lấp lánh mà không có khoảng lùi đánh giá hay lượng sức.
Có cần giúp trẻ quay về thực tại?
Nếu trẻ khăng khăng tin rằng nó sẽ trở thành nhân vật sáng chói trong một lĩnh vực, dù nỗ lực của nó không giúp đạt kết quả, người lớn có nên làm vỡ giấc mơ ấy? Trẻ thường không nhận ra những hạn chế của chúng, vì vậy không gì có thể buộc chúng dừng lại những dự định. Dần dần, trẻ sẽ ý thức được thực tế như thế nào. Cha mẹ không nên can thiệp quá sớm vì họ có thể lầm, trong khi cuộc sống sẽ có cách giúp trẻ nhận ra kịp lúc.
Theo Tin Tức