Xã hội
   Khổ vì thiếu đủ thứ
 

Khu đất để xây dựng trường học tại dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn để hoang. Ảnh: X.L.
Khổ nhất là trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhưng không có trường để học. Các chủ đầu tư tại KĐT đều "ngại" đầu tư xây dựng trường học, nếu có thì lại là trường dân lập, học phí cao.

Học sinh ở ngay thành phố lớn mà đường đến trường cũng không kém gian nan bởi ùn tắc giao thông.

Thiếu trường học
KĐT mới kiểu mẫu Linh Đàm (Hà Nội) đến nay có hơn 10.000 dân, vậy mà vẫn chưa có trường học công lập từ cấp mầm non đến bậc học phổ thông. Vì vậy, hơn 70% số dân vẫn thuộc diện KT2 dù đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở, nhưng không muốn chuyển hộ khẩu về KĐT vì muốn duy trì chỗ học cho con. Đáp ứng nhu cầu của người dân, các trường dân lập đã ra đời, nhưng giá tiền học quá cao (từ 1.500.000 - 2.000.000 đồng/tháng/cháu).

Vì vậy, nhiều hộ gia đình buộc phải cho con học tại trường xa nơi sinh sống. Đầu năm 2009, có thông tin một trường học sẽ được xây dựng tại KĐT này, người dân khấp khởi mừng thầm, nhưng khi Cty xây dựng Bảo Phát - chủ đầu tư - cho biết đó là Trường quốc tế Bill Gates thì người dân lại thở dài, vì không phải ai cũng có điều kiện cho con vào học trường quốc tế.

Dự án đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) có tới 23 toà nhà đã đi vào hoạt động, nhưng tuyệt nhiên không có trường học, toàn bộ khu đất dành cho trường học cỏ mọc xanh um. Ông Trịnh Cao Khải - Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 38 - bức xúc: "Nơi đây chưa có đầu tư về giáo dục. Toàn bộ khu này không có trường học nào. Không biết bao giờ các hộ dân nơi đây mới hết cảnh gửi con tạm bợ".

Trong tình trạng "không còn lối thoát", nhiều hộ dân KĐT Định Công (Hà Nội) buộc phải ngậm ngùi gửi con vào trường mầm non tư thục với giá từ 1.400.000 - 2.000.000 đồng/tháng/cháu, vì KĐT này chưa có trường công lập. Nếu không có tiền gửi các cháu vào trường tư thục, buộc các gia đình phải gửi con ở các trường công lập xa khu vực sống.

Khu tái định cư (TĐC) Thạnh Mỹ Lợi (TPHCM) nằm giữa một cánh đồng bát ngát. Đây là một trong những khu TĐC lớn nhất (6,4ha), đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng với 1.200 căn hộ. Khu TĐC này đang tiếp tục mở rộng. Mặc dù đã đưa vào sử dụng khoảng 2 năm, thế nhưng khi đến khu TĐC này vẫn có cảm giác giống một công trường hơn là một khu dân cư hoàn thiện và hiện đại.

Cơ sở hạ tầng xã hội ở đây gần như chưa có gì. Hệ thống trường học thì mới chỉ có 1 trường mẫu giáo là đã đưa vào sử dụng. Trường THCS đang xây dựng, còn trường THPT thì chưa thấy bóng dáng.

KĐT Trung Hoà - Nhân Chính là KĐT được xem là "có tiếng" ở Hà Nội, nhưng với hàng nghìn hộ dân sinh sống, chủ đầu tư cũng chỉ xây dựng được một trường mẫu giáo và trường phổ thông đủ 3 cấp, nhưng mức học phí thì nhiều người dân lại không đáp ứng nổi. KĐT Mỹ Đình có tới 3 trường học, nhưng đều là trường dân lập có mức học phí rất cao, trong đó có một trường quốc tế nên học sinh đành tìm trường vừa mức thu nhập của bố mẹ.

Không chợ, siêu thị, bệnh viện, vườn hoa
Một trong những khu "3 không" (không bệnh viện, không siêu thị, không chợ) là dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội). Ngay chợ cóc tự phát trong khu dân cư này cũng đang dự kiến bị giải toả. Nhiều người dân lo lắng chưa biết đi chợ ở đâu? Theo ông Trịnh Khải - P610 No 4: "Khu này gần như biệt lập với các khu dân cư khác, nằm gần đường cao tốc, nếu không có chợ, bệnh viện, trường học thì không khác gì ở ngoài ốc đảo".

Những người dân KĐT Đền Lừ (Hà Nội) mong muốn khu vực mình sống có BV, siêu thị để tiện sinh hoạt. Ông Quách Đức Trí - P910 khu A4 - nói: "Với đúng nghĩa xây dựng nhà phục vụ cho tái định cư nên chất lượng các công trình xuống cấp nghiêm trọng. Ơ đây không có trạm xá, bệnh viện, siêu thị như tiêu chuẩn đã quy định".

Khác với bản thiết kế có vườn cây xung quanh, nhưng đến nay toàn bộ khu phía trước, phía sau toà nhà CT8, CT9 Định Công đã cho thuê kinh doanh, tuyệt nhiên không có khuôn viên, vườn cây. Ông Trần Mạnh Cường - Tổ trưởng TDP 52 khu CT9 Định Công - cho biết: "Khi chúng tôi mua nhà, chủ đầu tư vẽ ra nhiều viễn cảnh: Nào là có trường học, cây xanh, vườn hoa, hệ thống chợ, siêu thị đầy đủ. Họ còn khẳng định sẽ dành từ 10 - 12% tổng diện tích cho dịch vụ công cộng. Đến nay, không có cả vườn hoa, công viên, trường học".

Bà Phạm Thị Thục (Tổ trưởng TDP B11A khu ĐT Nam Trung Yên) cho biết: "Dân TĐC chúng tôi về sinh sống đã 4 năm, nhưng không có hệ thống chợ hay siêu thị. Trước đây, người dân tổ chức chợ cóc tự phát ngay dưới sân, nhưng bị BQL cấm, nên phải đi chợ rất xa, hoặc lập quán tại các chiếu nghỉ ở cầu thang, với nhiều mặt hàng như: Thịt, rau, gạo, tạp phẩm...

Đặc biệt, còn có những hộ kinh doanh cơm bình dân, bún, phở ngay tại nơi cư trú, nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như nguy cơ cháy nổ cao, mất vệ sinh...

Tại TPHCM thì nước sinh hoạt cũng phải chờ. Trong số 13 hộ dân thuộc dạng tạm cư nhiều năm để chờ TĐC đã bốc thăm chọn nền nhà tại khu TĐC 17,5ha nằm trong phạm vi 2 phường An Phú và An Khánh. UBND quận 2 đã bàn giao nền cho 8 hộ, nhưng các hộ này vẫn chưa thể xây dựng nhà. Năm hộ còn lại không đồng ý nhận nền vì khu TĐC chưa có nước để phục vụ cho việc xây nhà.

Ông Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố - bức xúc: "Không có nước để xây dựng nhà, người dân chưa chịu nhận nền TĐC là đúng và rất xác đáng. Sao UBND quận 2 lại cắt tiền tạm cư của dân?".

Lãnh đạo UBND quận 2 thừa nhận: "Hầu hết các khu TĐC trên địa bàn quận đều chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, chẳng hạn như đường sá, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại, khu công viên cây xanh... Điển hình cho tình trạng này là các khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi diện tích 6,4ha và phường Cát Lái diện tích 50ha.

Theo Lao Động

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quá tải học sinh lớp 1 (26/10)
 Chất xơ trong sữa có thể gây dị ứng? (26/10)
 Nghề bảo mẫu ( phần 5 ) (26/10)
 TP.HCM: Cấm thu tiền phụ huynh chuẩn bị 20/11 (23/10)
 25% trẻ em tại Mỹ có khả năng bị nhiễm cúm A/H1N1 (23/10)
 Nghề bảo mẫu ( phần 4 ) (23/10)
 Giáo viên 'được' mua sữa trừ lương? (23/10)
 HÀ NỘI: Một số trường trả lại tiền thu sai đầu năm (23/10)
 Ngừng cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi (22/10)
 Ngậm núm vú giả có thể khiến trẻ chậm nói (22/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i