Xã hội
   Nghề bảo mẫu ( phần 4 )
 

Bảo mẫu cho các bé ăn tại một trường mầm non (ảnh minh họa) - h: H.HG.
Những kiến thức mà tôi học được ở lớp đào tạo bảo mẫu cấp tốc, nào là cách chơi đùa với bé, cách giúp bé ăn ngon miệng, tập cho bé đi "ị" đúng giờ... đều khác xa với thực tế lúc tôi đi làm bảo mẫu.

Vì khi đi làm, tôi phải một lúc chăm sóc, lo chuyện ăn ngủ, đi vệ sinh của hai chục đứa trẻ ở độ tuổi chưa biết gọi cô khi muốn đi "ị".

Phải đến khi vào nghề, tôi mới biết để làm bảo mẫu, tay nghề và sự nhẫn nại, cam khổ là những yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, chỉ cần có kinh nghiệm chứ không cần bằng cấp, đó là tiêu chí tuyển bảo mẫu của hầu hết chủ trường mà tôi đến làm việc.

Phản xạ
Là bảo mẫu, tôi phải có mặt ở trường từ 6g sáng và ra về lúc 18g30. Cả ngày, công việc của tôi và các cô bảo mẫu khác cứ xoay vòng đều đặn: cho ăn, lau nhà, giặt đồ, dọn phân, đổ bô rồi lại cho ăn, lau nhà...

Trong ngày đầu tiên làm việc, tôi đã hình thành được phản xạ là hễ thấy mấy đứa trẻ "dính" chặt vào nhau thì phải ngay lập tức lôi mỗi đứa ra mỗi đường. Chỉ cần chậm tay thì thế nào cũng có đứa khóc ré lên vì bị bạn đánh hoặc tay chân đầy vết cắn, cào của bạn.

Trẻ giật tóc, đánh nhau sơ sơ còn đỡ, chứ vết cào, vết cắn, xước da và những vết thâm bao giờ cũng là bằng chứng để phụ huynh đến rầy rà chủ trường. Và bảo mẫu chúng tôi sẽ bị la rầy, cằn nhằn hết ngày này sang ngày khác hoặc thực tế hơn là bị trừ một, hai ngày lương.

Một phản xạ nữa mà tôi phải học là khi có bé bị ói. Theo kinh nghiệm của các đồng nghiệp, khi bé bị ói phải lập tức sừng sộ và quát bé thật to để bé giật mình thôi ói, hoặc đánh vào đùi bé để bé quên ói và lần sau biết sợ không ói nữa.

Nhưng thực tế tôi lại thấy mỗi lần các bé đang ói mà bị đánh thì đều khóc to hơn, vừa khóc vừa nấc nên ói nhiều hơn chứ không phải vì sợ mà ngưng ói như kinh nghiệm của các cô. Phần sữa bố mẹ gửi cho các bé trong túi xách nếu bé nào chịu uống thì cô bảo mẫu cho uống, còn bé nào khó uống thì cô này lấy sữa ra cho vào một hộc tủ riêng của cô để khi gửi túi xách về thì bố mẹ nghĩ là con mình đã uống sữa ở trường.

Cô Thủy, một đồng nghiệp của tôi ở một nhà trẻ mang tên "Mầm non tư thục chất lượng cao V" (P.15, Q.11), hướng dẫn tôi vào nghề: "Lớp này có mấy đứa lỳ lợm lắm. Muốn nó ăn phải cho nó nhịn một bữa cho biết thế nào là đói. Nhớ là có đánh thì đánh vào lòng bàn tay hoặc mông, đùi, không thì lấy cái gối, con thú bông mà đánh, không bố mẹ nó phát hiện rồi bị la thì ráng chịu".

Giờ ngủ trưa của các bé một lớp mầm non tư thục tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh minh họa - Ảnh: H.HG.

Trẻ nào lì lợm, không chịu ăn sẽ bị bỏ đói một bữa để bữa tiếp theo chịu ăn. Trong lớp có một bé lúc nào cũng khóc đòi mẹ và đòi tôi phải bế lên mới chịu nín, cô Thủy dứt khoát: "Cứ thả nó xuống nền cho nó khóc lúc nào mệt khắc nín. Không được bế đứa nào nhiều vì sau này cô nghỉ nó sẽ đòi. Lúc cho ăn cũng thế, không được tập trung cưng nựng một đứa làm nó quen, sau này người khác cho ăn nó sẽ không chịu".

"Tiểu xảo"

Phụ huynh đến đón, cô chủ trường trực tiếp trả các bé, trước khi trả còn hôn vào hai má từng bé.

Cô dặn phụ huynh của một bé trai: "Hôm nay cháu ăn được lắm, nhưng chị về kiểm tra hệ tiêu hóa của cháu vì tôi để ý thấy phân của cháu có màu hơi trắng so với các bạn" (bé này hồi trưa vừa bị đánh, bị ói và bị đổ mất phần ăn trưa).

Khi phụ huynh thắc mắc về một vết hằn trên đùi bé (là vết đánh bằng thước của cô bảo mẫu trong bữa trưa), cô chủ trường liền chỉ vào một thằng bé khác đang chờ bố mẹ và giải thích: "Thằng nhóc kia hư lắm, cứ nhè lúc các cô không để ý là nó lấy đồ chơi "uýnh" bạn, để mai cách ly nó khỏi các bạn khác".

Nói là nói vậy nhưng tôi chứng kiến thấy cô Thủy hay thiên vị và lo chu đáo cho một vài bé, như tắm rửa sạch sẽ, giữ cho bé không bị các bạn đánh, dỗ dành khi cho ăn chứ không mắng chửi, nếu có ói ra cô sẽ đút ăn lại cho đủ bữa. Tiếp cận vài ngày cô Thủy mới giải thích: "Đứa nào phụ huynh "gửi gắm" thì mình quan tâm thôi, còn lại thì cứ mặc kệ miễn ngày cho ăn đủ bữa. Sức đâu mà lo cho cả mấy chục đứa".

Thủy cho biết mỗi tháng phụ huynh các bé này "gửi gắm" mỗi bé 50.000đ-100.000đ. Cô kể: "Nghe bảo những trường khác người ta còn gửi nhiều hơn nên bù vào lương cũng đỡ. Chứ đồng lương thế này làm sao đủ sống. Bố mẹ có điều kiện một chút thì thấy sụt ký là lo lắng, con nhà nào nghèo thì sụt ký chứ ốm đau đi nữa cũng chịu, chẳng có tiền "boa" cho cô đâu, vì có chỗ gửi con để đi làm là may lắm rồi". Ở trường này lương bảo mẫu 1,3 triệu đồng/tháng, lương thử việc của tôi 1,1 triệu. Tôi và cô Thủy đều là dân ở thuê, riêng tiền nhà trọ đã 400.000- 500.000đ/tháng, chỉ còn non 1 triệu để sinh hoạt và dành dụm.

Tại Trường mầm non TH (Tân Phú), thỉnh thoảng bảo mẫu chúng tôi phải cho trẻ ăn cố vì cô cấp dưỡng nấu dư quá nhiều, nếu bị chủ trường phát hiện sẽ bị phạt trừ lương. Có trẻ bị bắt ăn tới hai tô cơm vào buổi trưa, ăn nhiều quá nên ói ra cả. Còn bao nhiêu chúng tôi phải đem đổ xuống cống để "phi tang". Ngay cả khi trẻ không chịu ăn thì tô của trẻ sẽ đổ đi để không bị chủ trường phát hiện. Các cô bảo mẫu sẽ cho trẻ ôm bụng đói đi ngủ vì không đủ sức dụ trẻ ăn tiếp khi đã tới giờ ngủ.

Ở trường này, tôi khá ngạc nhiên vì khăn lau của các bé màu trắng, dùng để lau người, lau thức ăn vương vãi, lau đồ ói và có khi dùng vệ sinh lúc bé đi tiêu tiểu, nhưng chỉ qua một buổi trưa lại sạch sẽ và trắng tinh như mới.
Một buổi trưa khi ăn xong tôi được giao việc giặt khăn, khăn dơ dáy đủ loại được giặt sơ và ngâm vào một nồi nước sôi. Tôi xả nước và dùng tay lấy khăn ra thì được cô cấp dưỡng chỉ: "Thuốc tẩy đấy, dùng kẹp mà gắp ra cho khỏi ăn tay". Theo đúng quy trình, những chiếc khăn này chỉ được xả thêm một lần nước rồi vắt khô để tiếp tục lau mặt và người các bé.

Khi phụ huynh đến đón các bé là thời điểm quan trọng nhất trong ngày. Dù cả ngày ra sao thì đến chiều các bé vẫn phải tinh tươm, sạch sẽ chờ bố mẹ tới đón về. Xong bữa xế, các bé được cho đi vệ sinh một lần nữa rồi lau người và thay áo quần mới. Lúc này cô chủ trường đã bật nhạc thiếu nhi xập xình và mở phim cổ tích cho các bé xem, không khí rất yên bình. Thay áo xong, các bé được bôi phấn thơm để "khử" hết mùi thức ăn, đồ ói trong ngày.

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

GVMN và Bảo mẫu đều như nhau.
Ngày gửi: 10/23/2009 7:57:04 PM

Hôm nay tôi mới có thời gian lên mạng để đọc những dòng tâm sự đầy thực tế này. Nói ra không phải để nguời khác khen chê cô này cô kia có cái tâm với nghề đâu mà sự thật là như vậy. Tôi là một giáo viên MN tại một truờng chuẩn QG tại HN tôi thấy chị viết chẳng có gì là sai cả. Tôi không biết cái chị nói lên là để chỉ trích cô Thuỷ hay để nguời khác nghĩ mình có tâm hay để XH quan tâm. Tôi nói thật nghề bảo mẫu hay cô giáo mầm non đều như nhau cả thôi vì thực tế cái đáng nói đáng trách là trách bên bộ giáo dục mầm non đã đưa ra những lý thuyết xuông không hợp lý chứ không phải vì các cô không có tâm. Các cô cũng là con nguời cũng chỉ có 2 tay 2 chân chứ sức đâu như trâu bò mà đáp ứng hết 70, 80 cháu ( gấp 3 lần so với số cháu theo quy định) một điều nữa tôi lưu ý với chị là theo quy định về S lớp học là 4 met vuông/ trẻ và 25 đến 30 cháu / 2 cô. Nhưng thực tế không bao giờ đuợc như vậy mà đòi hỏi đủ thứ đòi hỏi cả từ phía phụ huynh lẫn phòng giáo dục sau mỗi lần nghiên cứu xuông và bắt các cô phải thực hiện.Tôi nói thật chỉ cần làm đúng như sách là 30cháu/ 2cô và S lớp học đẩm bảo thì mới có thể quan tâm đến từng cháu đuợc và mới có thể có thời gian làm sổ sách đủ trò đủ kiểu mà bộ giáo dục đưa ra. Thực sự mà nói gnhĩ đến tuơng lai tôi muốn bỏ nghề từ lâu lắm rồi vì nghĩ sau này có gia đình sẽ không có thời gian chăm con cái. Tôi là GV đứng lớp mà cũng phải đi làm từ 7 h sáng đến 18h30 tôi mới đựoc về.Chưa kể tối về còn soạn bài lên tiết làm đồ dùng, thi thố này nọ. Nếu cứ làm đúng theo quy chế như bộ đưa xuống thì chỉ có trâu bò mới có sức làm đuợc. Kể cả đưa ra quy chế cứ thêm 5 cháu sẽ thêm một cô trong lớp là 3 cô. Đấy là ép giáo viên Thật lòng chúng tôi chẳng bao giờ thích 35 cháu 3 cô cả chúng tôi chỉ cần 30 cháu 2 cô là đủ.Vì số cháu thêm nhưng thêm lên đến 30 cháu chứ không phải 5 cháu mà S lớp học không mọc ra. Chỉ cần so sánh thế là đủ hiểu cái nghề mầm non nó khổ cực nhục nhã trăm điều như thế nào. Trong đời tôi luôn ao ước có một ngày chuyển sang được nghề khác thì mới có thời gian cho gia đình con cái. Hehe yên tâm tôi cũng đang có ý định chuyển đây. Bằng cấp quá dặc trưng nên chúng tôi nhảy nghề quá khó. Còn những ý kiến của chị đưa ra so với thực tế tôi thấy cô Thuỷ chẳng có gì sai cả. Ai mở miệng ra cũng nói đến 2 chữ lương tâm. Tôi hỏi chị chỉ có 2 chữ đó chị nhịn ăn nhịn mặc sống qua ngày đuợc không hay con chị phải nhếch nhác không đủ tiền ăn học. Với đồng luơng quá ít ỏi của GVMN mà không thể có một khoản thu nhập thêm nào mọc ra ( muốn làm thêm cũng không có thời gian làm ) thì chị sống kiểu gì trong khi các ngành gnhề khác ngoài XH lại có quá dư thgi để làm thêm ( chính đáng ) và mọi cửa kiếm tiền ( kiểu không chính đáng ).Vậy GVMN mà không như thế thì sống bằng gì chị nhìn xem XH đã quan tâm đến GVMN chưa đã sát sao tới từng hiệu truởng chưa. Luơng tăng vài chục ngàn nhưng giá cả ngoài thị truờng thì tăng gấp 10 làn tiền luơng. Vậy chị sống bằng gì bằng lương tâm chắc. Nguời ta nói "có thực mới vực đuợc đạo" nếu chị không có thực thì làm sao vực được đạo đây? Cái đáng nói là Xh chưa quan tâm đúng mức và chưa sát sao tới các hiệu truởng đúng mức.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo viên 'được' mua sữa trừ lương? (23/10)
 HÀ NỘI: Một số trường trả lại tiền thu sai đầu năm (23/10)
 Ngừng cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi (22/10)
 Ngậm núm vú giả có thể khiến trẻ chậm nói (22/10)
 Nghề bảo mẫu ( phần 3 ) (22/10)
 Văn hóa đi từ gia đình ra xã hội (21/10)
 Giáo dục Mầm non ở ĐBSCL: Hết chỗ để... lùi! (21/10)
 'Học chữ ở bậc tiểu học chỉ đứng hàng thứ tư' (21/10)
 BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi: Trẻ lại bị làm khó (21/10)
 Nghề bảo mẫu ( phần 2 ) (21/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i