Xã hội
   Nghề bảo mẫu ( phần 2 )
 

11 giờ, chúng tôi bước vào "cuộc chiến" thứ hai trong ngày khi phải cho các bé ăn trưa. Trong vòng hai giờ, chúng tôi phải cho hơn 20 bé ăn xong, tắm rửa để ngủ trưa. Khẩu phần của các bé lớn là một tô cơm với canh thịt nạc bí đỏ, các bé nhỏ hơn là một tô cháo bí.

 

 

Hình chụp lại từ clip trẻ bị đánh vì không chịu ăn tại một lớp mầm non tư thục (Q.Tân Phú, TP.HCM) Càng ói càng phải ăn - Ảnh: L.Trang

Thách thức sức chịu đựng
Cũng giống như bữa sáng, chúng tôi xếp trẻ ngồi theo trật tự vòng tròn hoặc hàng ngang, cô bảo mẫu ngồi giữa sao cho có thể đút liên tục 5-6 bé một lúc. Trật tự như vậy nhưng xem ra tình hình cũng không khá gì hơn bữa sáng. Chỉ có khoảng 10 bé chịu ăn và ăn hết phần của mình. Số còn lại đứa thì kêu khóc, đứa giật tóc, làm đổ phần ăn của bạn. Bảo mẫu chúng tôi tay luôn tay mà vẫn không kịp dọn chỗ đồ ói này, đút cho bé kia, xử lý vụ giằng co nọ.

Để bữa ăn đúng "tiến độ", cô Th. phải xoay như chong chóng, miệng quát tay đút, vừa kết hợp "ký đầu", bạt tai những bé không chịu ăn. Đến giờ nghỉ trưa nhưng một vài bé vẫn ăn chưa xong liền bị cô H., chủ trường, dù chỉ cùng chúng tôi "giúp một tay" song cũng dùng thước đánh liên tục vào lòng bàn tay cho đến lúc bé khóc.

Làm cho bé sợ xong, cô H. bảo các cô bảo mẫu cho bé ăn tiếp rồi lên lầu nghỉ. Giữa bữa ăn thỉnh thoảng lại có trẻ ré lên vì bị cho "ăn" tát. Bé nào bị đánh rồi mà vẫn không chịu ăn thì bị bảo mẫu lôi xềnh xệch vào góc phòng, đè đầu ra và đút liên tục cho đến khi hết tô. Xong được bữa trưa, má và tay một số bé hằn đỏ vết bị đánh.

   
Dùng thước đánh trẻ - Ảnh: Lưu Trang Cô bảo mẫu này mới 21 tuổi, chưa có gia đình nhưng đã phải chăm sóc gần 20 bé mỗi ngày - Ảnh: Lưu Trang

Lúc này có bé khóc mệt quá bắt đầu ói ra sàn, có bé ngủ gật gục mặt vào bát cháo đang ăn dở. Một bé khóc hoài không chịu nín để ăn liền bị cô Th. dắt vào nhốt trong căn phòng tối gần đó (cô H. cho biết đó là phòng y tế dùng khi có đoàn kiểm tra tới, còn bình thường chứa đồ) cho đến khi nín.

Đến 13g, quá mệt và dường như không thể kiên nhẫn hơn nữa, cô Th. thở dốc đưa cho tôi mấy chén cháo còn dang dở và bảo "liệng đi". Tôi còn ngơ ngác thì được hướng dẫn: "Đổ vào bồn cầu rồi xả nước đi kẻo bà ấy (cô H.) nhìn thấy". Những bé vừa ói được thay đồ rồi cho đi ngủ, xem như những bé này nhịn bữa trưa.

Bất giác tôi nhìn lên, trang trọng giữa phòng học của nhà trẻ được trang trí rất màu mè, bắt mắt này là "10 điều quy định cho giáo viên và bảo mẫu", trong đó ghi rõ: "Không được mắng mỏ, đánh đập làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ".
Xong được bữa trưa, tôi và Th. "lờ đờ" vì quá mỏi mệt, thậm chí chúng tôi không đủ sức giật mình khi nghe bé nào đó òa khóc hoặc kêu thất thanh. Đầu óc lu bu vì công việc còn quá nhiều, xung quanh đầy tiếng ồn, tiếng la hét, lo lau dọn chưa xong đã phải đi giải quyết các vụ đánh, cắn, cấu nhau của trẻ. Chỉ một phút không để ý, cháu nào bị bạn cào hoặc muỗi cắn thì ngày hôm sau sẽ phải nghe phụ huynh cằn nhằn đòi cho cháu nghỉ, bảo mẫu sẽ bị trừ lương.

Vừa dụ dỗ vừa dọa chúng tôi mới "bắt" cả lớp chịu nằm yên để ngủ trưa. 13g30, trong khi các bé ngủ tôi với Th. mới được ăn trưa với ruốc, rau muống và canh là nước luộc rau. Thấy tôi bưng chén cơm thở dốc vì mệt, Th. bảo: "Ráng ăn đi, chiều nay còn mệt "phê" nữa đấy".

Đang ăn thì trẻ khóc, tôi và Th. phải thay nhau lên dỗ trẻ để không làm ồn tới các bé khác đang ngủ. Th. kêu đau đầu, nhờ tôi bắt gió giùm rồi lẻn ra ngoài mua thuốc về uống (vì chủ trường không cho phép bảo mẫu ra ngoài trong giờ làm).

Để Th. được ngủ một chút cho đỡ nhức đầu, tôi phải "gánh" giùm Th. công việc đổ bô, chà bồn cầu, lau phòng ăn, tiếp tục cho các bé đi tiêu tiểu và chùi rửa cho từng bé. 3g chiều, chúng tôi tiếp tục cho trẻ ăn bữa xế. Lần này những bé hồi trưa bị nhịn đói ăn nhanh hơn nên chúng tôi đỡ vất vả. Ăn xong, phải cho các bé tiêu tiểu một lần nữa rồi thay áo quần mới, xức phấn thơm để trả các bé cho bố mẹ.

Khi bảo mẫu mang khuôn mặt "phù thủy"
Mỗi ngày có ba bữa ăn sáng, trưa và xế, hầu như bữa nào cũng có trẻ bị đánh, tát hoặc bỏ đói. Trẻ khóc, không chịu ăn thì bị đánh, nhốt vào phòng tối. Trẻ ói bị bảo mẫu cho "sục" mặt vào bát bắt ăn lại đồ ói. Cô chủ trường chỉ nói chuyện bằng bạt tai hoặc thước gỗ... Đó là những hình ảnh tôi ghi lại được tại một nhà trẻ tư thục khác ở Q.Tân Phú, TP.HCM.

Bữa ăn trưa ở trường này luôn hỗn loạn trong tiếng kêu khóc của trẻ và tiếng la mắng của cô bảo mẫu. "Tát cho cái bây giờ", "Mày có im đi không", một đồng nghiệp của tôi ở trường này vừa gào lên vừa đút dồn dập cho các bé cứ chăm chăm ngậm mà không chịu nuốt. Mỗi bữa ăn, cô chủ trường đều đứng khoanh tay theo dõi tiến độ, gắt gỏng: "Nhanh lên, mấy đứa khác đi ngủ hết rồi đấy, cho ăn có chừng đó cũng không xong. Ngày nào cũng như ngày nào, lề mề thấy ớn vậy đó". Một bé khóc dữ quá ọc ra bát, cô bảo mẫu cứ thế đút tiếp cho bé ăn. Bé Đ. ré lên khóc, lập tức ăn thêm một cái tát vào má. Ngay cả cô cấp dưỡng dường như cũng không chịu nổi việc trẻ đã ăn chậm lại còn gào khóc inh ỏi. Cô này vừa bưng tô canh lớn đặt lên bàn vừa "tiện thể" giáng cho các bé ngồi quanh bàn mỗi bé một cái tát đau điếng kèm tiếng quát hằn học: "Sao mày không chịu nuốt đi!", mặc cho các bé ré lên.

Tại một nhà trẻ tư thục khác ở Q.11, tôi cũng chứng kiến những bữa ăn ồn ã và mệt mỏi tương tự. Trẻ quá đông nên tôi và thêm một cô bảo mẫu loay hoay chạy ra chạy vào cũng không lo cho các bé ăn nhanh được. Một bé không chịu ăn mà cứ òa lên khóc, cô này quát lên: "Câm mồm" rồi xách hai tay bé lên khỏi mặt đất, quăng ra sàn. Khi một bé bị ói, cô này liền mắng mỏ: "Cho mày ói đi, ói cho hết đi - cô quát - Sáng giờ tao mệt với chúng mày lắm rồi". Tôi toát mồ hôi, chỉ thầm mong bữa ăn qua mau để tôi và cô bảo mẫu còn lại khỏi phải "lên gân" và được trở về trạng thái bình thường.

Thường lúc hơn 5g chiều, trả hết các bé, tôi và cô bảo mẫu chia nhau lau nhà, dọn bồn cầu, dọn đồ chơi vào các kệ tủ, lau rửa ly chén, giặt khăn lau, khăn trải bàn ăn. Xong hết mọi việc đã là 18g30. Cơ thể rã rời và mệt nhoài, niềm ao ước lớn nhất của tôi lúc đó là được thay bộ đồ đầy mùi mồ hôi và mùi của các bé ra để ngủ một giấc.

Nghĩ đến một ngày làm việc dài đằng đẵng vừa qua, nghĩ đến những cơn ói của chính tôi khi phải đi dọn phân, đổ bô mấy chục lượt, nghĩ đến nỗi mệt mỏi rã rời và cái lưng ê ẩm, và nghĩ đến số lương ít ỏi chưa đến 30.000 đồng mỗi ngày mà mình sẽ được trả nếu làm tròn tháng, tôi chỉ chực trào nước mắt.

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Một trường mầm non 40 tuổi xuống cấp trầm trọng (20/10)
 Họp phụ huynh bên xứ… Mỹ (20/10)
 Nghề bảo mẫu: Cảnh đông con ( phần 1) (20/10)
 Khánh Hoà thiếu 200 giáo viên tiểu học (20/10)
 Trẻ phố đang trở nên phát phì (19/10)
 6 tuổi là thời điểm thích hợp để trẻ em đi học (19/10)
 60 triệu lao động trẻ em ở Ấn Độ (19/10)
 Phấn đấu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (19/10)
 Ở vùng cao Lào Cai, các bà mẹ luân phiên nấu ăn cho trẻ mầm non (19/10)
 Bệnh tay chân miệng hoành hành ở TP HCM (15/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i