Trên đảo Cồn Cỏ có một ngôi trường mang cái tên rất đặc biệt: Trường mầm non Hoa Phong Ba. Trường có hai giáo viên và 12 học trò.
Cô Hoàng Thị Thắm, tốt nghiệp Trường cao đẳng mầm non Đông Hà, xung phong ra đảo làm cô giáo mầm non, là giáo viên đầu tiên và duy nhất lúc đó của đảo. "Ngày mới ra đảo, lớp học không có gì ngoài mấy món đồ chơi bằng nhựa. Mấy cô trò ngồi quây lại một góc giữa phòng rộng thênh thang. Nhìn ra trước mặt là biển cả, sau lưng là núi rừng. Nhiều lúc nhớ đất liền đến quay quắt" - cô Thắm kể.
Giờ đây lớp học đã có xích đu, cầu trượt. Cây cối cũng đã lên xanh quanh trường. Cô Thắm có thêm một đồng nghiệp nữa là cô Hoàng Thị Hiếu.
Đảo Cồn Cỏ không có mạch nước ngọt. Nước sinh hoạt trên đảo được chắt chiu từ những giọt nước mưa quý hiếm. Vì vậy lũ trẻ ở đây ngay từ nhỏ đã hiểu được dòng chữ "nước là vàng" ghi trên các bể nước.
Vừa rửa mặt cho các bé, cô Thắm bộc bạch: "Nước khan hiếm lắm, người lớn mỗi lần tắm phải tắm kỹ bằng nước biển rồi mới dám xối lại bằng 2-3 gáo nước ngọt. Các cháu còn nhỏ nên thỉnh thoảng cô phải dùng khăn lau người cho mát vì không khí ở đây mặn quá...". Có lẽ vì vậy mà trẻ con ở đây đã sớm biết cất lại những chậu nước rửa mặt để tưới cây xung quanh trường. Chúng cũng ít nghịch bẩn để khỏi phải tắm rửa nhiều lần.
Ông Phạm Thanh Bình, phó bí thư huyện ủy, tự hào về thế hệ nhỏ ở Cồn Cỏ: "Các cháu là "hậu duệ" đời thứ nhất của những thanh niên xung phong ra bám trụ và xây dựng đảo. Như hoa phong ba, chắc chắn thế hệ này sẽ là những công dân tương lai gắn bó và xây dựng Cồn Cỏ".
Theo Tuổi Trẻ