Hàng triệu trẻ lớp 1 vừa hớn hở, háo hức lần đầu tiên cắp sách tới trường. Ngồi chưa quen chỗ, quen bạn, quen cô, nhiều đứa trẻ chưa quen cầm bút, chưa nhận nổi mặt chữ, con số mà trong những trang vở trắng đầu đời đã phải nhận điểm 0, điểm 2, 3, 4. Ông bà, cha mẹ xót xa, đau lòng. Mới học lớp 1 mà sao khổ hơn cả lớp 10! Giáo viên thì đổ cho chương trình. Những người biên soạn chương trình lại đổ lỗi cho phương pháp dạy. Chung quy tất cả đổ lên mái đầu trẻ thơ.
Lâu nay, dư luận xã hội "kêu trời" vì trẻ em lớp 1 học quá vất vả. Một tờ báo đã phải mở hẳn một "diễn đàn" mà cũng chưa thể giải tỏa được nỗi bức xúc của phụ huynh ở Hà Nội, TP.HCM. Hàng trăm người làm cha mẹ đều "đồng thanh" lên tiếng: Chương trình lớp 1 quá nặng! Trẻ em mới chân ướt chân ráo vào tiểu học mà đã phải viết chính tả, làm toán. Dù đã được học bán trú 2 buổi ở lớp nhưng tối nào trẻ cũng phải "bò" ra làm bài tập về nhà. Không chỉ đọc, viết, làm toán, các cháu còn phải viết chính tả, làm bài tập thủ công, mỹ thuật.
Quả thật, nếu ai không "nhanh chân" cho con đi học từ mẫu giáo thì giờ đây chỉ còn "cửa" gửi cô giáo dạy kèm, học thêm. Quy định của ngành giáo dục là không được dạy trước chương trình cho trẻ mẫu giáo, song đa số phụ huynh có cả giáo viên đã phải cho con đi học trước "đón đầu". Bởi nếu không thì trẻ học chưa được 1 tháng rưỡi mà vở đã đầy những điểm xấu, điểm kém. Trẻ tủi thân, xấu hổ, tự ti, buồn chán đã đành, song ông bà, cha mẹ còn rầu lòng, bất lực gấp bội. Tội nghiệp các cháu, mới "nứt mắt" ra mà đã phải học cả "Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô". Chưa hết, đầu óc non nớt đã phải "vắt óc" ra "tìm x", tìm 2 số mà cộng lại với nhau ra được kết quả lớn hơn 2 và nhỏ hơn 5. Đến người lớn còn đau đầu huống chi trẻ con.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phụ trách bậc tiểu học, nhấn mạnh: "Trẻ khi vào lớp 1 về mặt kiến thức được phép như một tờ giấy trắng. Nhà trường có trách nhiệm dạy các cháu những nét chữ đầu tiên và phải theo cách các cháu hoàn toàn chưa biết gì". Hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, TP.HCM nêu rõ: Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, cần tạo điều kiện để học sinh hoàn thành bài tại lớp, tuyệt đối không bắt học sinh làm thêm bài tập ở nhà, nghiêm cấm tổ chức dạy thêm cho học sinh. Trong khi đó, ý kiến của giới giáo viên thì cho rằng, chương trình học nặng, lượng kiến thức nhiều, quy trình dạy phức tạp và có quá nhiều bước phải thực hiện nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian, đặc biệt là môn Tiếng Việt rất dễ "cháy" giáo án.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đang nỗ lực giảm tải bằng cách ban hàng bộ chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình để giúp giáo viên cách dạy sao cho học sinh không bị quá tải. Giảm bao nhiêu là đủ và tăng bao nhiêu thì vừa? Nếu tăng thời gian học ở trường chỉ để "nhồi nhét" kiến thức như hiện nay thì chắc chắn sẽ càng "chất" gánh nặng quá tải lên đôi vai trẻ như cánh chim non. Mục tiêu của chương trình là kết thúc lớp 1 trẻ phải biết đọc, biết viết. Tại sao trẻ con nước ta phải học vất vả, khổ sở hơn cả... lớp 10? Liệu trẻ em Việt Nam có giỏi hơn trẻ em ở các nước không? Có bao nhiêu đứa trẻ mỗi sáng dậy, đầu óc sảng khoái, tinh thần phấn chấn, cắp cặp đến trường trong niềm vui được học thêm nhiều điều mới lạ, bổ ích và đầy hứng thú?
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã nhấn mạnh, cách đánh giá, nhận xét của giáo viên khiến học sinh căng thẳng và đè nặng bởi áp lực học tập. Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu giáo viên chú ý đánh giá quá trình tiến bộ của học sinh, quan trọng là đánh giá cuối năm. Ngoài những bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, giáo viên nên hạn chế việc đánh giá bằng điểm số. Trong quá trình dạy, giáo viên không lấy điểm số để gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Kinh nghiệm cho thấy, ở lứa tuổi tiểu học rất cần khuyến khích, động viên, giúp trẻ tự tin. Không ít giáo viên vẫn động viên hoặc phê bình học sinh bằng cách cho điểm. Bản thân ông bà, cha mẹ cũng gây áp lực khi thường hỏi trẻ: "Hôm nay con được mấy điểm?". Hãy thương lấy trẻ thơ! Ngày trước, thời chúng ta học hành đâu có nặng nề, khổ cực như bây giờ.
(Theo ANTĐ)