|
Lớp mẫu giáo công lập mà đơn sơ thế này thì còn rất lâu lớp "trẻ bán trú nông thôn" mới được chuẩn hóa. |
Từ mô hình "điểm giữ trẻ mùa lũ" do các mẹ, các chị ở nông thôn đảm trách với mục đích đơn giản là giữ cho trẻ khỏi bị chết đuối, tỉnh Đồng Tháp đã sáng tạo ra mô hình lớp "trẻ bán trú nông thôn" (TBTNT), mang lại nhiều hiệu quả trong bối cảnh hệ thống trường, lớp hệ mầm non (MN) chưa phát triển.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, mô hình này đã bắt đầu bộc lộ khiếm khuyết. Bà Trần Thị Kim Ngôn - Trưởng phòng MN, Sở GDĐT Đồng Tháp - cho biết:
Hiện toàn tỉnh còn khoảng 43 lớp, với sĩ số bình quân từ 20-22 học sinh/lớp, tập trung ở những vùng ngập sâu. Mô hình lớp TBTNT không chỉ góp phần làm giảm số lượng trẻ em chết đuối trong mùa lũ, mà còn trực tiếp giảm tải cho thầy, cô lớp 1 thông qua việc tập cho các cháu làm quen với chữ cái... Vì vậy thời gian qua, Đồng Tháp đã linh động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ: Giao cho trường MN trên địa bàn theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ; ngoài định mức hỗ trợ hàng tháng (1.050.000 đồng/giáo viên + cấp dưỡng), dành ưu tiên cho người đứng lớp được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm chuẩn hóa chức danh, ngạch lương...
Nhưng thực tế cho thấy, giải pháp này khó thực hiện do phần lớn các mẹ, các chị phụ trách lớp có tuổi đời cao, trình độ văn hóa thấp...
* So với chuẩn về hệ MN mà ngành GDĐT mới ban hành thì những lớp học này không đạt, vậy có mạnh tay "xoá"?
- Đúng là các lớp TBTNT không đạt chuẩn cả về giáo viên lẫn môi trường sư phạm. Giáo dục MN chiếm vị trí nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, về mặt chuyên môn chúng tôi rất lo và bức xúc, nhưng không thể cứng nhắc trong việc đưa ra quyết định "xoá". Bởi nếu không khéo, trong bối cảnh chưa hình thành hệ thống giáo dục MN hay mô hình tương đương thì việc "xoá" này sẽ làm tình hình thêm rối rắm. Nói cách khác lớp TBTNT ở Đồng Tháp đang trong tình trạng "đi không nỡ, ở cũng không xong".
Theo Lao Động