|
Trẻ em là đối tượng luôn được Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Mạnh Dũng |
Mới đây, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em năm 2009-2015. Ngân sách nhà nước dành cho các mục tiêu như giảm tử vong của trẻ dưới 5 tuổi, tai nạn thương tích... năm 2009 là 6.163.000 USD và tăng dần theo các năm 2010 là hơn 7 triệu USD, hơn 11 triệu USD (năm 2011), hơn 15 triệu USD (năm 2012 và 2013) và hơn 17 triệu USD (năm 2014 và 2015).
Chỉ cần thêm 1 đô la cho 1 trẻ sẽ giảm tử vong sơ sinh
Việt Nam đã cam kết đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm từ 35 và 42%o năm 2001 xuống 16.0 và 26.0%o năm 2006. Tỷ lệ này đã giảm và ở mức tương đương với các nước trong khu vực có thu nhập bình quân cao gấp 3- 4 lần. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có tới 28.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó có khoảng 16.000 là trẻ sơ sinh. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 6,5%. 5 nguyên nhân tử vong trẻ em, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tử vong sơ sinh, viêm phổi, tiêu chảy, tai nạn thương tích và sởi. Trong đó, đẻ non, ngạt, nhiễm khuẩn nặng và dị tật bẩm sinh là 4 nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Các bác sĩ VN cho rằng, 4 nguyên nhân gây tử vong sơ sinh có thể phòng tránh được. 75% số tử vong sơ sinh có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản, ít tốn kém (ước tính chỉ thêm 1 đô la Mỹ cho 1 trẻ).
Theo WHO và UNICEF, từ 30 - 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng. Những nơi có tỷ lệ tử vong trẻ em cao luôn đồng hành với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Cho đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều đặn, trung bình mỗi năm khoảng 2,6%; từ mức 31,9% năm 2001 xuống 21,2% năm 2007. Tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng trẻ em đồng đều ở tất cả các khu vực, kể cả nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất là ở vùng Tây Nguyên. Phòng thiếu vitamin A bao phủ được trên 80% trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi nên đã không còn bệnh mù lòa, khô mắt và các biểu hiện lâm sàng do thiếu vitamin A ở trẻ em. Các vấn đề tồn tại trong mạng lưới chăm sóc y tế hiện nay cũng là một rào cản lớn để bà mẹ và trẻ em tiếp cập được các dịch vụ y tế. Đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em ở vùng núi, vùng nông thôn chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản như chăm sóc trước sinh, khi sinh, tiêm chủng hoặc khám, chữa bệnh...
Hơn 91 triệu USD cho chăm sóc sức khoẻ trẻ em
Kinh phí nhà nước đầu tư cho ngành y tế khoảng 6,1% tổng số chi phí hằng năm của Nhà nước. Đây là mức đầu tư thấp nhất so với các nước trong khu vực (Campuchia: 16%; Lào: 8,5%, Trung Quốc: 9,5%). Trong khi đó, WHO và UNICEF tính toán, mức đầu tư cho dịch vụ cơ bản chăm sóc trẻ em cần khoảng 34 USD/năm/trẻ thì mức 7 USD/năm/trẻ của VN là quá thấp. Một khó khăn nữa trong vấn đề đầu tư kinh phí là ngân sách tài chính không phân bổ theo lứa tuổi nên rất khó để biết số tiền dành cho chăm sóc điều trị trẻ em là bao nhiêu. Phần kinh phí cho các hoạt động dự phòng có hạng mục riêng nhưng xếp thành 2 nhóm là sức khỏe bà mẹ - trẻ em - kế hoạch hóa gia đình - tiêm chủng, nhóm chăm sóc sức khỏe ban đầu và học đường nên cũng khó tính được cụ thể kinh phí dành riêng cho sức khỏe trẻ em.
Vì sự sống của trẻ em Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông Vì sự Sống còn của trẻ sơ sinh và trẻ em tại Hà Nội. Đây là chiến dịch toàn cầu nhằm kêu gọi cộng đồng để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt ở các nước nghèo trong đó có Việt Nam. Với thông điệp Chăm sóc sức khỏe trẻ em là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, chiến dịch này diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh Thanh Hoá, Thái Nguyên và Vĩnh Long nhằm cung cấp thông tin về các can thiệp cứu sống trẻ em cho người dân, để họ có điều kiện tham gia tích cực trong việc phát hiện vấn đề, lập kế hoạch can thiệp, thực hiện và theo dõi giám sát tại địa phương mình. |
Theo VH