|
Con cả thường phải chịu kỳ vọng nhiều của cha mẹ. Ảnh: Telegraph. |
Trong mắt tôi - cũng như tất cả các bà mẹ có con lần đầu khác - tôi vừa hạ sinh một đứa bé đẹp nhất, một sinh vật thông minh và đa tài nhất từng biết đi trên trái đất.
Tất cả những bậc cha mẹ tôi biết đều trải qua cảm giác tương tự, vì thế không ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu khám phá rằng phụ huynh quan tâm đến đứa con đầu nhiều hơn so với những đứa khác. Vì sao lại không làm điều đó cơ chứ, chúng ta giờ đây đã có một sứ mệnh mới: lập kế hoạch và hành động, khuyến khích và thúc ép các tiểu thần tài của mình bộc lộ những khả năng siêu phàm của chúng.
Và chỉ thời gian cùng những đứa con khác mới có thể khiến chúng ta tỉnh ngộ. Tôi nhớ lại một ông bố đã đau khổ như thế nào khi phát hiện ra mạch máu trong mắt cậu con trai 4 tháng tuổi: đối với anh ta, đó là dấu hiệu đầu tiên của sự không hoàn hảo không thể chấp nhận nổi.
Trong công trình mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp London kết luận con đầu thường nhận đặc quyền về những kỳ vọng của cha mẹ. David Lawson và giáo sư Ruth Mace đã tìm hiểu 14.000 gia đình, đã so sánh hiện tượng này với chế độ con trai trưởng thừa kế, trong đó người thắng được tất cả, còn những đứa con sau sẽ phải tự mình lo liệu sự nghiệp, kinh tế.
Lawson và Mace cũng nói về thiệt thòi của những đứa trẻ sinh sau và sự thiếu hụt quan tâm của cha mẹ.
Con đầu thường có chỉ số IQ cao hơn vì chúng có nhiều thời gian trò chuyện với cha mẹ. Kết quả là, chúng thường thành đạt hơn trong cuộc sống, nhưng luôn phải lo lắng, chịu áp lực về sự kỳ vọng mà cha mẹ đặt ra. Chán nản, bảo thủ và cảm giác về sự thất bại là cái giá phải trả cho sự quan tâm không công bằng của những người sinh ra họ.
Một bà mẹ cho biết, con trai đầu trong 5 đứa con của chị nhận thấy quả là áp lực khi phải là phần đầu tiên của tất cả các sự kiện trong nhà. Nó đã tìm ra một cách láu cá để đối phó với tình hình này: Nó không chơi bóng, ghét trường học và từ chối tất cả các hoạt động có tổ chức - cho đến khi vợ chồng chị chấp nhận rằng thằng bé sẽ làm những gì mà nó muốn, bất kể cha mẹ có kỳ vọng gì ở nó. Để làm điều này, nó đã nhường vai trò chỉ huy cho đứa em gái kế, và con bé đáp ứng một cách nồng nhiệt hơn với sức ép này.
Thằng bé cũng thú nhận với mẹ rằng nó thích là một đứa con nhỏ hơn trong nhà. Và dường như nó đã đúng. "Những đứa con nhỏ hơn của tôi cảm thấy sống dễ chịu hơn. Từ đó, tôi không cần lo lắng về việc đứa con cả có bộc lộ khả năng xuất chúng hay không nữa. Vì thế chừng nào chúng còn cảm thấy hạnh phúc, và kết quả học tập ở trường không đến nỗi tồi, chúng có thể làm những gì chúng thích. Đó không phải là thiệt thòi".
Theo VnExpress