Không phải bé nào đều bắt đầu ăn dặm đúng tuổi, có những bé do mẹ phải đi làm không thể cho bé bú, nên có thể bé sẽ được ăn dặm sớm hơn.
Có nhiều bé ở giai đoạn sau ăn dặm rất khó khăn trong việc bắt đầu ăn thô như: nuốt chửng khi ăn, nôn oẹ, ăn hay ngậm...Có nhiều nguyên nhân có thể đưa đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu đó là trẻ không được tập ăn dặm hay ăn thô đúng thời kỳ.
Các bác sĩ thuộc Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên : "Đối với những trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường nên cho ăn dặm lúc 6 tháng tuổi. Ở trẻ luôn phản xạ đẩy ra, theo bản năng, trẻ sẽ đẩy ra khỏi miệng tất cả những gì nửa cứng nửa mềm, và bất cứ thứ gì không mềm như sữa mẹ hoặc sữa pha.
Thông thường, trước độ tuổi 4-6 tháng, trẻ còn chưa được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận việc đưa thức ăn nghiền nhừ vào miệng và đẩy chúng tới phần sau miệng. Một lý do nữa giải thích tại sao phải đợi tới 6 tháng mới cho bé ăn dặm, vì ăn dặm sớm liên quan tới chứng béo phì. Về mặt lý thuyết, thực phẩm duy nhất mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời là sữa mẹ hoặc sữa bột".
Cho bé tập ăn dặm thế nào
Khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm, bố mẹ không nên sốt ruột. Việc tập cho bé ăn dặm cần được thực hiện một cách từ từ, chú ý tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, thức ăn tăng dần theo từng lứa tuổi.
* Trẻ từ 5 - 6 tháng :
- Bắt đầu ăn: Nên cho trẻ ăn thử bột loãng (tỷ lệ 1:10) với lượng bột khoảng ½ thìa cà phê.
- Trong tuần thứ nhất : Cho trẻ ăn với lượng 1 thìa cà phê khẩu phần ăn.
- Các tuần tiếp theo tiếp tục cho trẻ ăn bột loãng với lượng như vậy, khi bé đã quen thì bắt đầu tăng từ 1 bữa bột/ngày lên 2 bữa bột/ngày, và sau đó nấu bột đặc dần cho trẻ ăn.
Trong thời gian đầu tập ăn, chủ yếu là cho bé làm quen với thìa và tập nuốt.
* Trẻ từ 7 - 12 tháng:
Sau một thời gian tập ăn dặm, thời kỳ này trẻ đã quen với việc ăn thức ăn thô, và có thể ăn được tất cả các loại thức ăn nhưng cần được nghiền, xay nhỏ. Trong một ngày thực đơn của bé có thể dùng nhiều loại thức ăn chế biến cùng bột hoặc cháo xay nhỏ theo từng thực đơn.
Đến tháng thứ 8, mặc dù bé chưa có đủ răng nhưng bắt đầu có phản xạ nhai, vì vậy thức ăn nấu cho trẻ vẫn cần được nấu nhừ nhưng lại một chút độ thô để kích thích trẻ nhai nuốt.
Tháng thứ 9, đây là giai đoạn trẻ có thể ăn được nhiều món ăn do mẹ nấu mà bé thích. Sau thời kỳ này đến 1 tuổi, trẻ có thể bắt đầu tập ăn cơm nhão, cơm nát và có thể ăn cơm cùng bố mẹ.
Các nhóm thức ăn bổ sung
- Nhóm cung cấp chất đạm : thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đỗ, vừng..
- Nhóm cung cấp tinh bột : gạo, mì, khoai, ngô...
- Nhóm cung cấp chất béo : dầu, mỡ, lạc...
- Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng : rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, mùng tơi, chuối, đu đủ, xoài ....
Số lượng bữa ăn hàng ngày
- Từ 5 - 6 tháng : Bú mẹ là chính + 1 - 2 bữa bột loãng và nước hoa quả.
- Từ 7 - 9 tháng : Bú mẹ + 2 - 3 bữa bột đặc và nước hoa quả.
- Từ 10 - 12 tháng : Bú mẹ + 3 - 4 bữa bột đặc và hoa quả.
Các món ăn cho trẻ ăn dặm theo tuổi
- 3 món bột cho bé bắt đầu ăn dặm
Bột sữa - bí đỏ (Một chén cung cấp 166 calo)
Bột trứng - cà rốt (Một chén cung cấp 150 calo)
Bột đậu hũ - bí xanh (Một chén cung cấp 122,5 calo)
- Ngoài ra, xin giới thiệu một vài món ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, được tư vấn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1.
1. Cháo thịt heo, bí đỏ
2. Cháo thịt heo, cải thìa
3. Cháo đậu hũ, cà rốt
4. Cháo cật heo - cải thảo
5. Cháo đậu hũ - rau đay
Lưu ý: Cách chế biến tất cả các món ăn trên rất đơn giản, dễ làm. Các mẹ có thể vào chuyên mục Ăn ngon của aFamily để tham khảo cách chế biến.
Theo aFamily