Theo "chỉ định" của bác sĩ ở các bệnh viện nhi, sau mỗi lần khám bệnh, người nhà của bé bị suy dinh dưỡng phải ở lại học cách nấu ăn. |
Với tâm nguyện là con sớm 'có da có thịt' và được lớn lên trong tình yêu thương, nhiều ông bố ở TP HCM sẵn sàng đến bệnh viện để học nấu ăn cho con.
Tại phòng học nấu ăn ở Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, nhiều ông bố một tay bế con, một tay xách giỏ, không chịu ngồi ghế mà cứ bồn chồn đứng lên nghe hướng dẫn nấu ăn.
Sau khi buộc "học trò" rửa tay, cô giáo bắt đầu chỉ dẫn cách cắt thịt, phương pháp nếm, sử dụng dầu ăn, cách nấu thịt bò không vón cục...
Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM.
- Từ hàng ghế cuối, anh Thông - bố bé Lan theo dõi từng cử chỉ cắt rau mồng tơi bỏ cọng. Anh Thông (quê ở huyện Đức Huệ, Long An) tâm sự: "Cháu đã 11 tháng tuổi mà nhẹ hều, chỉ có 8kg. Nhìn xót ruột quá! Bà xã quá bận với công việc nên tôi phải học cách nấu ăn để có thể giúp vợ một tay".
Sau khi nấu xong, cô giáo hỏi: "Có ai còn thắc mắc về cách nấu cho bé nữa không?". Vừa cầm bình sữa cho con, một ông bố rụt rè hỏi: "Dạ, rau ngót nấu như thế nào? Có nên hầm xương khi nấu cháo không?". Tan học, nhiều ông bố xúm xít xin những tài liệu nấu ăn dinh dưỡng. Trong một góc khuất, bố bé Thu Phương lúi húi ghi lại dòng chữ: "Nhóm đạm thì gồm cả đậu xanh, đậu nành..." |
Còn anh Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM) khoe: "Lần này, tôi chỉ đi tái khám cho con, giờ bé đã tăng một cân rồi". Anh Nam kể, mấy lần trước anh đã học xong, về nấu mà con vẫn suy dinh dưỡng, thấy vậy, bà nội cháu nói nên cúng vía, đổi tên cho dễ nuôi nhưng anh không tin. "Sau này tôi mới biết, gia đình hay cho cháu ăn bánh kẹo trước bữa ăn. Mặt khác, dù cho con ăn nhiều thịt, tôm hấp... nhưng cứ quay đi quay lại những món cũ nên cháu chán và món ăn lại không đủ bốn nhóm chất" - anh Nam trình bày.
Suy dinh dưỡng không phải do thiếu ăn mà vì cha mẹ thiếu hiểu biết
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1) cảnh báo: "Nhiều bé suy dinh dưỡng hiện nay không phải do thiếu ăn mà do phụ huynh không có kiến thức. Khi bé chậm lớn, nhiều cha mẹ không đưa đến bác sĩ mà ép bé ăn theo ý muốn của mình, thậm chí... tìm thầy về cúng".
Bác sĩ Minh Hạnh (Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM) giải thích, bé biếng ăn do phải ăn vài món từ ngày này sang ngày khác, gây chán; hay chỉ cho ăn nước mà bỏ xác của rau, thịt nên lâu ngày dẫn đến thiếu chất. Nhiều cháu mãi vẫn không ăn được cơm vì cha mẹ cứ cho dùng thức ăn nhuyễn, khiến bé không ăn được những thực phẩm lợn cợn. Lâu ngày, cơ thể không được đáp ứng đủ năng lượng.
Các bác sĩ chuyên về dinh dưỡng còn khuyến cáo, bé dưới hai tuổi rất dễ bị còi xương hay suy dinh dưỡng, nhất là trong giai đoạn ăn dặm. Nguyên nhân một phần là cha mẹ cho ăn nhiều chất bột, ít thực phẩm giàu canxi, sắt, vitamin.
Cần chia đều các món ăn cho bé mỗi ngày và tránh sự trùng lặp trong tuần. Món ăn cũng nên thay đổi màu sắc, đa dạng từ đỏ của cà chua, xanh của rau, tím của củ dền đến vàng của bí đỏ...
Quan trọng là cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong một bữa cần có đầy đủ bốn nhóm: chất bột (gạo, ngũ cốc, mì, nui), đạm (thịt, cá, đậu phụ), chất béo (dầu, mỡ) và nhóm rau củ quả.
Ngoài ra, theo lời khuyên của các bác sĩ, không nên đánh cho bé khóc hoặc bóp mũi để bé há miệng và đưa thức ăn vào, cách này chỉ làm bé sợ ăn.
Theo Báo Đất Việt