Giáo dục mầm non
   Ở nơi trường không ra trường
 

Khi nói về hệ thống giáo dục mầm non ở Thạch Thất và đặc biệt là ba xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) mới nhập về Hà Nội, ông Cấn Văn Quảng, trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất buồn rầu:

Nếu nói ở những xã này "trắng" về giáo dục mầm non thì không phải, có tên trường, có hiệu trưởng, hiệu phó, nhưng trường không ra trường. Mỗi trường là tập hợp của một số lớp ghép đang học nhờ ở các nhà kho, nhà tạm của dân. Nay đã sáp nhập về Hà Nội, những người làm giáo dục ở đây vẫn mong mỏi có một ngày ở những xã này sẽ có những ngôi trường mầm non cho ra trường, để trẻ của bậc học đầu đời đỡ thiệt thòi hơn.

Hiện nay, các xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (huyện Thạch Thất) có gần 900 học sinh mầm non, cùng 74 cán bộ, giáo viên, nằm rải rác ở các thôn, xóm.

Trường Mầm non Yên Trung (xã Yên Trung) hiện có 172 học sinh học ở 8 lớp ghép các độ tuổi, trong đó có 7 lớp học nhờ nhà văn hóa. Trường có 92 bộ bàn ghế học sinh thì đến 36 bộ không đúng quy cách. Đồ dùng giảng dạy, học tập mới đảm bảo ở mức tối thiểu. Trong số 14 giáo viên, chỉ có một giáo viên có trình độ cao đẳng, 10 người có trình độ trung cấp và có đến 3 người chưa qua đào tạo. Lớp mầm non của xóm Hương ở chung với nhà văn hóa thôn được đặt ở giữa đồng, cách khu dân cư tới 2km. Lớp có 13 trẻ, ghép ba độ tuổi 3, 4, 5. Ở gần đấy, lớp học ở xóm Hội cũng có 23 trẻ... Do không có chỗ học, không có đủ giáo viên nên ở mỗi xóm chỉ có thể bố trí được một lớp ghép, trong đó cố gắng ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, số còn lại đành tạm ở nhà.

Trường mầm non xã Tiến Xuân cũng không khá hơn, trường có 8 lớp học với 227 học sinh và 20 cán bộ giáo viên, song hiện nay cả 8 lớp đều học nhờ ở 8 thôn khác nhau. Trường của xã Yên Bình cũng có 320 trẻ, phải dạy và học trong điều kiện nhà cấp bốn chật hẹp, xuống cấp, dụng cụ học tập rất thiếu. Có những nhà văn hóa trường mượn làm lớp học luôn ở trong tình trạng sân lầy lội, mái ngói đã sụt, trời mưa là dột, tường bao xung quanh đổ nên trâu bò ra vào tự do, khiến đi qua ai cũng nghĩ là nhà hoang hơn là lớp học.

Không chỉ các xã thuộc huyện Thạch Thất, với giáo dục mầm non của xã Đông Xuân (Quốc Oai) cũng trong tình trạng tương tự. Đây là xã có nhiều bà con dân tộc Mường sinh sống. Toàn xã có 1.200 trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học, trong đó có đến 495 trẻ dưới 5 tuổi, nhưng cả xã vẫn chưa có một ngôi trường mầm non nào chính thức được xây dựng. Toàn xã có 224 cháu đang theo học ở 11 lớp mầm non, nằm rải rác ở khắp các nhà kho, nhà mượn tạm trong 8 thôn, thôn nhiều có 2 lớp, thôn ít thì một lớp. Do không có địa điểm để tập trung các cháu nên cũng không thể phân rạch ròi lớp mầm non lớn hay bé, bởi mỗi thôn chỉ có một cô phụ trách. Rồi do không có trường, giáo viên cũng thiếu thốn, cả trường chỉ có 4 cán bộ giáo viên có biên chế, còn lại là 9 cô dạy hợp đồng.

"Cái khó bó cái khôn", trong điều kiện trường lớp như vậy chất lượng dạy - học khó mà tốt được, dù cô và trò có nỗ lực đến mấy. Do trường không thể tập trung, rồi phải học lớp ghép nên việc chỉ đạo dạy học mỗi nơi mỗi khác. Nơi thì căn cứ vào tỷ lệ trẻ trong từng độ tuổi trong lớp để quyết định chương trình dạy, nếu số trẻ 4 tuổi nhiều nhất thì giáo viên sẽ dạy theo chương trình mẫu giáo 4 tuổi, lại có nơi ưu tiên cho trẻ 5 tuổi để giúp các em chuẩn bị vào lớp 1. Chuyện có em học 2 năm, thậm chí 3 năm cùng chương trình mẫu giáo 5 tuổi cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, do các lớp nằm rải rác nên mỗi lần có thông báo hay dự giảng, ban giám hiệu nhà trường rất vất vả chạy từ nơi nay đến nơi khác.

Những người gắn bó với giáo dục mầm non ở đây không phải đến bây giờ mới mong có một ngôi trường cho ra trường, Nói như cô hiệu trưởng trường mầm non Đông Xuân, khi xã còn thuộc huyện Lương Sơn, nhà trường đã có đến 9 lần làm hồ sơ rồi đơn xin với xã, với huyện cho xây dựng một ngôi trường để đón các cháu về học, nhưng nguyện vọng vẫn chưa được thực hiện.

Để giải quyết những khó khăn về đội ngũ giáo viên cho các trường mầm non địa bàn mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thống nhất cơ chế chính sách để các đơn vị này được hưởng định mức kinh phí 2 triệu đồng/trẻ/năm như các trường ở Hà Nội hiện nay nhưng để giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp, Sở vẫn chỉ đưa ra được giải pháp chung là tùy theo điều kiện thực tế nơi trường đóng mà có các giải pháp khác nhau và chờ mong nhiều vào công tác xã hội hóa giáo dục.

Theo KTDT

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Gửi trẻ kèm theo thuốc phải ký cam kết (3/12)
 Ngành mầm non bước qua khó khăn để đi lên! (2/12)
 Gợi ý từ Giáo dục Mỹ bậc tiểu học (1/12)
 “Người của Đảng” (28/11)
 Xót con thì phải "phong bì" cho cô giáo? (27/11)
 Chưa thể tìm trường cho trẻ từ 3 tháng tuổi (26/11)
 Nhà giáo ưu tú của bậc học mầm non (25/11)
 Hồi âm “Thư gửi các cô giáo mầm non” (24/11)
 Giải thưởng Võ Trường Toản (25/11)
 Thư gửi cô giáo mầm non (24/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i