Một trong những lời khuyên luôn được nhấn mạnh trong chế độ dinh dưỡng của trẻ là tránh không cho thêm đường và muối vào các món ăn khi trẻ chưa được 1 tuổi. Tuy nhiên, đường và muối không phải là gia vị duy nhất.
"Gia vị" ở đây không chỉ là ớt, hạt tiêu mà còn bao gồm tỏi, hành, gừng, riềng, nghệ, rau mùi, thì là... Có một số thảo dược và gia vị không chỉ có tác dụng làm tăng hương vị của món ăn mà còn có tác dụng kháng khuẩn và chống ôxy hóa.
Hầu hết các bác sĩ nhi đều khuyến nghị rằng nên đợi cho đến khi trẻ được 8 tháng tuổi hãy cho thêm gia vị vào các món ăn của trẻ, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa mà có thể dẫn tới dị ứng.
Nếu mẹ ăn các loại gia vị trong khi cho con bú thì bé có thể đã được làm quen với một số mùi vị. Điều quan trọng là nên tập cho bé ăn từng loại gia vị, với lượng nhỏ và trong 1 khoảng thời gian nhất định (4 - 6 ngày) rồi mới giới thiệu loại gia vị hay thức ăn khác để biết chính xác bé có dị ứng với thực phẩm nào không.
1 nhánh tỏi hay một lát gừng mỏng có thể được nghiền nhỏ để cho vào các món như bí đỏ, thịt gà trong khi nấu. Một số loại khác như bột nghệ, rau mùi, thìa là có thể cho vào món súp khoai, thịt bò, cháo cá...
Các gia vị nóng như bột ớt, hạt tiêu đen có thể cho bé làm quen sau khi bé được 18 tháng, phụ thuộc vào khả năng và ý thích của bé. Lưu ý là chỉ nên cho bé làm quen 1 lượng rất nhỏ. Tránh các loại ớt xanh, ớt tươi xay vì có thể làm lưỡi trẻ bị bỏng và ảnh hưởng tới dạ dày. Sau khi cho trẻ ăn cay (thịt bò khô), nên cho trẻ ăn miếng pho mát để làm giảm cảm giác rát lưỡi.
Luôn tránh xa các loại giả gia vị vì chúng có thể chứa phẩm màu công nghiệp và các tạp chất có thể gây hại cho cơ thể trẻ. Lưu ý là rất nhiều ớt bột dùng phẩm đỏ để nhuộm màu.
Theo Dân Trí