Y học cổ truyền đã sớm ứng dụng trong ăn uống để phòng và chữa nhiều bệnh. Ăn uống để cung cấp cho cơ thể những dinh dưỡng cần thiết nhằm tạo lập nên sự cân bằng về dinh dưỡng giúp cơ thể có cơ hội tự điều tiết dẫn đến kết quả phòng và chữa được bệnh, đó là những món ăn thuốc.
Những món ăn thuốc dùng cho trẻ bị cam (suy dinh dưỡng)
Trẻ nhỏ bị chứng cam (suy dinh dưỡng) thường do nuôi dưỡng không đúng cách, hoặc do ảnh hưởng của nhiều loại bệnh tật gây ra như do kiêng ăn, tiêu hóa kém dài ngày nên biểu hiện gầy còm, mặt vàng quắt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của trẻ. Do đó việc bồi bổ đúng cách là biện pháp chủ yếu để chữa chứng cam.
Để kết hợp chữa trị được hiệu quả có thể kết hợp với những món ăn thuốc sau đây
Món cháo đậu ván sao, sơn dược: Đậu ván sao 100g, hoài sơn dược 100g, gạo tẻ 50g, cho vào nồi đổ nước nấu thành cháo, ăn sớm tối.
Món nhộng rang: Nhộng 50-100g (rang qua), hồ đào nhân 100g, cho vào nồi hấp cách thủy, cách ngày ăn một lần.
Món sữa bò, gừng, đinh hương: Đinh hương 2 nụ, nước gừng 1 thìa canh, sữa bò 250ml, đường trắng 1 ít. Đinh hương, nước gừng, sữa bò cho vào nồi đun sôi, vớt bỏ đinh hương cho đường trắng hòa tan cho trẻ uống. Uống nóng vào buổi sớm, tối.
Món cà rốt, đường đỏ: Cà rốt, đường đỏ, lượng không hạn chế, rửa sạch cà rốt, cho cùng với đường đỏ vào nồi, đổ nước vừa đun sôi là được. Ăn bất cứ lúc nào trong ngày.
Canh chim cút, kỳ sâm: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 15g, chim cút 1 con. Vặt lông, bỏ ruột chim cút, cho đẳng sâm, cho hoàng kỳ vào bụng, đổ nước, dầu ăn, muối vừa phải, hấp cách thủy 2 giờ, bỏ đẳng sâm, hoàng kỳ ra, cho trẻ ăn. Ăn bữa phụ và ăn hết trong ngày.
Hạt sen, cổ hũ lợn: Hạt sen 40 hạt, cổ hũ lợn 1 cái, ngâm nở hạt sen, bỏ tâm sen, nhét vào cổ hũ lợn đã rửa sạch, lấy kim chỉ khâu 2 đầu, cho vào nồi, đổ nước hầm chín nhừ, để nguội vớt ra, thái chỉ cho gia vị vừa ăn. Ăn cả cổ hũ và hạt sen. Ngày ăn 1-2 lần, ăn đến khi hết chứng cam thì ngừng. Nhớ hâm nóng trước khi ăn.
Cháo củ cải: Dùng củ cải trắng và gạo nấu thành cháo cho trẻ ăn. Nếu trẻ không chịu ăn củ cải thì luộc củ cải lấy nước nấu thành cháo cho trẻ ăn.
Sơn dược tươi, mễ nhân: Sơn dược tươi 30g, mễ nhân 30g, cho vào giã nhỏ, đem nấu chín nhừ, sau lại cho 12g hồng khô đã tán bột, hòa tan và cho trẻ ăn.
Chế biến bánh kiện nhi, tăng lực cho trẻ
Bánh kiện nhi tăng lực cho trẻ nhỏ được cải biến từ bánh "ích tỳ" của danh y Trương Tích Thuần ở Trung Quốc được dùng để trị chứng biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, chứng tỳ vị tích trệ đã đạt hiệu quả khá rõ ràng.
Nguyên liệu: Bạch truật 30g, sơn tra sao cháy 15g, kê huyết đằng 30g, bột mạch nha 30g, hồng táo 250g, kê nội kim (màng trong của mề gà) 15g, bột mì 500g, dầu vừng, đường đỏ, muối vừa đủ.
Cách chế biến: Lấy bạch truật, sơn tra, kê huyết đằng cho vào vải bọc lại, buộc chặt, thả vào trong nồi, cho hồng táo, đổ vừa nước, đun to lửa sôi, sau đó hạ lửa nhỏ đun tiếp chừng 1 giờ nữa, sau vớt bỏ túi và hạt hồng táo ra, rồi khuấy nước thuốc và thịt của hồng táo thành súp để sẵn. Tán nhỏ kê nội kim trộn đều vào bột mì, bột mạch nha, và bắt đầu đổ nước súp thuốc vào, cho đường đỏ đã khuấy tan, cùng muối, có thể thêm nước vào đủ để nhào với bột mì thành khối bột. Cuối cùng chia bột thành những khối nhỏ, dùng chai dàn mỏng bột tạo thành từng cái bánh mỏng, đổ dầu vừng cho nhỏ lửa và rán từng chiếc bánh đến chín là được, cho vào liễn sứ cất trong tủ lạnh cho trẻ ăn dần ngày 2-3 chiếc.
Món ăn dùng cho trẻ khóc dạ đề
Trẻ nhỏ đang bú mẹ bị khóc dạ đề thì người mẹ nuôi con cần ăn nhiều những loại rau xanh, trái cây tươi thanh đạm, ăn ít hay không ăn những thức ăn có tính chất kích thích như cay, ngậy béo... Nếu trẻ đã lớn hơn một chút nên tăng thêm các thức như nước cam, quýt, nước rau, nước cà chua, nước dưa hấu, nước cà rốt, súp rau, súp quả... Nếu trẻ có kèm theo tiêu chảy, chân tay lạnh lại cần phải chú ý về mặt ăn uống, tăng thêm thức ăn ôn tỳ kiện vị như nước đường đỏ, cháo nước gừng, cháo trắng hành, cháo đại táo, súp cà rốt, kiêng các thức ăn hàn lạnh. Những trẻ dễ giật mình nên ăn nhiều những thức ăn ninh tâm an thần như hạt sen, đại táo, vừng, nhãn, tiểu mạch, tim lợn, trứng gà, bách hợp, hoa hiên, thịt sò biển, nấu thành canh, món ăn, cháo... để ăn.
Sau đây là các món ăn thuốc dùng cho trẻ:
Mã thầy 250g, đường trắng vừa đủ. Mã thầy gọt vỏ, giã nát, cho hai bát nước và đường trắng vào khuấy đều, đun chín, bỏ bã, để nguội cho trẻ uống vào lúc khát.
Thiền y (xác ve sầu) 7 con, đăng tâm 3g, bạc hà 3g, sắc lấy nước bỏ bã, chắt lấy 50ml nước rồi vắt sữa mẹ vào cho trẻ uống.
Cùi nhãn 5g, táo nhân sao 5g, hạt sen 6g, sắc bỏ bã lấy nước cho trẻ uống trước khi đi ngủ.
Hạt sen (bỏ vỏ lụa và tâm sen), bách hợp mỗi thứ 10-15g, đường cát trắng vừa đủ. Đem đun nhừ hạt sen và bách hợp thành nước bột, cho đường trắng vào là được. Ăn nóng, ngày cho trẻ ăn từ 1-2 tuần.
Món ăn thuốc dùng cho trẻ đái dầm
Cháo nhân sâm, bạch truật: Gạo tẻ 100g, nhân sâm 10g, rang gạo tẻ cho nở, sau dùng lửa nhỏ hầm, đồng thời thả vài lát nhân sâm, hầm đến chín nhừ, mang ra cho trẻ ăn, ngày 1 lần, ăn thường xuyên.
Cháo mễ nhân, bong bóng cá: Bong bóng cá 30g, mễ nhân 30g, hành, gừng, xì dầu, dầu vừng vừa đủ, cho mễ nhân và bong bóng cá nấu thành cháo, trước khi bắc nồi xuống thì cho gừng, xì dầu và dầu vừng đun sôi nhào là được.
Đậu đen hầm thịt chó: Thịt chó 150g, đậu đen 20g, hai thứ rửa sạch cho vào nồi đổ nước đun to lửa, sôi hớt bỏ bọt, sau hầm chín nhừ, cho đường hoặc muối, ăn hết trong ngày. Một liệu trình là 15 ngày liền.
Bá kích hầm ruột gà: Bá kích thiên 15g, ruột gà 2 bộ, ruột gà rửa sạch cắt khúc cho vào nồi cùng bá kích thiên, đổ 2 bát nước lã, sắc còn lại 1 bát, tra muối vừa miệng, ăn lòng gà, uống canh, ngày 1 lần.
Bột cửu trùng hương: Lấy cửu trùng hương sấy chín, tán nhỏ, uống với nước sôi, ngày 2 lần, mỗi lần 3g, uống vào khi đói.
Đồ uống sơn thù du, lá hẹ: Sơn thù du 15g, lá hẹ 30g. Sắc sơn thù du 20 phút, sau cho lá hẹ vào đun sôi nhào, chắt lấy nước cho trẻ uống trong ngày.
Nhục quế hầm gan gà: Bột nhục quế 3g, gan gà trống 2 cái, rửa sạch gan gà cho vào bát có nắp đậy, rắc bột nhục quế lên trên gan gà, đậy nắp cho vào nồi hấp cách thủy chín cho trẻ ăn.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống