Bước vào quá trình ăn dặm, bé sẽ gặp phải một số khó khăn như việc bị hóc, bị nghẹn hay dị ứng thực phẩm. Để quá trình ăn dặm của bé được an toàn và hiệu quả, bạn nên chú ý một số điểm sau.
Thứ nhất, thức ăn dành cho bé phải đảm bảo độ mềm, nhuyễn, dễ tiêu hóa và không cần nêm quá nhiều gia vị.
Thứ hai, mỗi khẩu phần ăn của bé cần đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cơ bản bao gồm chất tinh bột, chất đạm, vitamin và các khoáng chất thiết yếu. Mỗi lần, bạn chỉ nên để bé làm quen với một loại thức ăn mới và xem bé có xuất hiện dấu hiệu dị ứng với loại thực phẩm này hay không.
Những loại thực phẩm cần tránh trong quá trình ăn dặm
Mật ong: Bé dưới 1 tuổi có thể bị ngộ độc khi dùng mật ong.
Muối: Chế độ ăn nhiều muối sẽ gây hại cho thận bé.
Các loại gia vị: Hạt tiêu, mì chính, đường… không cần thiết khi thêm vào quá trình nấu ăn cho bé.
Nghêu sò và một số loại tôm, cua cá: Có thể gây ngộ độc thức ăn cho bé. Hơn nữa, cơ thể bé cũng rất khó hấp thu các dưỡng chất có từ nghêu sò hay tôm cua, cá. Bạn có thể cho bé ăn các loại thực phẩm này khi bé đã quen với quá trình ăn dặm một thời gian sau đó.
Nước hoa quả: Không nên cho bé dưới 1 tuổi uống nước hoa quả, nhất là các loại nước chứa nhiều vị chua như cam, chanh.
Các loại rau: Như củ cải, súp lơ xanh, cải xoăn, rau bina không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn. Bởi vì chúng có chứa quá nhiều chất natri mà cơ thể bé không hấp thụ hết.
Loại sữa, phomai chưa tiệt trùng: Chứa rất nhiều vi khuẩn có hại.
Những thực phẩm chứa nhiều gluten: Không cho bé dưới 6 tháng tuổi ăn những loại thực phẩm chứa nhiều gluten như bột lúa mỳ, bột lúa mạch…
Những loại thức ăn bé dễ bị hóc, nghẹn: Các loại hạt, xúc xích, bỏng ngô, quả nho, đồ ăn dễ vỡ thành nhiều mảnh vụn...
Lưu ý khi cho bé ăn
- Bạn không nên cho thìa của bé vào miệng bạn trong quá trình cho bé ăn. Bởi vì, bé có thể bị nhiễm khuẩn từ miệng bạn, thậm chí bị lây nhiễm các bệnh về răng lợi.
- Nếu bé không chịu ăn từng món riêng biệt, bạn có thể trộn các món với nhau để bé dùng dần.
- Bạn không nên giảm lượng sữa hàng ngày trong suốt quá trình ăn dặm của bé. Bởi vì, các món ăn dặm ban đầu có thể chưa cung cấp đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé.
- Không nên cho bé ăn lại đồ ăn thừa từ bữa trước.
- Lưu ý với bé bị nôn trớ: Nếu bé chỉ thi thoảng bị nôn trớ, bạn cần giúp bé tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Trường hợp bé bị nôn trớ thường xuyên, bạn cần tham khảo ý kiến của một chuyên gia dinh dưỡng.
- Để bé ăn nhiều và hấp thu tốt hơn: Trước hết, bạn hãy chú ý đến địa điểm hay dụng cụ đựng thức ăn của bé. Cho bé ngồi trên ghế riêng và dùng bữa cùng cả gia đình. Không khí thân mật, vui vẻ khiến bé hứng thú ăn và dễ hấp thu chất dinh dưỡng.
- Với bé bị táo bón: Chế độ ăn thiếu chất xơ và một lượng nước ít là nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón của bé. Vì vậy, bạn nên tăng cường rau, củ, quả vào chế độ ăn hàng ngày của bé.
- Với bé thừa cân: Bạn có thể xác định chiều cao và cân nặng của bé theo từng giai đoạn phát triển. Nếu bé thừa cân, bạn cần kiểm soát chế độ ăn của bé. Nên cho bé ăn nhiều rau xanh, hoa quả, khuyến khích bé vận động, hạn chế chất ngọt, béo. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của một chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra chế độ ăn hợp lý nhất cho bé thừa cân.
Theo mevabe.net