Mỗi khi con bạn phát triển thêm những khả năng mới thì công việc của bạn là cổ vũ và động viên con. Và chắc chắn khi con học viết thì sự giúp đỡ của bạn là vô cùng quan trọng.
Ảnh: inmagine.com
Trong năm đầu tiên, để giúp bé phát triển kỹ năng viết, bạn nên cung cấp cho con bút màu sáp, giấy hoặc sách tập vẽ, vì đây là lúc bé bắt đầu thể hiện khuynh hướng cảm xúc của mình thông qua những hình vẽ nguệch ngoạc. (Nhưng nhớ là đừng đưa cho bé các loại bút khác như bút bi hay bút chì cho đến khi bé lớn hơn – bởi vì những loại bút này sắc nhọn hơn bút màu sáp và có thể gây tổn thương cho bé khi bé ngã vào hoặc tình cờ đưa bút lên mặt.) Hãy để bé luyện tập với những nét vẽ nghuệch ngoạc của mình, nhưng hãy cho bé nghỉ khi bé đã chán chơi.
Trong giai đoạn này, bạn cũng nên dạy cho bé biết vẽ trong khuôn khổ một tờ giấy mà thôi, bởi vì trẻ ở lứa tuổi này rất hiếu động và chóng chán. Dù bạn có dặn bé bao nhiêu lần đi nữa thì bé vẫn có khuynh hướng tìm những bề mặt khác có sẵn để vẽ (trên sàn nhà, trên giấy tờ của bạn). Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tinh thần trước là sẽ phải lau chùi, dọn dẹp những thứ bé vẽ lung tung, mà hay nhất là mua cho bé loại bút sáp màu có thể chùi rửa được. Cố gắng giám sát trẻ để trẻ không ăn những thứ bé đang dùng (bút màu, giấy vẽ…) để tránh những thương tổn lâu dài cho bé.
Khi bé bắt đầu viết được những ký tự thật sự thì điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là giúp con học từng bước một. “Thật sự thì rất dễ để dạy cho trẻ những ký tự và những con số”, T.Berry Brazelton, một chuyên gia về trẻ em và gia đình, phát biểu. “Đối với tôi, thời gian không quan trọng bằng việc trẻ muốn học hỏi. Chỉ cần chắc chắn một điều là những gì chúng ta cung cấp cho trẻ là những điều trẻ muốn học. Không khó khăn gì khi dạy một đứa trẻ ở lứa tuổi này học tập. Nhưng thật sự điều này không có lợi cho sự phát triển của trẻ”, T.Berry Brazelton tiếp tục nói. Trong giai đoạn này, nếu trẻ bị buộc phải học đọc, học viết trước khi bé có thể làm điều đó sẽ tạo ra cảm giác trẻ dường như già dặn hơn các bạn đồng lứa. Nhưng dần dần bạn sẽ nhận ra rằng việc học thích hợp hơn với trẻ khi chúng được thêm vài tuổi nữa và rằng chúng không thể cùng lúc tiếp thu quá nhiều kiến thức đọc, viết phức tạp.
Cuối cùng, bạn hãy cố gắng trò chuyện nhiều với bé, đọc cho bé nghe nhiều câu chuyện - nhiều tới mức nào bạn có thể. Bé được càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ thì tư duy của bé càng phát triển. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bé trong việc phát triển kỹ năng trao đổi thông tin, giao tiếp xã hội sau này.
( Theo Web Trẻ Thơ )