Việc sử dụng đôi tay như một công cụ lao động là điểm khác biệt giữa con người và động vật, đó cũng là thành quả của một quá trình học tập lâu dài.
Em bé tập sử dụng đôi tay như thế nào?
Ngay từ khi mới ra đời, em bé đã bắt đầu học cách sử dụng đôi tay của mình. Chỉ cần một chút chú ý và một vài hành động nhỏ, bạn cũng có thể giúp bé hoàn thành những bài tập giúp cho đôi tay khéo léo.
Những tuần đầu tiên: Đôi tay bé nhỏ vẫn chưa thật chủ động, chúng luôn nắm chặt và chưa biết xòe ra.
Để tăng sự cảm nhận của đôi tay, bạn có thể vuốt nhẹ các ngón tay; xoa xoa lòng bàn tay bé, đưa ngón út của bạn cho bé nắm rồi gỡ lần lượt từng ngón ra. Nếu là mùa đông, bạn nên ủ ấm tay mình trước khi thực hiện những động tác này.
Khi bé đầy tháng: Bé đã cảm nhận được sự tồn tại của chân tay mình. Bé sẽ đạp chân, khua tay liên tục. Nhưng động tác khua tay vẫn còn rất vụng dại, chỉ dừng lại ở mức duỗi ra, gập vào mà thôi.
Để tăng cảm nhận của bé về sự hoạt động của chân tay mình, bạn hãy lồng vào chân hoặc tay bé một sợi dây buộc quả bóng bay hay một chiếc chuông nhỏ. Dần dần, bé sẽ hiểu ra quy luật: Mỗi lần khua đạp, chiếc chuông sẽ phát ra âm thanh, quả bóng thì chuyển động.
3-4 tháng: bé bắt đầu “động tay”, tức là biết thò tay ra để với đồ vật trước mắt. Trong thời gian này, bạn nên sử dụng đồ chơi nhiều màu sắc, phát ra âm thanh để khuyến khích bé duỗi tay có chủ đích.
Từ 5 đến 12 tháng đôi tay dần trở nên khéo léo, bé đã biết cách sử dụng đôi tay để thực hiện những động tác cơ bản
Cho tới cuối năm đầu đời, bé sẽ học cách duỗi ngón cái, sau đó là ngón trỏ rồi tới các ngón khác, tiến tới thực hiện những động tác ngày càng chính xác.
Giúp bé tiến bộ
5 tháng, sự cầm nắm có chủ ý xuất hiện
Khi có vật hấp dẫn chuyển động trước mặt, bé sẽ với lấy rồi nắm đồ chơi bằng lòng bàn tay và 3 ngón : giữa, nhẫn, út. Một khi đã cầm được vật, bé sẽ bỏ ngay lên mồm để gặm.
Làm gì để giúp bé tiến bộ?
Để khuyến khích bé học cách buông tay, bạn hãy dạy bé chơi trò «cho và nhận»: Đặt một vật vào tay bé sau đó yêu cầu bé đưa lại cùng lúc kéo đồ ra khỏi tay bé. Bạn có thể sử dụng bình sữa để thực hiện trò chơi này.
Tập lực ngón tay: Bé rất thích những gì sặc sỡ, phát ra âm thanh và có thể gập bẻ được. Hãy thử cho bé tập nhấn phím đàn, bóp bột, xé giấy…
6 tháng, bắt đầu có kinh nghiệm cầm nắm
Bé đã biết hai tay cầm hai vật nhưng nếu giấu hai đồ vật đó đi, bé vẫn chưa biết tìm lại.
Khi nằm ngửa, bé rất thích chơi với bàn chân mình còn khi nằm sấp, bé có thể dễ dàng dùng tay để nghịch đồ chơi.
Làm gì để giúp bé tiến bộ?
Hãy làm mẫu cho bé cách chuyển đồ từ tay này sang tay khác.
Việc cầm nắm đồ chơi có hình dáng, chất liệu khác nhau là cách rèn luyện kĩ năng cầm nắm rất hữu dụng.
Tháng thứ 7
Bé đã biết nhón vật bằng ngón trỏ và ngón cái, điều đó cho thấy thị giác của bé đã phát triển rất nhiều, khả năng điều khiển của não cũng đã tinh vi hơn.
Mọi đồ vật xung quanh giờ đây trở nên vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn bé, khiến bé liên tục «tấn công» tất thảy những gì trong tầm tay với.
Một tiến bộ khác, bé có khả năng thả rơi đồ vật, nhưng đó mới chỉ là động tác buông tay chung chung, chưa chính xác.
Song song với việc đó, khi nằm sấp bé có thể nhấc một tay lên để với đồ chơi. Khi ngồi, bé đã biết cầm đồ chơi và đập thật mạnh xuống đất. Bé cũng đã biết choài người để với lấy đồ chơi.
Làm gì để giúp bé?
Trước tiên dạy bé dùng ngón tay để bốc thức ăn sau đó là tập cho bé cầm thìa. Nên cho bé chơi các đồ chơi cứng mềm, khác nhau; cho bé nghịch nước, cát.
Tháng thứ 8
Ngón trỏ bắt đầu thực hiện vai trò của mình một cách khéo léo hơn. Nếu bé đang cầm hai đồ chơi trong tay, khi ta đưa thêm một món nữa, bé sẽ buông một bàn tay ra để lắm lấy đồ chơi mới.
Bé đã thành công trong việc « túm lấy cái chân » rồi gặm gặm ngón chân cái.
Làm gì để giúp bé?
Bé rất thích gõ, đập đồ vật để tạo ra tiếng động. Thìa nấu bếp bằng gỗ, một cái nồi, hai cái vung rất thích hợp cho việc này.
Hãy để xung quanh bé nhiều đồ vật để mỗi khi đập, các âm thanh phát khác nhau phát ra sẽ kích thích thính giác và óc phân tích của bé phát triển.
Tháng thứ 9
Bé có thể nắm giữ vật nhỏ bằng ngón trỏ và phần dưới của ngón cái.
Bé cũng rất thích vứt đồ chơi xuống đất để nghiên cứu đặc tính của mọi vật xung quanh: cái này rơi phát ra tiếng động gì? nó có vỡ không? mẹ có mắng không?
Những giờ chơi của bé đã giảm bớt tính đơn lẻ, bắt đầu có tính trao đổi : bé biết chìa đồ chơi về phía người lớn.
Làm gì để giúp bé tiến bộ?
Hãy tổ chức những trò chơi đơn giản để bé học cách chỉ tay vào các đồ vật khác nhau.
Dạy bé rót nước từ ca này sang ca khác.
Thường xuyên cho bé tập nhón các mẩu thức ăn
Tháng thứ 10, thứ 11
Sự cầm nắm đã tinh tế hơn. Đồ chơi nhỏ được giữ chặt giữa ngón trỏ và ngón cái. Bé bắt đầu tìm hiểu nguyên lý của "cái chứa và cái được chứa" (đến khoảng 14 tháng, bé sẽ nắm rõ được nguyên lý này). Bé rất thích cho đồ chơi vào hộp rồi lấy ra rồi bỏ vào.
Bé cũng rất thích chỉ tay vào những gì bé quan tâm.
Bé đã có nhận thức đâu là bên trong, bên ngoài, ở trên, ở dưới và cảm nhận được chiều sâu.
Bé bị thu hút bởi những chi tiết nổi, thích ngoáy ngoáy những cái lỗ, khe ngách, rãnh.
Bé đã có thể đá bóng về phía người lớn và thích tất cả những trò chơi lắp ghép.
Làm gì để giúp bé?
Tăng số lượng đồ chơi xung quanh bé để bé thường xuyên nhặt, vứt, nhằm tăng tính linh hoạt.
Dậy bé cách lăn bóng về phía bạn.
Chỉ cho bé làm thế nào để bỏ đầy đồ chơi vào hộp
Ngồi bên canh chừng và cho bé chơi trò bốc hạt, đổ hạt từ tay này sang tay kia.
Một tuổi
Bé đã có thể buông đồ vật một cách rất chính xác. Bé rất thích vứt lần lượt từng món (như thể đếm cá thả) và nếu được chỉ dẫn, bé sẽ rất mê trò chơi lắp ghép hoặc chơi trò thả đồ vào lỗ tương ứng (khối cầu vào lỗ tròn, khối vuông và lỗ vuông…)
Bé rất thích được cổ vũ, động viên, vì thế, mỗi khi bé làm được việc gì, người lớn nên động viên, vỗ tay khen thưởng.
Làm gì để giúp bé?
Hãy làm cho bé những hộp hoặc ngăn tủ đựng đồ chơi. Ở độ tuổi này, bé bắt đầu học cách sắp xếp đồ chơi theo thứ tự. Hãy làm mẫu cho bé cách phân loại đồ chơi, cách làm đầy, cách lèn chặt.
Bắt đầu cho bé chơi những trò có tính chất trao đổi: bé đưa món này cho bạn, bạn đưa đồ khác cho bé. Trò này ngoài tác việc khiến bé rất thích thú,, còn giúp phát triển sự linh hoạt của các ngón tay.
Dần dần, tập cho bé cách cầm nhiều hình khối bằng một tay.
( Theo Bibi.Vn )