Phân loại các đồ vật theo hình dạng, màu sắc và kích cỡ, đếm từ 1 đến 10, nhận biết theo nhóm và mẫu hình... Đó là những cách thông thường để các bé bước đầu học toán. Bạn cũng có thể giúp bé sớm phát triển kỹ năng toán học của mình một cách đơn giản thông qua các trò chơi trong và quanh nhà.
Hãy quên đi những dụng cụ học toán ở nhà trường nếu bạn muốn tập cho trẻ lòng yêu thích toán học, thay vào đó hãy chỉ cho bé thấy toán học là một phần trong cuộc sống hằng ngày xung quanh, có thể từ đó bé sẽ thích học toán hơn khi đến trường.
Ảnh: inmagine.com
Dưới đây là 12 cách để giúp trẻ khám phá thế giới toán học. Bởi vì trẻ nên được tiếp thu kiến thức theo nhiều cách khác nhau, được sắp xếp theo những thiên hướng phù hợp.
Học bằng cách quan sát:
Chơi trò hành trình tìm số: Khi bạn chở bé đi ngoài đường, hãy thử bảo bé tìm kiếm những con số xuất hiện trên đường phố, bảng hiệu cửa hàng và trên những biển báo giao thông. Rồi bạn cùng bé gọi to những con số ấy lên. Ở lứa tuổi này bé đã có thể nhận biết các con số từ 1 đến 10 trước khi đi nhà trẻ.
Nối kết những con số: Trò chơi có vẻ cũ này sẽ giúp trẻ hiểu sự liền mạch của dãy chữ số, theo sau 1 sẽ là 2, tiếp sau 2 sẽ là 3, v.v…Trong nhà sách cũng có những sách truyện nhiều màu sắc được sắp xếp theo thứ tự liền nhau, bạn có thể tận dụng cơ hội dẫn bé đi nhà sách để giúp bé học toán.
Gọi điện thoại: Viết số điện thoại của bạn bè hay người thân vào một mẩu giấy. Sau đó nhờ bé nhấn số gọi giúp, đây là cách giúp bé thực hành cách đọc các con số từ trái sang phải.
Đếm mọi thứ ở xung quanh: Chẳng hạn đếm số người đứng trong hàng, đếm bước những bậc thang, đếm các vạch trên vỉa hè.
Học bằng cách tiếp xúc:
Đếm và phân loại những vật dụng gia đình: Trộn lẫn dao, nĩa, thìa trong tủ đựng và nói bé xếp chúng thành từng loại, rồi đếm số lượng có trong từng nhóm đó. Dùng cách thức tương tự để đếm quần áo trong tủ (theo màu sắc, kích cỡ), đếm các con thú trong bộ sưu tập đồ chơi (theo giống loài, kích cỡ). Hoặc giả bạn có thể cùng bé thu gom quần áo giặt rồi phân loại quần áo theo từng nhóm.
Tìm những đồ vật có hình dạng khác nhau trong nhà: Tìm kiếm quanh nhà những đồ vật hình tròn, hình tam giác, hình vuông, hình sao… hay bất cứ hình dáng nào. Bằng cách đó nâng cao khả năng nhận biết, phác thảo và sắp xếp các hình dạng ở trẻ.
Chơi đoán hình: Chẳng hạn tìm tòi cách chơi các đồ chơi 3 chiều. Hình thức này giúp trẻ nắm được những nền tảng kiến thức về hình học vốn là những hiểu biết quan trọng trong sự phát triển các kỹ năng vận động và nhận thức không gian.
Làm một quyển sách tập đếm: Với hoạt động này bé sẽ có được một cuốn sách dùng để học đọc và học toán: Bạn hướng dẫn bé tìm trong các cuốn tạp chí cũ, các sách danh mục (catalog) rồi cắt tất cả những mẩu tin bắt đầu bằng kí tự “A” và dán chúng vào một tờ giấy đã được sắp xếp theo trình tự của cuốn sách. Khi lướt qua danh sách những gì sưu tập được, bạn sẽ cùng bé đếm số lượng hình ảnh trong từng trang.
Tạo trò chơi trong bữa ăn nhẹ: Chẳng hạn đưa cho bé một lượng bánh giòn hình cá đầy một vun tay, sau đó vẽ hình một cái hồ nuôi cá vào trong một tờ giấy trắng. Bạn bảo bé đặt những con cá vào trong hồ và đếm chúng. Lấy ra ngoài một con rồi bảo bé đếm lại.
Chơi trò phân loại kiểu hình: Ví dụ bạn cho bé những quả nho màu xanh và tím. Sau đó nói con xếp đặt chúng thành từng nhóm theo màu sắc: tím, xanh, tím, xanh. Hoặc xanh, xanh, tím, tím. Bạn cũng có thể tập cho bé phân biệt các mẫu hình có trong tự nhiên: những vòng tròn trên thân sâu bướm, những vòng xoắn trên mình ốc sên hoặc những thứ đi theo cặp như mắt, tai, hay hai hạt đậu phộng trong cùng một vỏ. Hoạt động này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và suy nghĩ trừu tượng.
Học bằng cách lắng nghe:
Nghe những giai điệu và bài nhạc dành cho trẻ học đếm:
“Một cây số mỏi chân rồi đường còn xa lắm không
Hai cây số mỏi chân rồi rội nghiệp quá đôi giày
Ba cây số mỏi chân rồi đường còn xa lắm không
Bốn cây số…”.
Bất kỳ hình thức tập đếm nào theo nhạc điệu cũng sẽ giúp bé học đếm một cách thích thú.
Chuẩn bị món ăn cùng con: Hãy nhờ bé đếm số lượng những cái tách, những cái chén cần dùng và để bé định lượng thành phần nguyên liệu trong khi bạn đọc to các hướng dẫn thực hiện. Đây là một cách dễ dàng và ngon lành để giới thiệu cho bé ý niệm chung về dung lượng và trọng lượng.
( Theo Web Trẻ Thơ )